Cách phòng ngừa nhân dân tệ giảm giá

Trí Hải 29/10/2018 12:00

Đồng nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh đang hậu thuẫn cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.

Tính chung trong vòng 6 tháng qua, CNY đã giảm 9% so với USD. Còn tính từ đầu năm đến nay, thì đồng tiền này giảm 6% giá trị.

 So với thời điểm cuối tháng 5/2018, VND đã tăng 6,6% so với CNY.

So với thời điểm cuối tháng 5/2018, VND đã tăng 6,6% so với CNY.

CNY “lép vế” so với VND

Theo các nhà phân tích quốc tế, sự suy yếu của CNY là do khá nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là sự phân kỳ chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nới rộng, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gây thêm nhiều khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn đang giảm tốc khá nhanh (GDP chỉ đạt 6,5% trong quý 3 vừa qua, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 1/2009) sau nhiều năm nước này thắt chắt chính sách để kiềm chế rủi ro nợ.

Không ít chuyên gia phân tích dự báo, CNY sẽ xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 7 CNY/USD và mở ra giai đoạn suy giảm mới của đồng tiền này. Các nhà phân tích của ngân hàng UBS dự báo, CNY sẽ rơi xuống mức 7,10 CNY/USD trong 6 tháng tới và tiếp tục giảm xuống mức 7,30 CNY/USD trong vòng 1 năm tới.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm VND so với USD chỉ tăng 292 đồng, tương đương mức tăng khoảng 1,3%. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng cũng tăng khoảng hơn 2%. Điều đó có nghĩa VND đang tăng giá khoảng gần 5% so với CNY.

Số liệu của NHNN cũng cho thấy rõ điều đó. Nếu như thời điểm đầu năm, tỷ giá tính chéo giữa VND và CNY được niêm yết ở mức 3.444,86 VND/CNY, thì hiện nay đang được niêm yết ở mức 3.280,76 VND/CNY. Điều đó có nghĩa, VND/CNY đã tăng giá khoảng 164,1 đồng, tương đương tăng gần 4,8%. Còn so với thời điểm cuối tháng 5, VND đã tăng 6,6% so với CNY.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ của HSBC Việt Nam cho biết, chính sách tiền tệ dần thắt chặt của FED và đồng CNY yếu hơn sẽ tiếp tục là thách thức chính đối với VND trong ngắn hạn. Không chỉ vậy, việc CNY giảm giá mạnh so với VND còn khiến tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam thêm trầm trọng.

Đối sách của Việt Nam

Có một số ý kiến cho rằng, việc CNY mất giá cũng làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, khiến hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba. Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, không phải nhóm ngành nào cũng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Hơn nữa cũng không phải đơn hàng nhập khẩu nào cũng được định giá bằng CNY. Chưa kể, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đang khiến Mỹ kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Bởi vậy, việc CNY giảm giá không mang lại nhiều lợi ích.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.

Số liệu của Tổng cục thống kê cũng cho thấy điều này khi cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến hết 15/10 thặng dư ở mức kỷ lục 6,33 tỷ USD, nhưng xét riêng với Trung Quốc thì cán cân thương mại Việt Nam lại thâm hụt tới 18,45 tỷ USD.

TS.Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, nên giảm giá VND so với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD. “Việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà xuất khẩu hưởng lợi từ việc xuất khẩu sang Mỹ”, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Mặc dù cho rằng việc phá giá VND ở mức cao tại thời điểm này là chưa cần thiết, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu- chuyên gia tài chính lại khuyến nghị, nếu từ nay tới cuối năm chiến tranh thương mại Mỹ- Trung mạnh mẽ hơn, CNY tiếp tục giảm giá thì cũng nên giảm giá VND so với USD khoảng 1,5% để bù trừ cho việc CNY phá giá với USD.

Tuy nhiên, tỷ giá đang là bài toán khó đối với NHNN bởi việc phá giá VND có thể gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Cho đến nay, dường như NHNN vẫn đang kiên định với mục tiêu ổn định tỷ giá để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, theo khuyến nghị của phần lớn các chuyên gia, cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, thậm chí sử dụng các rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Với cộng đồng doanh nghiệp, giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh; đồng thời sử dụng các biện pháp phái sinh, như giao dịch tương lai, quyền chọn, hoán đổi… để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Trí Hải