Đầu bài khó cho Thống đốc
Nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành ngân hàng năm 2021 bao hàm nhiều thách thức.
Tại Hội nghị Tổng kết của Ngân hàng Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Thủ tướng chỉ đạo “ngành ngân hàng có thành công lớn nhưng không được chủ quan”.
Cụ thể do ảnh hưởng của COVID-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng, vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Khơi mạch vốn: Kẹt chuẩn tín dụng
Có thể nói không để nền kinh tế thiếu vốn, thiếu tín dụng, là yêu cầu căn cốt cần được ưu tiên của ngành ngân hàng theo đúng chức năng nhiệm vụ và càng cần phát huy trong năm 2021. Bởi theo đánh giá của Thủ tướng, năm 2020 mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.
Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có chính sách điều hành tiền tệ và giải ngân tín dụng rất tích cực trong năm 2020. Vấn đề là nếu chỉ nhìn vào một phần màu sắc của những nỗ lực tài chính trong năm qua để phác thảo bức tranh hồng về sự lưu chuyển vốn trong nền kinh tế năm 2021, thì các dự báo có thể còn cách xa với những lĩnh vực, trường hợp, tình huống cụ thể và chi tiết, thậm chí là khốc liệt với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn cũng như với ngân hàng trong nỗ lực bơm vốn.
Chẳng hạn như đến tận cuối năm 2020, nếu tính thời gian gồng gánh đại dịch từ tháng ba cho đến hết năm, các doanh nghiệp du lịch đã cạn sạch oxy nhưng rất nhiều đơn vị trong ngành vẫn chưa thể được tiếp khí thở và đang phải tiếp tục kiên trì trên hành trình… kiến nghị. Lại có tình trạng doanh nghiệp du lịch (của hiếm trong ngành) nhưng không được nhận thế chấp để vay, như trường hợp Công ty CP Du thuyền Việt Princess. Ông Trương Quang Cường, thành viên HĐQT Công ty cho biết từ chỗ công ty có giá trị tài sản hữu hình cơ động 180 tỉ đồng, doanh thu hằng năm hơn 120 tỷ đồng, nhưng nay tài sản vì dịch phải nằm bờ, công ty muốn đem thế chấp vay vốn mà ngân hàng không chấp nhận. Doanh nghiệp thì vẫn phải chi phí vận hành đầy đủ định kỳ…
Với tình hình đó thì phía doanh nghiệp chỉ còn có kỳ vọng COVID-19 được kiểm soát, dù có tài sản thế chấp hay không, họ mới có cơ hội tìm đến vốn ngân hàng. Bản thân các ngân hàng thì cũng không thể hạ chuẩn tín dụng hay “nhắm mắt cho vay” kể cả là những doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng không đảm bảo nguyên giá trị sinh lời khi được xếp vào tài sản động sản. Khó cho vay, vốn ắt còn điểm nghẽn.
Cân đo nợ xấu: Áp lực nhiều chiều
Ở chiều ngược lại nếu bung mạnh cho vay, ngành ngân hàng lại “kẹt” phần cuối của đầu bài mà Thủ tướng giao: Quản lý nợ xấu bao gồm cả các giải pháp xử lý nợ xấu cũ và nợ xấu phát sinh. Hiện nay, cần lưu ý rằng tuy nợ xấu của hệ thống nhà băng không cao như dự đoán ban đầu của giới chuyên môn và các bankers, thậm chí một số TCTD còn xuất hiện năng lực giảm nợ xấu ngay trong đại dịch, ví dụ như Techcombank, Seabank, NCB, PGBank, nhưng hệ quả của đại dịch trong nay mai thì "điểm rơi" vẫn còn phía trước.
Trên toàn hệ thống, nợ xấu nội bảng tính theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 các TCTD đã tăng 30%. Đáng nói là tỷ lệ nợ xấu nội bảng này đang nằm trong vùng thời gian áp dụng Thông tư 01 cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Thông tư này ban hành tháng 3/2020 đã tạm thời giúp doanh nghiệp đang vướng vào nợ có thể vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm mức độ nợ xấu. Tuy nhiên theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, vẫn không thể “quản” nợ xấu tăng và tình hình còn khá phức tạp. Đặc biệt, nợ xấu dù “đẹp” hơn so với dự kiến vẫn sẽ còn là nỗi lo trong 2021 khi Thông tư này, dù rất được chờ đợi một quy định “phái sinh” sửa đổi cho phép lùi thêm thời gian hiệu lực để các ngân hàng và doanh nghiệp khoảng giãn trong ứng xử với khoản vay, với nợ xấu, song nay vẫn chưa thấy đâu.
Vẫn biết là qua giai đoạn cầm cự, sau “thành công” hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế giữ đà tăng trưởng trong 2020, vai trò của ngành ngân hàng sẽ càng quan trọng khi đến phục hồi, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn lớn. Nhưng áp lực kép giữa: Tăng tín dụng – Giảm nợ xấu; Bên cạnh đó phải “ngó chừng” lạm phát khi tiền rẻ đã lưu thông mạnh mẽ hàng chục nghìn tỷ USD trên toàn cầu bao gồm “chia” lạm phát kỳ vọng tới cho Việt Nam.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Để phát triển bền vững, ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp với ngân hàng là cộng sinh, doanh nghiệp ăn nên làm ra thì ngân hàng cũng phát triển. Trước lo ngại nợ xấu có thể tăng lên, việc các ngân hàng lo nợ xấu tăng nên thận trọng trong cấp tín dụng là điều hợp lý. Vì thế, van mở cho tăng trưởng tín dụng không phải là lãi suất mà làm sao để các ngân hàng mạnh dạn cho vay nhiều hơn.
Ông Vũ Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Chung Thảo, chuyên sản xuất hàng may mặc:
Để có vốn mở rộng quy mô sản xuất, thời gian qua, doanh nghiệp đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Ngân hàng giải thích, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện cho vay, mà cái chính là không có tài sản thế chấp. Thiếu vốn, doanh nghiệp chỉ biết nhìn đơn hàng, lợi nhuận rơi vào tay đơn vị khác...
Doanh nghiệp rất mong, ngành ngân hàng nghiên cứu, xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ, tạo điều thuận lợi giúp các doanh nghiệp mới thành lập, các DNNVV dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.P.V ghi