“Bất thường” tại gói thầu xây hồ chứa nước 178 tỷ đồng tại Cao Bằng
Dù đáp ứng các yêu cầu và năng lực, kinh nghiệm, có giá cạnh tranh hơn đối thủ khi tham dự một gói thầu tại Cao Bằng, nhưng nhà thầu vẫn bị loại một cách "bất thường"…
Đó là nội dung trong lá đơn tố cáo của Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi I (Viết tắt là Công ty Thủy lợi I, có địa chỉ tại Phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo đại diện Công ty Thủy lợi I, khi tham gia đấu thầu gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình thuộc dự án cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng làm chủ đầu tư, đơn vị đã phát hiện ra việc cạnh tranh không bình đẳng, có dấu hiệu hạn chế nhà thầu tham gia.
>>Những “khoảng tối” trong đấu thầu: “Kịch bản” trúng thầu siêu tiết kiệm
Đáng chú ý, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, nhà thầu này cho biết đã được Tổ chuyên gia yêu cầu làm rõ nhiều nội dung, trong đó có những điểm bất cập, không phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật chuyên ngành xây dựng.
Cụ thể, đối với yêu cầu về nhân sự chủ chốt, tại hồ sơ dự thầu, nhà thầu đề xuất vị trí chỉ huy trưởng có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công công trình NN&PTNT hạng II. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm tài liệu chứng minh nhân sự này đã có kinh nghiệm làm chỉ huy trưởng tại một gói thầu thủy lợi cấp II tương tự.
“Yêu cầu này là không chính đáng, bởi Điểm b, Khoản 1, Điều 74, Nghị định 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định “cá nhân được đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường hạng II khi đáp ứng điều kiện: có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã làm chỉ huy trưởng ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên”, đại diện Công ty Thủy lợi I phân tích.
Bên cạnh đó, đối với các vị trí cán bộ kỹ thuật trực tiếp thi công công trình thủy lợi, Tổ chuyên gia đề nghị nhà thầu bổ sung chứng chỉ hành nghề giám sát công trình NN&PTNT hạng III của từng nhân sự. Theo vị đại diện Công ty Thủy lợi I, pháp luật xây dựng hiện hành không có quy định cụ thể về điều kiện năng lực đối với cá nhân phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp. Mặt khác, Khoản 4, Điều 62, Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định, cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập...
“Như vậy, đối chiếu với hồ sơ dự thầu đã nộp, nhân sự của nhà thầu phải được đánh giá là đáp ứng khi đã được đào tạo đúng chuyên ngành thủy lợi và có số năm kinh nghiệm phù hợp”, đại diện nhà thầu cho hay.
Cũng theo nhà thầu này, việc Tổ chuyên gia yêu cầu đề xuất chứng chỉ hành nghề khảo sát địa hình hạng III đối với vị trí cán bộ trắc đạc là không phù hợp, bởi dạng chứng chỉ này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân hành nghề khảo sát, trong khi Gói thầu đang xét có phạm vi thi công.
Về kinh nghiệm, nhà thầu khẳng định đã đáp ứng khi kê khai 5 hợp đồng tương tự với quy mô và tính chất theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, Tổ chuyên gia vẫn liên tục đưa ra các yêu cầu làm rõ.
“Sau khi nhận được yêu cầu làm rõ, chúng tôi đã giải trình, bổ sung đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, Chủ đầu tư không có bất kỳ phản hồi nào về nội dung trả lời làm rõ của nhà thầu, mà “vội vàng” phê duyệt danh sách nhà thầu đạt đánh giá kỹ thuật và tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính. Trên thực tế, nếu được mở hồ sơ đề xuất tài chính, thì mức giảm giá mà nhà thầu đề xuất là hơn 2 tỷ đồng so với giá dự toán gói thầu”, đại diện Công ty Thủy lợi I chia sẻ.
Đáng chú ý, cũng theo phản ánh của Công ty Thủy lợi I, từ khi nộp hồ sơ tham dự gói thầu này, doanh nghiệp còn phải chịu các áp lực khác về việc bị “thuyết phục” rút thầu.
>>Những “khoảng tối” trong đấu thầu tại Vĩnh Phúc: “Điệp khúc” trúng sát giá
Chiều ngày 11/1/2023, trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Công Doanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết, một trong những lý do Công ty Thủy lợi I bị loại thầu là do vi phạm các hành vi bị cấm trong Luật Đấu thầu, cụ thể là vi phạm Điều 89, khoản 7, mục c.
“Khi gửi văn bản trả lời theo yêu cầu của chủ đầu tư về việc làm rõ E-HSDT, nhà thầu lại gửi “lung tung” đến nhiều cơ quan như Thường trực UBND tỉnh Cao Bằng, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)”, ông Doanh nói.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, trong quá trình đăng tải E-HSMT trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ 19h58 phút ngày 11/11/2022 đến 16 giờ 00 phút này 08/12/2022 (ngày chủ nhật - PV), bên mời thầu không nhận được kiến nghị, đề nghị làm rõ nào từ phía nhà thầu đối với các nội dung của E – HSMT theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
“Vậy, E – HSMT đã đăng tải hợp lệ, đúng quy định”, ông Doanh cho hay.
Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến phản ánh của nhà thầu về những “bất thường” tại gói thầu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi cơ quan, đơn vị tỉnh Cao Bằng đề nghị tạm dừng gói thầu để rà soát, làm rõ những nội dung kiến nghị của nhà thầu. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cho tiếp cận văn bản này thì vị này từ chối với lý do … “không có”.
Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên hệ làm việc với các cơ quan liên quan và sẽ tiếp tục thông tin về sự việc sau khi nhận được phản hồi từ các đơn vị!
Gói thầu số 12: Thi công xây dựng công trình thuộc dự án cụm hồ chứa nước tỉnh Cao Bằng có giá dự toán 178,277 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 11/11 - 8/12/2022, do Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng) tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu. Theo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn - Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Bằng Ninh - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Ngọc Trường - Công ty CP Xây dựng và Phát triển nông thôn I Cao Bằng trúng thầu với giá 177,954 tỷ đồng. |