Vay VND hay USD?

NGUYỄN LONG 14/03/2022 04:30

Trong bối cảnh tỷ giá năm nay dự báo có nhiều biến động khó lường, vay VND hay USD đang là bài toàn khó của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

>> Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ra sao?

Lãi suất cho vay VND hiện đang cao hơn khá nhiều so với lãi suất cho vay USD.

 Lãi suất cho vay VND bình quân đang cao hơn lãi suất cho vay bình quân USD khoảng từ 2,3- 4,9%/năm.

Lãi suất cho vay VND bình quân đang cao hơn lãi suất cho vay bình quân USD khoảng từ 2,3- 4,9%/năm.

Chênh lệch lớn

Theo thống kê của NHNN, trong tháng đầu năm 2022, lãi suất cho vay VND bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Trong khi đó, lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 2,0-3,2%/năm đối với ngắn hạn; 3,4-4,3%/năm đối với trung và dài hạn.

Như vậy, lãi suất cho vay VND bình quân đang cao hơn lãi suất cho vay bình quân USD khoảng từ 2,3- 4,9%/năm.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể vay USD. Bởi theo quy định hiện hành, hiện chỉ có các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu mới được vay USD.

>> Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, Việt Nam có nguồn lực cho đà tăng trưởng mới

Cân nhắc thiệt hơn

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, khi vay USD, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro tỷ giá. Nếu trong khoảng thời gian vay, VND mất giá thì khi trả bằng ngoại tệ, nếu doanh nghiệp không có nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ chịu rủi ro mất giá của VND.

“Rủi ro tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là có, nhưng không quá lớn bởi vì sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến việc thắt chặt tiền tệ của các NHTW, như FED, ECB… Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất có thể không quá lớn mặc dù lạm phát cao do họ đang gặp khó khăn với việc chi phí sản xuất tăng cao, cản trở quá trình hồi phục kinh tế”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhận định và cho biết thêm, rủi ro tỷ giá cũng còn liên quan đến cán cân thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo vẫn tăng trưởng tốt, nên sức ép lên tỷ giá không quá nhiều. Do đó, trong năm nay, VND có thể mất giá so với USD, nhưng mất giá không quá nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để vay USD.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, nếu lãi suất cho vay VND cao hơn lãi suất cho vay USD khoảng 2- 3% trở lên thì doanh nghiệp vay USD sẽ có lợi hơn.

Để phòng ngừa rủi ro trước biến động tỷ giá, PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến cáo doanh nghiệp có thể lựa chọn các sản phẩm phái sinh, như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, nhưng cần lưu ý phí phát sinh từ các hợp đồng đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Tỷ giá sẽ còn tăng

    Tỷ giá sẽ còn tăng

    11:00, 06/03/2022

  • Tỷ giá chịu sức ép tăng

    Tỷ giá chịu sức ép tăng

    11:00, 24/10/2021

  • Tỷ giá Việt Nam năm 2022 có thể sẽ đảo chiều

    Tỷ giá Việt Nam năm 2022 có thể sẽ đảo chiều

    06:00, 18/09/2021

  • Tỷ giá cuối năm sẽ ra sao?

    Tỷ giá cuối năm sẽ ra sao?

    04:50, 02/09/2021

NGUYỄN LONG