“Sóng gió” trên thị trường tiền tệ đã qua?
Áp lực tỷ giá USD/VND gia tăng vào cuối tháng 5 đã dẫn tới đợt biến động tỷ giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2018.
SSI cho rằng, giống như thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp là những ấn số cho thị trường ngoại hối đòi hỏi phải được theo dõi giám sát chặt chẽ.
Thanh khoản không đáng ngại
Theo SSI, tháng 5 là tháng thứ 2 liên tiếp NHNN phải bơm ròng tiền vào hệ thống. Tuy vậy, giá trị bơm ròng giảm đáng kể so với tháng 4, từ 58,6 nghìn tỷ đồng xuống 10,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng tín phiếu đang lưu hành giảm xuống mức 55,8 nghìn tỷ. Phát hành tín phiếu vẫn là công cụ chính mà NHNN sử dụng để điều tiết thanh khoản trong một năm trở lại đây trong bối cảnh thanh khoản ở trạng thái tốt.
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ổn định hơn vào đầu tháng 5 nhưng tăng trở lại vào nửa cuối tháng, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn. Trong đó, lãi suất qua đêm tăng lên 1,6% là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được từ sau Tết nguyên đán Mậu Tuất.
Thanh khoản ngân hàng giảm tiếp tục ảnh hưởng tới việc phát hành trái phiếu của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Do đó, KBNN buộc phải tăng mạnh lãi suất, đặc biệt ở các kỳ hạn 10 và 15 năm với mức tăng +16bps và +13bps, đẩy lợi suất trái phiếu thứ cấp tăng khá mạnh. Khối lượng trái phiếu phát hành có cải thiện trong tháng 5, nhưng sau 5 tháng KBNN mới hoàn thành được 29% kế hoạch cả năm với tổng giá trị phát hành 57,6 nghìn tỷ đồng.
SSI cho rằng, thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa đáng lo ngại nhưng cần phải theo dõi các yếu tố mới phát sinh bao gồm nhập siêu và xu hướng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhập siêu tháng 5 ước tính 500 triệu USD đánh dấu sử quay trở lại nhập siêu sau nhiều tháng xuất siêu. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng có thể liên quan đến việc rút vốn khỏi các thị trường mới nổi do FED nâng lãi suất.
Khi nguồn cung ngoại tệ giảm, lượng tiền VND bơm ra để mua USD cũng giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung VND và thanh khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, lượng tiền gửi của KBNN cũng không thể giữ lâu trong hệ thống ngân hàng. Những nút thắt về cơ chế và thủ tục trong giải ngân đầu tư công sớm muộn cũng được khai thông để có nguồn vốn phát triển kinh tế, xã hội.
Đủ nguồn lực can thiệp tỷ giá
Chỉ số USD Index tăng 7% từ mức đáy năm 2018 lên 94,8 điểm, kéo tỷ giá USD/VND vượt mạnh khỏi ngưỡng 22.800đ tăng lên 22.880đ, tăng 80đ chỉ trong vòng một tuần, cao hơn 0,64% so với đầu năm.
Lạm phát của Mỹ nhích dần lên mức 2%, kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên ngưỡng 3,11%, mức cao nhất trong gần 7 năm. Tuy nhiên, sau khi biên bản phiên họp tháng 5 của Fed cho thấy, cơ quan này có thể để lạm phát mục tiêu xoay quanh 2%, thì lo ngại của thị trường đã giảm bớt. Theo đó, lợi tức trái phiếu 10 năm giảm xuống dưới 3% nhưng giá trị đồng USD vẫn giữ ở mức cao.
Hầu hết các đồng tiền lớn đều mất giá so với USD, trong đó EUR giảm 6,7% kể từ mức đỉnh năm 2018, GBP giảm 7,4%, JPY giảm 3,4%. Các đồng tiền mới nổi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi nguy cơ dòng vốn bị rút về Mỹ là rất cao với quá trình nâng lãi suất của Fed cùng với rủi ro toàn cầu đang có xu hướng gia tăng.
Đồng BRL của Brazil liên tục lao dốc và giảm 11,2% kể từ đầu năm mặc dù nước này mới lấy lại tăng trưởng dương sau nhiều năm suy thoái. Đồng RUB của Nga và INR của Ấn Độ cũng giảm lần lượt 7,0% và 5,3%. Trong nhóm BRIC, chỉ có Trung Quốc duy trì được mức tăng 1,99% so với USD.
Các đồng tiền Châu Á khác như KRW (Hàn Quốc), IDR (Indonesia), PHP (Philippines) cũng giảm giá. Trong bối cảnh đó, việc giảm giá nhẹ của VND vẫn giúp Việt nam nổi trội hơn so với các nước trong khu vực.
Với dự trữ ngoại hối kỷ lục 64 tỷ USD, NHNN có thể sẵn sàng can thiệp điều tiết thị trường khi cần thiết. Bởi vậy, "sóng gió" trên thị trường tiền tệ sẽ khó vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Trên thực tế, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm xuống 22.566 đồng vào ngày 1/6 vừa qua, đây có thể coi là tín hiệu rõ ràng cho thị trường và khiến tỷ giá giảm 40 đồng về mức 22.840 đồng.