Tỷ giá USD/VND đối mặt sức ép mới

Hà Anh 07/08/2019 06:01

Không chỉ chịu tác động từ biến động của USD trên thị trường thế giới mà giờ đây áp lực lên tỷ giá còn đến từ CNY khi mà đồng tiền này được dự báo có thể giảm xuống mức 7,5 – 7,7 CNY/USD.

f

Diễn biến tỷ giá USD/CNY và USD/VND

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng nóng và có nguy cơ chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ khi Mỹ chính thức gắn nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc. Mỹ cũng tuyên bố sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.

Động thái trên diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giảm tỷ giá tham chiếu giữa đồng CNY so với USD xuống mức 6,9225 nhân dân tệ vào đầu giờ sáng ngày 5/8, mức thấp nhất để từ ngày 20/5/2008. Với biên độ +/-2%, động thái trên đẩy CNY rơi xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD.

Trên thực tế, chiều 5/8, tỷ giá giao ngay của CNY so với USD trên thị trường Thượng Hải đã giảm xuống mức 7,0304 CNY/USD; còn tại thị trường nước ngoài là 7,0807 CNY/USD.

Tỷ giá tham chiếu giữa CNY so với USD tiếp tục được giảm xuống còn 6,9683 CNY/USD trong sáng ngày 6/8. Mặc dù theo Reuters, mức tỷ giá tham chiếu này vẫn còn mạnh hơn so với ước tính của các chuyên gia là 6,9736 CNY/USD, song với mức tỷ giá tham chiếu này, tỷ giá giao ngay của CNY có thể giảm xuống mức 7,1 CNY/USD.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?

    Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?

    15:44, 06/08/2019

  • Nóng! Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ

    Nóng! Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ

    14:15, 06/08/2019

  • Thao túng tiền tệ: Phải tìm mọi cách thoát khỏi danh sách giám sát

    Thao túng tiền tệ: Phải tìm mọi cách thoát khỏi danh sách giám sát

    09:00, 04/06/2019

  • “Tôi không nghĩ rằng chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra”

    “Tôi không nghĩ rằng chiến tranh tiền tệ sẽ xảy ra”

    09:22, 06/08/2019

  • Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

    Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

    11:23, 26/07/2019

  • Vì sao tỷ giá trong nước “ngược dòng” thế giới?

    Vì sao tỷ giá trong nước “ngược dòng” thế giới?

    05:45, 03/08/2019

Trên thực tế, nỗi lo cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể biến thành cuộc chiến tiền tệ đã đẩy cả USD và CNY sụt giảm mạnh. Trên thị trường nước ngoài, CNY đã giảm xuống mức 7,1265 CNY/USD, mức thấp nhất trong mọi thời đại.

Trong khi USD cũng giảm 0,3% so với đồng JPY xuống mức 105,61 JPY/USD; giảm 0,3% so với EUR xuống còn 1,1238 USD/EUR, mức thấp nhất kể từ ngày 19/7. Chỉ số đồng USD cũng giảm mạnh về còn 97,39 điểm, giảm 0,7% so với cuối tuần trước.

Ông Jason Daw – Trưởng bộ phận chiến lược thị trường mới nổi của Societe Generale SA ở Singapore dự đoán CNY có thể rơi xuống mức 7,5 – 7,7 CNY/USD.

Động thái phá giá CNY đã khiến chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh, kéo theo đó là chứng khoán toàn cầu, đồng thời cũng đang là vấn đề đau đầu đối với Nhật bản và EU khi mà cả hai nền kinh tế này đều đang giảm tốc mạnh và cần đồng nội tệ yếu hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Đáng quan ngại hơn là nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ và điều đó có thể khiến CNY giảm mạnh hơn.

Đáng lý việc USD suy yếu sẽ làm dịu đi phần nào áp lực đối với tỷ giá trong nước, nhưng áp lực lại có xu hướng gia tăng mạnh hơn khi mà CNY đang giảm mạnh. Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 29/7 đến 2/8, tức trước thời điểm CNY xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD, Công ty chứng khoán SSI cũng đã nhận định, áp lực quốc tế bất ngờ gia tăng và sự mất giá mạnh của CNY sẽ tạo áp lực nhất định lên VND.

