“Bất thường” kết quả Đại hội đồng cổ đông tại Vinacontrol
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol vừa được tổ chức nhưng không thành công với nhiều điểm được cho là hết sức bất thường…
Theo đó, thông tin về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (Vinacontrol) tổ chức ngày 28/4/2023 vừa được đơn vị này công bố. Cụ thể, cuộc họp đủ điều kiện tiến hành theo quy định với tỷ lệ tham dự là 92,69% tổng số cổ phần (có quyền biểu quyết) của Công ty. Tuy nhiên, đại hội diễn ra không thành công. Lý giải về điều này, Vinacontrol cho biết nguyên nhân bởi, “đại hội không thông qua chương trình nghị sự nên không thể tiếp tục”.
>>Vinacontrol đang hoạt động kinh doanh ra sao?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một cổ đông tại Vinacontrol (đề nghị không nêu tên) cho rằng, việc chủ trì đại hội quyết định “hủy” phiên đại hội là điều hết sức vô lý, vi phạm Điều lệ công ty, vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, trong Điều lệ của Vinacontrol quy định rõ tại Điều 18 về các điều kiện tiến hành họp Đại hội cổ đông; trong đó Điều 18.1 có nêu, cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Bên cạnh đó, tại Điều 19.3 chỉ rõ, chương trình và nội dung cuộc họp phải được đại hội đồng cổ đông thông qua trong phiên khai mạc. Chương trình phải xác định rõ và chi tiết thời gian đối với từng vấn đề trong nội dung chương trình họp.
Đáng chú ý, tại Điều 20 trong Điều lệ Vinacontrol cũng quy định điều kiện để Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được thông qua. Cụ thể, Nghị quyết được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả các cổ đông dự họp tán thành việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm và thay thế thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát….
Tại Điều 20.3, các Nghị quyết đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Vị cổ đông này cũng cho biết, Chương trình đại hội là danh mục các việc cần thảo luận tại đại hội chứ không phải nội dung cụ thể và không phải là Nghị quyết của đại hội, cũng không phải kết quả cuộc họp thảo luận xong. Do vậy, cổ đông này cho rằng, việc Chủ tọa “hủy” đại hội là vi phạm pháp luật doanh nghiệp, vi phạm Điều lên công ty.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, nếu đúng như thông tin đã phản ánh thì quyết định “dừng” đại hội vừa qua tại Vinacontrol đang vi phạm các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Theo vị luật sư này, tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định rõ điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông. Cụ thể, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
“Thậm chí, đại hội lần này tại Vinacontrol cũng đang vi phạm Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La phân tích.
Trong một diễn biến khác theo nguồn tin của Diễn đàn Doanh nghiệp nhận được, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Vinacontrol, ý kiến của đa số cổ đông (chiếm 50,65% tỷ lệ dự họp) đã bị phủ nhận.
“Chủ tọa đại hội là ông Bùi Duy Chinh đã quyết định hoãn phiên họp để bảo vệ lợi ích của thiểu số cổ đông chiếm 49,35% là điều hết sức bất thường, không biết họ có mục đích gì?”, một cổ đông bức xúc chia sẻ.
Đáng chú ý, cũng theo thông tin phản ánh tới với Diễn đàn Doanh nghiệp, tại đại hội lần này có 2 cán bộ giám sát của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cử tham gia đã có ý kiến về việc dừng đại hội không đúng luật và không đúng điều lệ doanh nghiệp nhưng chủ trì đại hội không công nhận và vẫn quyết định hoãn phiên đại hội.
>>Kinh doanh gặp khó, Vinacontrol vẫn báo lãi vượt 8% kế hoạch
Quay trở lại thông tin về cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vinacontrol vừa diễn ra. Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, danh sách ứng viên Hội đồng Quản trị của Vinacontrol trong Đại hội lần này đã khiến nhiều người phải chú ý.
Nổi bật trong đó là bà Dương Thanh Huyền, sinh năm 1979 do Công ty TNHH DOHA Đầu tư (là cổ đông lớn nhất của Vinacontrol) đề cử, bà Huyền cũng được cho là vợ của ông Phạm Thành Đô – người đại diện pháp luật của công ty này, bà Huyền cũng có kinh nghiệm công tác ở vị trí nhân viên một ngân hàng (chưa có kinh nghiệm về công tác giám định).
Bên cạnh đó, một ứng viên khác theo danh sách cũng gây chú ý là ông Phan Văn Hùng (58 tuổi) do Chủ tịch HĐQT Bùi Duy Chinh và cổ đông Phạm Ngọc Dũng đề cử, hiện ông Hùng đang là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Vinacontrol. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Minh, sinh năm 1970, Ủy viên Hội đồng thành viên, phó giám đốc Vinacontrol TP.HCM cũng có tên trong danh sách ứng cử và không rõ được đề cử bởi nhóm cổ đông nào.
Cũng theo danh sách này, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng đề cử 2 ứng viên là ông Nguyễn Duy Hiếu và bà Nguyễn Thanh Hương (bà Hương hiện đang là Ủy viên HĐQT Vinacontrol).
Còn Công ty CP Chứng khoán ASEAN đề cử bà Nguyễn Thị Nhàn, sinh năm 1977, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giám định thương mại, hiện bà Nhàn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc một đơn vị thành viên của Vinacontrol.
Đáng chú ý, ngay trước thềm đại hội, trong một diễn biến mới nhất, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Tổng Giám đốc Vinacontrol kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định thương mại, cũng được cho là gương mặt sáng cho chiếc ghế Hội đồngquản trị lần này “bỗng” thôi đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Vinacontrol.
Trước những diễn biến “bất thường” đang diễn ra tại Vinacontrol, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về dấu hiệu lợi ích nhóm và những nguy cơ của việc thâu tóm quyền lực có thể diễn ra tại Vinacontrol.
Có thể bạn quan tâm