Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang ra sao?
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm gần 26 tỷ USD trong bối cảnh dòng vốn liên tục chảy ra sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, cùng các yếu tố bất ổn khác.
>>Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?
Thông tin từ Sở Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 25,8 tỷ USD vào cuối tháng 3 trong bối cảnh dòng tiền lớn liên tục chảy ra từ cổ phiếu và trái phiếu sau khi Nga tấn công quân sự vào Ukraine. Các quan chức cho rằng, mức giảm 0,8% xuống 3.188 tỷ USD là do sự thay đổi giá trên thị trường tài chính toàn cầu và sự biến động trên thị trường ngoại hối.
Wang Chunying, phát ngôn viên của SAFE nói: “Thị trường tài chính quốc tế bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của các nước lớn, tình hình địa chính trị, sự phức tạp của COVID-19, chỉ số đô la Mỹ tăng, giá trái phiếu của các nước lớn nói chung giảm và nhiều yếu tố khác. Dự trữ ngoại hối được tính bằng đô la Mỹ và giá trị của tài sản bằng các đơn vị tiền tệ khác đã giảm sau khi quy đổi sang đô la Mỹ, cùng với những thay đổi về giá tài sản đã gây ra sự sụt giảm của dự trữ”.
Tạp chí tài chính Trung Quốc cũng đã dẫn lời một quan chức SAFE rằng, cơ quan quản lý sàn giao dịch vẫn kỳ vọng các khoản đầu tư nước ngoài vào tài sản bằng đồng Nhân dân tệ sẽ tăng trong thời gian dài, bất chấp sự biến động gần đây. Cụ thể, những biến động ngắn hạn trong đầu tư chứng khoán xuyên biên giới không thể hiện sự đảo ngược xu hướng dài hạn của đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn của Trung Quốc.
Còn theo một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) vào tháng trước, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút tiền khỏi Trung Quốc với quy mô “chưa từng có” kể từ khi Nga tấn công Ukraine hồi cuối tháng 2. IIF ước tính trong tháng 3, dòng tiền từ trái phiếu đạt 11,2 tỷ USD, trong khi cổ phiếu giảm 6,3 tỷ USD.
Cùng với đó, lượng trái phiếu Trung Quốc nắm giữ ở nước ngoài cũng giảm 80 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 2 sau khi chúng tăng hơn 30 tháng liên tiếp. Nhà cung cấp dữ liệu tài chính Wind cho thấy, vào tháng 3, đã có một dòng chảy ròng trị giá 45,1 tỷ Nhân dân tệ từ cổ phiếu Trung Quốc, thông qua chương trình “Kết nối chứng khoán hướng Bắc”, cho phép các nhà đầu tư quốc tế mua cổ phiếu Trung Quốc qua Hồng Kông.
>>Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ra sao?
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn tin tưởng, dòng tiền chảy ra từ cổ phiếu và trái phiếu có thể chỉ là tạm thời và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn sẽ lo ngại về sức mạnh của đồng Nhân dân tệ hơn là áp lực giảm giá từ dòng vốn trái phiếu và cổ phiếu.
Macquarie Group, nhóm ngân hàng tại Úc cho biết, đúng là Trung Quốc đã nhận thấy dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu chảy ra đáng kể, kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhưng dòng vốn cổ phiếu và trái phiếu chỉ là một phần nhỏ trong tổng dòng vốn của Trung Quốc.
“Tỷ giá đồng đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ vẫn ổn định bất chấp việc bán tháo. Sự ổn định này không có gì quá ngạc nhiên, dựa trên nguồn đô la khổng lồ được xây dựng bởi các ngân hàng và công ty của Trung Quốc trong hai năm qua. PBOC có thể lo ngại hơn về việc đồng Nhân dân tệ quá mạnh thay vì quá yếu”, Macquarie nói thêm.
Còn theo ước tính của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, Ngân hàng Trung ương Nga và quỹ tài sản có chủ quyền có thể sở hữu tổng trái phiếu trị giá 140 tỷ USD của Trung Quốc. Điều đó đại diện cho gần một phần tư sở hữu nước ngoài trên thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc. “Chúng tôi đang xem liệu Nga có thanh lý tài sản hay không, nếu cần tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán khác. Việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của Nga và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể là tài sản và tiền tệ nước ngoài lớn mà Nga có thể tiếp cận. Nga có thể sử dụng tài sản bằng đồng Nhân dân tệ của họ và hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) để chống lại tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây”.
Có thể thấy, PBoC đã có một giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá hàng tỷ USD với đối tác Nga, cho phép hai quốc gia cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp. Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với các ngân hàng Nga vào hệ thống giải quyết thanh toán trong nước, được coi là một giải pháp thay thế cho hệ thống nhắn tin SWIFT mà Nga đang bị cấm vận.
Có thể bạn quan tâm
Lệnh trừng phạt của Mỹ liệu có tác động đến dự trữ ngoại hối của các quốc gia?
00:00, 29/03/2022
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ra sao?
05:30, 11/03/2022
Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, Việt Nam có nguồn lực cho đà tăng trưởng mới
05:00, 04/05/2021
Dự trữ ngoại hối sẽ còn tăng
05:00, 16/10/2019