Cẩn trọng với áp lực tỷ giá năm 2019
Điều hành tỷ giá đã có 1 năm thành công, và nhiều dự báo cho thấy áp lực tỷ giá năm 2019 sẽ giảm bớt do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng tích cực.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), đến nay tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,5%, tỷ giá của NHTM tăng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3,5% so với đầu năm trong bối cảnh USD Index đã tăng khoảng 5% so với đầu năm.
Thu hẹp khoảng cách tỷ giá
Tỷ giá trung tâm vẫn được NHNN đều đặn tăng kể từ đầu tháng 12 đến nay cho dù mức tăng mỗi lần là không lớn. Động thái này là khá trái ngược với diễn biến của USD trên thị trường thế giới khi mà USD Index so với giỏ 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm khoảng 0,8% so với cuối tháng 11.
Có thể bạn quan tâm
Áp lực tỷ giá cuối năm
04:50, 04/12/2018
Tỷ giá trung tâm thiết lập mức cao kỷ lục
11:30, 23/11/2018
Tỷ giá VND/USD sẽ tăng duới 3% trong năm 2019?
05:45, 14/11/2018
Nan giải tỷ giá
11:01, 15/10/2018
Giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá
11:10, 24/09/2018
Trung Quốc cam kết không can thiệp vào tỷ giá nhân dân tệ
04:30, 14/10/2018
Tuy nhiên, giá mua bán USD tại các ngân hàng thương mại lại có xu hướng giảm. Hiện giá bán ra USD của các ngân hàng vào khoảng 23.320 - 23.330 VND/USD, còn giá mua vào khoảng 23.210 - 23.330 VND/USD, giảm 45 - 50 đồng so với thời điểm cuối tháng 11.
Lý giải cho động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết, việc tăng dần tỷ giá trung tâm của NHNN là điều cần thiết để thu hẹp dần khoảng cách của VND với các đồng tiền trong khu vực, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (CNY).
Đơn cử như với việc CNY đã mất giá hơn 5% so với USD kể từ đầu năm, tính một cách tương đối thì đồng nội tệ của Trung Quốc cũng giảm giá khoảng 3,5% so với VND. Số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy rõ điều đó. Nếu như thời điểm đầu năm, tỷ giá tính chéo của CNY so với VND ở mức 3.444,86 VND/CNY, thì đến nay đã giảm xuống còn 3.304,33 VND/CNY, tức CNY đã giảm khoảng 4,08% so với VND. Điều đó sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc; đồng thời tiếp tục tạo sức ép giảm giá VND trong dài hạn.
Với định hướng duy trì mức giảm giá VND hợp lý so với các nước trong khu vực và đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, VCBS dự báo tỷ giá trung tâm sẽ giảm giá không quá 3% năm 2019.
“NHNN thay đổi tỷ giá dần dần là để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh CNY đang rớt giá mạnh so với USD, và điều đó có thể khiến hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khi mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến khó lường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.
Thận trọng không thừa
Tỷ giá được duy trì ổn định trong năm 2018 một mặt là nhờ sự điều hành vô cùng uyển chuyển của NHNN. Mặt khác, các yếu tố khác như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tin tưởng vào VND, cũng là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá.
Năm 2018 sắp khép lại, vậy tỷ giá sẽ ra sao trong năm 2019?. Nhìn chung, các dự báo đều cho rằng sức ép lên tỷ giá sẽ với bớt trong năm tới. "Năm 2019, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo”, NFSC nhận định và dẫn ra 2 lý do để minh chứng cho nhận định này.
Thứ nhất, USD có thể sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn.
Thứ hai, lạm phát trong nước có khả năng được kiểm soát ở mức khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không nhiều, áp lực tỷ giá giảm bớt.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, năm 2019, tần suất FED tăng lãi suất sẽ giảm dần do chạm ngưỡng lạm phát mục tiêu. Đồng thời, nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm, USD có thể đảo chiều, khiến áp lực tỷ giá sẽ nhẹ hơn. “Nếu thị trường tiền tệ quốc tế biến động không quá mạnh thì tỷ giá năm 2019 sẽ tiếp tục ổn định như năm 2018, bởi NHNN có đủ nguồn lực dồi dào để can thiệp thị trường khi cần thiết”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam, mặc dù FED giảm tần suất tăng lãi suất, song lãi suất tại Mỹ vẫn sẽ tiếp tục tăng. Bởi vậy, áp lực tỷ giá vẫn tồn tại khi gián tiếp chịu tác động từ biến động của CNY. “Với chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành linh hoạt, các biện pháp điều hành trên thị trường cần dung hòa được các yếu tố tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô”, ông Khoa khuyến nghị.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, về dài hạn, vẫn có mấy yếu tố tạo sức ép đến tỷ giá như thặng dư thương mại, cán cân tài chính trong xu hướng giảm dần. Điều này sẽ tạo sức ép trong cán cân tổng thể cũng như đối với điều hành tỷ giá năm 2019. Bởi vậy, NHNN có thể sẽ cẩn trọng và hành động theo hướng ổn định tỷ giá thực để duy trì xuất khẩu nửa đầu năm tới.