Mặt bằng lãi suất đã ổn định?
Mặt bằng lãi suất chung sẽ ổn định nếu lạm phát được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, vẫn có khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng vào cuối năm, khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.
Lãi suất tiền gửi chạm đáy
Trong báo cáo chiến lược tháng 4, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021 đạt 1,5%, cao hơn mức 0,7% cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn con số trung bình 2,3% cùng kỳ giai đoạn 2017- 2019.
VDSC cho rằng, tín dụng quý đầu tăng nhanh hơn năm trước, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên. Từ đầu tháng 3, lãi suất huy động nhích lên sau thời gian dài giảm. Các nhà băng đều tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn 0,1 - 0,2 điểm phần trăm.
Tại Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9 - 3,1%/năm lên 3,2 - 3,4%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng lên 4,4 - 4,7%/năm; lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng lên 4,5 - 4,8%/năm.
Tương tự, ngân hàng BIDV, biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng nhẹ. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm là 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 4,0%/năm.
Còn tại các ngân hàng quy mô vừa như: Sacombank, ACB và VPBank, TPBank cũng khá cạnh tranh trong việc huy động tiền gửi online, với các kỳ hạn dài. Mức huy động kỳ online hạn 12 tháng và 24 tháng tại Sacombank và SCB lần lượt là 5,9% và 6,5%. Các ngân hàng như ACB, VPBank, TPBank, HDBank cũng có mức gửi online kỳ hạn 12 tháng là trên 6%/năm.
Các chuyên gia của VDSC nhận định, lãi suất tiền gửi dường như đã chạm đáy, sau khi có các đợt tăng gần đây. Theo ước tính của VDSC, tính đến 19/3, tốc độ tăng trưởng cung tiền và huy động vốn lần lượt đạt 1,5% và 0,5% so với cuối năm 2020. VDSC kỳ vọng lãi suất sẽ tăng khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn duy trì hướng hỗ trợ.
Lạm phát toàn phần nhích lên trong tháng 3 nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát với mức tăng 1,2% so với cùng kỳ, từ 0,7% của tháng 2, trong khi CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,7% trong tháng qua. Lạm phát toàn phần thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng này trong thời gian còn lại của năm nay, dựa trên dự báo của VDSC (3,5%).
Vẫn có khả năng tăng điểm vào cuối năm
Tương tự, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, trong quý đầu tiên ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm 10-40 điểm cơ bản tại một số NHTM (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi.
Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021, hầu hết các NHTM vẫn giữ nguyên mức lãi suất cho vay so với cuối 2020.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo đó các NHTM có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở để đưa ra phương án tài chính rõ ràng hơn nhờ ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi là 31/12/2021 và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các NHTM trong việc triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
"Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng", chuyên gia của SSI nhận định.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, trên thực tế, mặc dù số liệu về tăng trưởng tín dụng quý I năm nay vẫn chưa được công bố, nhưng theo tiết lộ của một số lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận đã tăng trưởng tích cực ngay từ tháng đầu năm khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần hồi phục.
“Tuy nhu cầu vay lớn nhưng các ngân hàng đều đang rất thận trọng trước sự tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung. Song, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu vay tăng nhanh, có khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Thông tư 03 tác động ra sao tới các ngân hàng niêm yết?
06:30, 08/04/2021
Ngân hàng nào được quyết toán song phương liên biên giới Việt Nam - Thái Lan qua mã QR?
10:45, 07/04/2021
Sửa đổi Thông tư 01 có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng?
10:00, 06/04/2021
Mặt bằng lãi suất vẫn ở vùng thấp lịch sử
11:00, 07/04/2021
Sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp
20:19, 31/03/2021
Nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất khó hạ
05:30, 30/03/2021