Tín dụng sẽ tập trung vào sản xuất kinh doanh

Phó Thống đốc Thường trực NHNN VIỆT NAM ĐÀO MINH TÚ 13/02/2021 06:30

NHNN sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021- 2025, trong đó điều hành chính sách tín dụng theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh...

Đặc biệt nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Bước sang giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã đặt ra, theo hướng hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các TCTD hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phấn đấu đạt trình độ của các nước đứng đầu trong khu vực. Theo đó, toàn ngành Ngân hàng xác định sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi, rõ ràng cho công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế và thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như xu hướng phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động của NHNN theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế để sử dụng linh hoạt các công cụ nhằm đạt được mục tiêu của CSTT là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án tín dụng.

Giai đoạn 2021- 2025, chính sách tín dụng ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh đáp ứng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp số.

Giai đoạn 2021- 2025, chính sách tín dụng ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh đáp ứng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp số.

Thứ tư, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, đảm bảo giữ vững an toàn hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ và chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu để xử lý quyết liệt những tồn tại, yếu kém của hệ thống, trọng tâm là các TCTD yếu kém; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, cả về năng lực tài chính và quản trị hướng tới chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tăng cường tính minh bạch và tuân thủ, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các TCTD.

Thứ sáu, tập trung xây dựng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của hoạt động ngân hàng số trong thời kỳ Cách mạng công nghiệ 4.0; Tiếp tục xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số; Tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả và thông suốt; Triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; Đẩy mạnh triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thứ bảy, triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để cuối năm 2025 đạt được các mục tiêu của Chiến lược này đề ra cho giai đoạn 2020-2025.

Thứ tám, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vị thế của ngành Ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế; Đổi mới và tăng cường công tác truyền thông theo hướng chủ động, chuyên nghiệp, góp phần minh bạch hóa thông tin, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Triển khai các hoạt động khác của ngành Ngân hàng đã được Chiến lược phát triển ngành định hướng, góp phần tạo hiệu ứng tổng thể cho kết quả hoạt động chung của toàn ngành.

Với tinh thần chủ động, tích cực, đồng bộ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tin rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được những thành tựu to lớn, góp phần tích cực hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng tín dụng quý I/2021: Có thể lạc quan ?

    Tăng trưởng tín dụng quý I/2021: Có thể lạc quan ?

    06:30, 02/02/2021

  • Ngóng cơ chế hỗ trợ tín dụng hậu dịch

    Ngóng cơ chế hỗ trợ tín dụng hậu dịch

    11:00, 14/01/2021

  • Tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn

    Tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn

    11:30, 06/01/2021

  • “Rào cản” tín dụng năm 2021

    “Rào cản” tín dụng năm 2021

    11:30, 28/12/2020

Phó Thống đốc Thường trực NHNN VIỆT NAM ĐÀO MINH TÚ