Nới room tín dụng có làm tăng lãi vay?
Việc NHNN xem xét nới room tín dụng cho các nhà băng đã làm dấy lên lo ngại sẽ đẩy mặt bằng lãi suất cho vay cho tăng.
Lo ngại trên xuất phát từ việc tín dụng đang tăng trưởng mạnh, khi được nới room tín dụng, các ngân hàng sẽ chạy đua tăng lãi suất huy động vốn.
Tín dụng tăng trưởng mạnh
Tại buổi họp báo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm nay, NHNN cho biết đang xem xét đơn xin nới room tín dụng cho khoảng 10 ngân hàng.
Việc nới room tín dụng cho các ngân hàng đã nằm trong kế hoạch của NHNN khi mà đầu năm nay, hầu hết các ngân hàng chỉ được tạm ứng hạn mức tín dụng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung (12%). Cụ thể hồi quý I, NHNN đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng. Trong đó, Techcombank được cấp hạn mức cao nhất là 12%; TPBank là 11,5%; Vietcombank, MB, MSB có chung hạn mức 10,5%...
Quyết định nới room tín dụng của NHNN nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng đang có xu hướng phục hồi mạnh. Theo thống kê của NHNN, tính đến 15/6, tín dụng tăng trưởng 5,1%, gấp hơn hai lần cùng kỳ 2020.
Không đáng ngại
SSI Research cho rằng, lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong ngắn hạn, nhưng khi các ngân hàng được nới room tín dụng thì lãi suất tiền gửi có thể tăng. Tuy nhiên, một chuyên gia ngân hàng lại có quan điểm ngược lại, bởi lẽ:
Thứ nhất, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào, cho dù đã bớt dư thừa hơn thời điểm đầu năm nay. Bằng chứng là trong tuần vừa qua, NHNH không những không phải bơm tiền vào hệ thống, mà còn hút về 1,08 tỷ đồng.
Thứ hai, NHNN chỉ tăng hạn mức tín dụng cho những nhà băng có “sức khỏe” tốt và có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt; mức tăng thêm của các nhà băng cũng không giống nhau. Điều đó cũng có nghĩa, những ngân hàng có biểu hiện thiếu hụt thanh khoản sẽ rất khó được nới room.
Thứ ba,room tín dụng chỉ là “giới hạn trên” và mang tính định hướng, chứ không phải chỉ tiêu bắt buộc. Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào được nới room tín dụng cũng phải sử dụng hết phần được tăng thêm. Chẳng hạn như năm 2020, VietinBank được cấp hạn mức 8,5%, nhưng tín dụng chỉ tăng 7,7%...
“Mặc dù hiện áp lực tăng lãi vay là có, thậm chí mặt bằng lãi vay có thể sẽ nhích tăng vào cuối năm nay, song chủ yếu là do áp lực lạm phát và tỷ giá do USD đang có xu hướng phục hồi mạnh sau khi FED phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất từ năm 2023, thậm chí sớm hơn. Khó có chuyện lãi suất tăng do việc nới room tín dụng cho các ngân hàng”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.