Chưa nên chấm dứt cho vay ngoại tệ
Chưa nên chấm dứt ngay việc cho vay ngoại tệ mà nên kéo dài thêm thời gian nữa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang biến động bất lợi như hiện nay.
Theo Thông tư 18/2017/TT-NHNN, hoạt động cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu sẽ được kéo dài tới hết ngày 31/12/2018.
Lo ngại của doanh nghiệp
Quy định trên đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang hết sức lo ngại, bởi hiện nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong nước để chế biến hàng xuất khẩu như các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Đơn cử như CTCP Thực phẩm Sao Ta hiện đang có dư nợ vay ngoại tệ tới hơn 21 triệu USD (tương đương gần 493 tỷ đồng) của 3 ngân hàng, chiếm tới 67% dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng của Sao Ta. Hay như ở CTCP Thủy sản Hùng vương, dư nợ vay ngoại tệ ngân hàng của doanh nghiệp này tại thời điểm 30/9 là gần 13 triệu USD (tương đương hơn 300 tỷ đồng), chiếm khoảng 10% tổng dư nợ vay ngắn hạn ngân hàng.
Rõ ràng, với lãi suất vay ngắn hạn USD hiện vào khoảng 2,8%/năm, chỉ bằng 1 nửa so với lãi suất vay ngắn hạn VND khoảng 6,0%/năm, việc được vay ngoại tệ giúp cho các doanh nghiệp thủy sản tiết giảm được hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm.
Cũng chính bởi vậy, lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bày tỏ, trước khi cấm vay ngoại tệ, NHNN nên tiến hành khảo sát thực tế để nắm rõ được nhu cầu vay của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định khi nào cấm vay ngoại tệ cho phù hợp với nhu cầu thực tế, tránh gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay cả những doanh nghiệp nhập khẩu, tức những đối tượng không bị điều chỉnh bởi Thông tư 18, cũng đang tỏ ra rất băn khoăn khi không biết sắp tới sẽ ra sao. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cho biết, nếu sắp tới ngân hàng không cho vay ngoại tệ nữa, chúng tôi buộc phải giữ lại nguồn thu ngoại tệ của mình chứ không bán lại cho ngân hàng như trước nữa.
Còn với những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong nước, việc không được vay ngoại tệ rất có thể sẽ đẩy họ phải tìm đến thị trường ngoại tệ chợ đen. Điều đó dường như lại đang đi ngược với chủ trương chống đôla hóa mà Chính phủ đặt ra.
Chưa phải thời điểm thích hợp
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Điều đó có nghĩa phải lựa chọn thời điểm thích hợp để chấm dứt hoạt động này để không gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp. Vậy liệu hiện đã phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt cho vay ngoại tệ?
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ, nhất là khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang leo thang. Ngay cả việc Việt Nam vừa tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA cũng càng cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu.
TS. Luật sư Bùi Quang Tín - Giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, chống đôla hóa không có nghĩa là triệt tiêu đôla hóa. “Nếu khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND, trong khi lãi suất VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên”, ông Tín nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần vay ngoại tệ với lãi suất thấp để giảm chi phí, giá thành nhằm tăng khả năng cạnh tranh. “Tôi ủng hộ NHNN gia hạn cho vay bằng ngoại tệ bởi hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp để chấm dứt hoạt động này”, TS. Hiếu nói.
Loại bỏ nỗi lo tín dụng ngoại tệ sẽ tác động tiêu cực đến tỷ giá bởi tỷ trọng các khoản vay ngoại tệ là khá nhỏ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, NHNN cũng cần tính đến việc gia hạn cho vay ngoại tệ sau thời điểm 31/12/2018, bởi chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào thế giới và nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp là chính đáng. “Nếu chúng ta kiểm soát rủi ro tỷ giá tốt, doanh nghiệp sẽ yên tâm và về lâu dài sẽ chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ dễ dàng hơn”, ông Lực quả quyết.