Trung Quốc kêu gọi ban hành gói kích thích tiền mặt
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Trung Quốc về việc phát hành các khoản kích thích trực tiếp cho người tiêu dùng, trong bối cảnh chiến lược Zero-Covid đang bóp nghẹt nền kinh tế nước này.
>>Chậm gói kích thích, kinh tế mất đà phục hồi
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi ở Trung Quốc về việc phát hành các khoản kích thích trực tiếp cho người tiêu dùng, như tại Hồng Kông hay Hoa Kỳ, để thúc đẩy nền kinh tế đang ngày càng căng thẳng và cũng là để thử nghiệm cho chiến lược zero-Covid của quốc gia này.
Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần nỗ lực đảo ngược xu hướng chi tiêu chậm chạp của người tiêu dùng kể từ khi đại dịch xảy ra hơn hai năm trước, nhưng các nhà kinh tế khuyến nghị, cần phải có nhiều biện pháp hơn nữa để khiến mọi người mở ví.
Đến nay, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ở mức thấp một cách đáng lo ngại khi quốc gia này kiên định tuân theo các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc, nhằm ngăn chặn biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Một số chính quyền địa phương đã quay lại phương án cũ, bằng cách phát hành phiếu giảm giá để kích thích chi tiêu. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tài chính đã cảnh báo về tác động tiêu cực của các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn như ở phương Tây.
Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities ước tính, nếu chính quyền trung ương và 20% người giàu nhất quốc gia đóng góp tổng cộng 250 tỷ Nhân dân tệ (38 tỷ USD) mỗi năm và số tiền đó được phân phối cho 280 triệu cư dân có thu nhập thấp nhất của quốc gia, nó có thể giúp tăng chi tiêu tiêu dùng hàng năm 750 tỷ Nhân dân tệ. Theo ông, một lựa chọn khác có thể là phân phối 1.000 Nhân dân tệ (153 USD) cho tất cả 1,413 tỷ công dân Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn và ít gây tranh cãi hơn, mặc dù gây áp lực tài chính lớn hơn cho Chính phủ.
“Phiếu tiêu dùng nên được cấp bởi chính quyền trung ương… chúng được cấp càng sớm càng tốt”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố bởi Trung tâm nghiên cứu của Diễn đàn Tài chính Trung Quốc mới đây.
Yang Weimin, Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong tuần này. Các nhà chức trách có thể xem xét cung cấp thêm hỗ trợ tiền tệ cho những người bị mất thu nhập do dịch bệnh bùng phát.
Quay lại thời điểm năm 2020, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ giúp nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất mở rộng quy mô trong năm đó. Nhưng các biện pháp này hẹp hơn so với các biện pháp đã thấy ở phương Tây, điều đó thúc đẩy cuộc tranh luận về việc, liệu Trung Quốc có nên làm theo bằng cách phát trực tiếp tiền mặt cho người tiêu dùng hay không.
Đơn cử như Mỹ đã ban hành ba đợt kích thích lớn cho người Mỹ, nhưng các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc lại cảnh báo đó là các chính sách kích thích “ bất thường”, bao gồm cả những chính sách từ châu Âu, đã làm tăng nguy cơ lạm phát toàn cầu, gây gánh nặng lớn hơn cho ngân sách chính phủ.
Ban lãnh đạo Trung Quốc vào tháng 12/2021 đã nhấn mạnh, sự suy giảm nhu cầu là một phần của áp lực gấp ba lần mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt, mặc dù nước này cũng đang cố gắng dựa nhiều hơn vào thị trường nội địa, theo hướng hướng nội Chiến lược "lưu thông kép". Tuy nhiên, doanh số bán lẻ, một thước đo tiêu dùng chính của quốc gia đã giảm 3,5% trong tháng 3, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2020, khi Trung Quốc mắc kẹt với chính sách zero-Covid để chống lại làn sóng dịch bệnh kể từ khi xuất hiện ở Vũ Hán năm 2020.
>>Trọng tâm của gói kích thích phục hồi kinh tế giai đoạn mới
Huang Yiping, Giáo sư kinh tế tại ĐH Bắc Kinh cho hay: “Các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế, bao gồm cả việc khóa cửa nghiêm ngặt trên toàn thành phố, đã ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập cá nhân. Sức tiêu thụ suy yếu sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận của các công ty và gây thiệt hại nặng nề cho các khoản đầu tư. Biện pháp đơn giản nhất để thúc đẩy tiêu dùng là cung cấp tiền cho những người bình thường, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp”.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc chi tiền mặt, thì xu hướng chi tiêu số tiền đó của người dân có thể sẽ thấp hơn nhiều so với ở Mỹ. Điều này được Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics) đưa ra.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh hồi đầu tháng đã thông báo rằng, hơn 300 triệu Nhân dân tệ các phiếu tiêu dùng sẽ được phân phát trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, nhưng chúng hầu hết giống như phiếu giảm giá, khác với các phiếu phát hành ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, các thành phố khác của Trung Quốc đã vào cuộc, bao gồm chính quyền địa phương ở các trung tâm thương mại như Thâm Quyến, Ninh Ba, đã thông báo sẽ cấp các phiếu mua hàng trị giá 500 triệu Nhân dân tệ và hơn 300 triệu Nhân dân tệ cho người dân. Các động thái này diễn ra ngay trước kỳ nghỉ lễ quốc gia kéo dài năm ngày và thường là một khoảng thời gian bán hàng quan trọng.
Wendy Liu, Giám đốc hoạt động của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Thâm Quyến cho biết, cô có thể sử dụng phiếu mua hàng khi mua một số nhu cầu thiết yếu hàng ngày để tiết kiệm tiền hơn. “Nhưng tôi sẽ không chi tiêu nhiều hơn, vì thu nhập của tôi đã đình trệ trong hai năm qua, trong khi tôi phải tiết kiệm nhiều tiền mặt để trả nợ và cho các chi phí khác”.
Có thể bạn quan tâm
IMF cảnh báo nợ của Trung Quốc, cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 4,4%
13:00, 24/04/2022
Chống “cú sốc” từ Trung Quốc
02:04, 24/04/2022
Trung Quốc cắt giảm thêm 0,25 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
05:00, 17/04/2022
Sự cẩn trọng của các công ty Trung Quốc
04:02, 15/04/2022
Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc
05:00, 14/04/2022