Áp lực giảm giá VND

Trên thực tế, mặc dù USD trên thị trường thế giới tiếp tục suy yếu khi bước vào tuần giao dịch này, nhưng tỷ giá trong nước vẫn tăng khá mạnh. Theo đó, sau khi đã tăng 10 đồng trong ngày 5/8, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng 15 đồng lên 23.115 đồng/USD, mức cao nhất kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được đưa vào áp dụng hồi đầu năm 2016.

Tính chung kể từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 42 đồng/USD (tương đương tăng 0,18%). Còn so với thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng 290 đồng/USD (tương đương tăng 1,27%.

Với biên độ +/-3%, trong phiên giao dịch 6/8, tỷ giá sàn ở mức 22.421 đồng/USD, tỷ giá trần là 23.808 đồng/USD. Sở Giao dịch NHNN cũng nâng giá bán ra USD lên 23.758 đồng/USD, thấp hơn tỷ giá trần 50 đồng, song vẫn niêm yết giá mua vào ở mức 23.200 đồng/USD.

Giá mua - bán USD tại các ngân hàng cũng có xu hướng tăng khá mạnh trong mấy phiến gần đây. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng đã được nâng lên phổ biến trong khoảng 23.220 – 23.230 đồng/USD, trong khi giá bán ra trong khoảng 23.340 – 23.350 đồng/USD, tăng khoảng 90 đồng mỗi chiều so với cuối tháng 7. Còn so với cuối năm 2018, hiện giá mua vào USD của các nhà băng cao hơn khoảng 80 đồng/USD, trong khi giá bán ra cao hơn khoảng 100 đồng/USD.

Về diễn biến tỷ giá trong thời gian tới, các chuyên gia đều chung nhận định rằng, tỷ giá USD/VND sẽ chịu nhiều tác động từ diễn biến của cặp CNY - USD. Mặc dù NHTW Trung Quốc đổ lỗi cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các biện pháp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc khiến CNY suy yếu, đồng thời khẳng định họ có kinh nghiệm, sự tự tin và năng lực để duy trì tỷ giá CNY ổn định. Tuy nhiên, nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, CNY có khả năng còn giảm thêm.

Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên việc CNY giảm mạnh cũng đang tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước. Sở dĩ như vậy là do, nếu VND không giảm tương ứng có thể khiến hàng hóa của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn so với hàng của Trung Quốc và điều đó sẽ khiến nhập siêu từ Trung Quốc thêm trầm trọng hơn.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính cho rằng, khi chiến tranh thương mại leo thang và kéo dài, CNY giảm mạnh sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bởi hàng hóa Trung Quốc sẽ cạnh tranh lớn hơn cũng như tạo nên sức ép tỷ giá trong nước.

Công ty chứng khoán KB cũng cho rằng, tỷ giá sẽ tăng mạnh trong các phiên tới nếu CNY vẫn giữ nguyên ở mức quanh 7 CNY/USD trong khi đồng USD vẫn đang ở mức cao. Trong bối cảnh đó, lãi suất VND liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ được đẩy lên cao nhằm tạo khoảng cách an toàn (ít nhất 0,5%) so với lãi suất USD.

Trong khi đó, mặc dù cũng cho rằng, việc tỷ giá USD/CNY xuyên qua mức 7 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực, song theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá USD/VND tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của CNY. “Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo CNY, nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND sẽ ko giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ”, BVSC nhận định.

Trong bối cảnh tỷ giá đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, lời khuyên của các chuyên gia là các doanh nghiệp nên chủ động ngăn ngừa rủi ro tỷ giá bằng những công cụ phái sinh tiền tệ mà các ngân hàng đang cung cấp như công cụ kỳ hạn, hoán đổi…

Hà Anh