Kêu trời vì lệnh cấm Quảng Nam - Bài 1: Doanh nghiệp vận tải điêu đứng
Hàng trăm doanh nghiệp vận tải Quảng Nam-Đà Nẵng kêu trời suốt 6 tháng qua sau lệnh cấm xe tải trên 5 tấn lưu thông qua tuyến đường Võ Chí Công của tỉnh Quảng Nam.
>>Doanh nghiệp và người dân "khóc ròng" vì Quảng Nam giới hạn tải trọng trên đường lớn
Đường ven biển Việt Nam đoạn qua Quảng Nam kết nối từ sân bay Chu Lai đi Đà Nẵng (đường Võ Chí Công - đường 129) được thiết kế 4 làn xe. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch đa mục tiêu là tuyến đường cứu nạn khi mùa mưa lũ gây ngập trên tuyến Quốc lộ 1A, và đây là tuyến đường chiến lược phát triển kinh tế vùng đông Quảng Nam.
Mặc dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng tuyến đường này đã thông xe từ hơn 3 năm trước. Đến thời điểm này, tuyến đường được thông xe đưa vào khai thác sử dụng mặc dù nhiều đoạn chưa hoàn thành.
Đây được xem là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông từ sân bay Chu Lai-Đà Nẵng. Thế nhưng với lý do mất an toàn giao thông, chính quyền địa phương đã ra văn bản cấm xe tải trọng từ 5 tấn trở lên lưu thông. Với lệnh cấm này đã khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải điêu đứng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Công ty Logistics G.P.T cho hay: "Đơn vị chúng tôi chuyên vận chuyển hàng xuất khẩu từ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình - nhập tại Cảng Trường Hải, lưu thông trên đường 129 từ nhiều năm nay. Kể từ khi chính quyền địa phương Quảng Nam có văn bản cấm trên xe tải trên 5 tấn lưu thông trên tuyến đường Võ Chí Công đã khiến Công ty chúng tôi điêu đứng".
Theo bà Mai nói, chi phí đầu vào tăng cao do phí đường bộ, cự ly vận chuyển dài hơn nhưng hợp đồng theo đơn giá không thể thay đổi - nếu tăng chi phí vận chuyển thì Nhà máy sẽ hợp đồng với đơn vị vận chuyển tại Đà Nẵng và xuất cảng Tiên Sa. Kể từ khi cấm xe tải trên 5 tấn đến nay, vị này cho biết Công ty phải bù lỗ để duy trì công ăn việc làm cho người lao động.
"Cái khổ là mỗi tháng chúng tôi chỉ xuất 1-2 đơn hàng trong thời gian từ 2-4 ngày nên không thể mua phí tháng qua trạm BOT trên Quốc lộ 1A", bà Mai cho biết.
Điều bà Mai nói cũng như hàng trăm doanh nghiệp vận tải Quảng Nam và Đà Nẵng bức xúc và cho rằng trước khi chưa cấm xe tải trên 5 tấn, các đơn vị lưu thông trên đường 129 rất an toàn, đường thông thoáng, ít nguy hiểm chưa xẩy ra vụ tai nạn nào trong quá trình lưu thông vào Cảng. Nhưng kể từ khi có văn bản cấm tải đến giờ, các doanh nghiệp lưu thông trên đường Quốc lộ 1A và đã xảy ra 4 vụ tai nạn va quẹt, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân là vì đường Quốc lộ 1A lượng xe lưu thông hỗn hợp nguy cơ mất an toàn giao thông là khó tránh khỏi.
Còn bà Bùi Thị Thanh Ba,Giám đốc Công tY xăng dầu Bình Giang thì lắc đầu thở dài và bảo nguy cơ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của bà đóng cửa bởi lệnh cấm xe tải trên 5 tấn qua đường Võ Chí Công.
"Doanh nghiệp chúng tôi được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu nhằm phục vụ kinh doanh trên tuyến đường nối từ quốc lộ 1A đến đường 129. Từ khi bị cấm đường đến nay, doanh thu giảm hơn 50% so với năm 2022, dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ 2 quý lên tiếp và hiện nay có nguy cơ đóng cửa, nếu chính quyền địa phương không tháo bỏ lệnh cấm xe tải trên 5 tấn qua tuyến đường 129", bà Ba nói.
Ngay sau khi ban bố lệnh cấm xe tải trọng trên 5 tấn lưu thông qua tuyến đường Võ Chí Công, giá vật liệu xây dựng cung cấp về các khu vực trên đường 129 tăng gần 100%, giá cát hơn 600.000/m3, đá 1x2cm hơn 500.000/m3… khiến nhiều công ty vận tải cung ứng vật liệu xây dựng chấp nhận phạt hợp đồng để dừng cung cấp những đơn hàng ký trước đó.
Điều đáng buồn là chủ một doanh nghiệp vận tải (đề nghị không nêu tên) cho rằng công ty có bãi xe nằm trên đường Võ Chí Công gần cầu Cửa Đại sau lệnh cấm xe không thể vào ra. Mỗi lần xe ra vào phải đợi đến đêm tối gần sáng "đi chui" đến khổ.
"Nếu hôm nào xui thì bị phạt, vì không thể tìm bãi đổ xe nào khác khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn", vị này chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đặt câu hỏi rằng: Nếu chính quyền địa phương cấm xe tải trên 5 tấn qua đường ven biển Võ Chí Công với lý do mất an toàn giao thông là vô lý. Phải chăng, căn bệnh "trầm kha" là cái gì không quản được thì cấm hay vì lý do nào khác?
Giám đốc Công ty vận Tải G.P.T nói thẳng: "Chúng tôi đi khắp đất nước này chưa thấy ai cấm xe tải trên 5 tấn trên con đường chất lượng, rộng như đường Võ Chí Công, tỉnh Quảng Nam. Ngay đường giao thông nông thôn 7m mà chỉ cấm trên 10 tấn".
Theo hàng trăm doanh nghiệp vận tải cho rằng với lệnh cấm tải trọng trên 5 tấn trên tuyến đường Võ Chí Công chỉ có doanh nghiệp đầu tư hai trạm BOT trên Quốc lộ 1A qua Quảng Nam là được lợi nhiều nhất!
Bài 2: Doanh nghiệp vận tải lao đao chạy "giấy phép con"
Có thể bạn quan tâm