Các tình huống pháp luật lao động: Ký hợp đồng lao động mà không ghi thời hạn kết thúc?
VCCI mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ tránh được những rủi ro về pháp luật lao động, mà còn hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
>>Các tình huống pháp luật lao động: Những lưu ý về hợp đồng thời vụ
VCCI sẽ tiến hành hướng dẫn thực hiện một số tình huống trong thực tiễn mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn trong trong quá trình áp dụng. Tại mỗi tình huống người đọc không chỉ nắm bắt được các quy định mới, mà còn có được những điểm mà người sử dụng lao động cần lưu ý hoặc những gợi ý về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành của doanh nghiệp.
Tình huống 4. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo công việc của một dự án nhất định mà không ghi thời hạn kết thúc trong HĐLĐ được không?
Theo Điều 20 của Bộ Luật lao động (BLLĐ) 2019 thì HĐLĐ phải được giao kết theo một trong hai loại: HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn. Trong đó, HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Theo Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH: Nội dung chủ yếu của HĐLĐ
Nội dung chủ yếu phải có của HĐLĐ theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
…
4. Thời hạn của HĐLĐ: thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ xác định thời hạn); thời điểm bắt đầu thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn).
>>Các tình huống pháp luật lao động
Thời hạn của hợp đồng là nội dung bắt buộc phải có của HĐLĐ (theo Điều 21 Khoản 1 BLLĐ 2019) và phải được thoả thuận chi tiết về thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ xác định thời hạn); thời điểm bắt đầu thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn) theo quy định Điều 3 Khoản 4 Thông tư số 10/2020/TT- BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Vì vậy, khi tuyển dụng người lao động (NLĐ) vào làm một công việc mà công việc đó chỉ được tiến hành trong một thời gian nhất định (ví dụ theo một chương trình, dự án hoặc theo một kế hoạch đã xác đinh), NSDLĐ cần căn cứ vào khung thời gian cần thiết để thực hiện công việc (từ khi bắt đầu đến khi kết thúc) để xác định thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc HĐLĐ thì hai bên thỏa thuận giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn, theo đó chỉ cần ghi thời điểm bắt đầu thực hiện HĐLĐ mà không phải ghi thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ.
Trường hợp hai bên giao kết hợp lao động xác định thời hạn, trong quá trình thực hiện hợp đồng, công việc có thể kết thúc không đúng như thời gian đã thoả thuận. Để tránh các tranh chấp có thể xảy ra trong trường hợp này, NSDLĐ và NLĐ cần thoả thuận thêm các tình huống có thể xảy ra như: công việc đã hoàn thành hoặc đã kết thúc (không còn) trước thời điểm chấm dứt hiệu lực HĐLĐ; công việc phải kéo dài sau khi HĐLĐ hết hạn; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong từng tình huống xảy ra, v.v. và ghi trong HĐLĐ. Trường hợp hai bên không có các thoả thuận này trong HĐLĐ thì theo từng tình huống cụ thể, quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được thực hiện theo quy định của BLLĐ.
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm