Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 5: Nhiều địa phương “réo tên” Nhật Nam
Trước hoạt động “gọi vốn” với nhiều dấu hiệu bất thường của Công ty Nhật Nam, nhiều địa phương đã phải phát cảnh báo tới người dân về rủi ro khi góp vốn vào công ty này…
>>Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 4: Công ty Nhật Nam thỏa thuận “trả tiền…kiện báo”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trước hoạt động “gọi vốn” trả lãi “khủng” của Công ty CP Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam), nhiều địa phương đã phải đưa ra cảnh báo rủi ro về mô hình hoạt động của công ty này với người dân trên địa bàn.
Theo đó, sau tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, và mới đây nhất, UBND TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã ra văn bản cảnh báo các cán bộ, đảng viên, người dân cảnh giác trước "Hợp đồng hợp tác kinh doanh" của Công ty Nhật Nam. Cụ thể, hoạt động huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của công ty có văn phòng đại diện tại thành phố Việt Trì bị đánh giá là “có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế”.
UBND TP Việt Trì yêu cầu các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam. Cơ quan công an thành phố Việt Trì được giao nhiệm vụ tiếp tục nắm tình hình hoạt động của công ty này và văn phòng đại diện tại thành phố Việt Trì, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật.
Công ty Nhật Nam có trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Thời gian gần đây, công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh, thành trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.
Hồi tháng 8/2022, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) từng ra văn bản thông báo trong đó có nêu Công ty BĐS Nhật Nam có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Theo đó, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.
Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
>>Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 1: Chiêu trò “quăng bom” để “lùa gà”
Không chỉ TP Việt Trì, trước đó UBND tỉnh Hoà Bình, Công an huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cũng có văn bản cảnh báo người dân cảnh giác khi tham gia góp vốn với Công ty Nhật Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và truyền thông, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát các chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn có dấu hiệu, hành vi, hoạt động huy động vốn tương tự để có biện pháp ngăn chặn, xử lý; Bên cạnh đó, rà soát các cá nhân Vũ Thị Thúy (Giám đốc), cổ đông góp vốn: Mai Thanh Tùng, Vũ Đức Tại có tài khoản hoặc giao dịch chuyển tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Quay trở lại hoạt động của chi nhánh Công ty Nhật Nam tại thành phố Việt Trì, (tỉnh Phú Thọ). Theo tìm hiểu của phóng viên, người được giao phụ trách văn phòng đại diện này có tên Nguyễn Xuân Lộc, người này cũng từng quản lý văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng liên quan tới chi nhánh công ty này, trước đó, một nạn nhân tại huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã phải cầu cứu khẩn cấp Diễn đàn Doanh nghiệpsau khi bị nhóm đối tượng tại văn phòng này lôi kéo góp vốn đầu tư.
Đáng nói, dù nạn nhân này đã chấp nhận “mất tiền” nhưng vẫn không thể yên ổn, bởi, một thời gian dài, đối tượng Nguyễn Xuân Lộc liên tiếp “khủng bố”, yêu cầu gia đình nạn nhân phải hoàn trả tất cả những món quà mà Công ty Nhật Nam đã tặng khiến cả gia đình hoang mang, không biết giải quyết ra sao?
Buổi sáng ngày 27/9/2022, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục tìm đến trụ sở chính của Công ty Nhật Nam tại 79-81 Xuân La- Phường Xuân La- Quận Tây Hồ- Hà Nội để liên hệ công tác. Tuy nhiên, điều hết sức bất ngờ là toàn bộ biển, bảng của công ty này đã bị dỡ bỏ.
Hiện, Diễn đàn Doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin trả lời chính thức nào từ đại diện công ty này.
Có thể bạn quan tâm
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 4: Công ty Nhật Nam thỏa thuận “trả tiền…kiện báo”
03:00, 14/09/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 3: Lời cầu cứu sau “cơn u mê”
03:50, 09/07/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 2: “Bóp cổ” nhà đầu tư ngay từ hợp đồng
03:40, 14/05/2022
Cảnh báo đa cấp bất động sản - Bài 1: Chiêu trò “quăng bom” để “lùa gà”
03:40, 13/05/2022