Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gần 3% phát đi "tín hiệu" gì?
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng gần mốc 3%, Đà tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu trong năm nay đang làm giảm sự hấp dẫn tới thị trường cổ phiếu.
Giá vàng tuần tới: Coi chừng cú sốc từ lợi suất trái phiếu Mỹ
Lợi suất tăng mạnh
Tính từ năm 2018, đây là lần đầu tiên lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức gần 3%, cụ thể là 2,986%.
Trái phiếu chính phủ là một khoản cho vay đối với Chính phủ Mỹ và thường được xem là một sự đặt cược an toàn đối với giới đầu tư vì khoản vay này có rủi ro ít, nguy cơ không được hoàn trả rất thấp.
Cột mốc quan trọng này diễn ra khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần này.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày với một tuyên bố về quyết định của họ về lãi suất dự kiến sẽ tăng bao nhiêu phần trăm.
Lạm phát gia tăng và việc FED có kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại những áp lực về giá này đã làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Những lo ngại này đã khiến các nhà đầu tư bán ra trái phiếu gần đây, đẩy lợi suất cao hơn.
Trong khi đó, kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ sớm tăng lãi suất đã được phản ánh trong diễn biến trên thị trường trái phiếu Đức. Theo dữ liệu của Reuters, gói trái phiếu 10 năm của Đức đã tăng 4 điểm cơ bản đạt 1% lần đầu tiên kể từ năm 2015, trước khi giảm trở lại vào cuối ngày.
Các ngân hàng trung ương đang tìm cách tăng lãi suất như một phần của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, kéo lùi sự hỗ trợ kinh tế được cung cấp trong đại dịch COVID-19. Lạm phát gia tăng, được thúc đẩy cao hơn bởi cuộc chiến Nga-Ukraine, đã chứng kiến FED đặc biệt tìm cách đẩy nhanh chu kỳ tăng lãi suất của mình để kiềm chế giá tăng.
Cuộc chiến để kiểm soát lạm phát diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng điều này thực sự có thể cản trở tăng trưởng kinh tế. Cuộc chiến Nga-Ukraine, vốn đã khiến lạm phát tăng cao, cũng làm tăng thêm những lo ngại xung quanh tăng trưởng kinh tế. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê chuẩn 33 tỷ USD hỗ trợ thêm cho cuộc chiến ở Ukraine.
FED tăng lãi suất, giá vàng tuần tới sẽ "co giật" mạnh?
Lợi tức tăng phát đi tín hiệu gì?
Thị trường trái phiếu đang phát đi một tín hiệu mang tính cảnh báo vốn đã đoán đúng gần như mọi đợt suy thoái trong 60 năm qua, đó là khả năng đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Một đường cong lợi suất đảo ngược thường được xem là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về tương lai gần hơn là dài hạn, khiến lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng lên cao hơn lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn dài.
Dù hiện tại đường cong lợi suất vẫn chưa đảo ngược, nhưng hiện tượng này sắp diễn ra. Và đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi xét đến tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, và những hệ quả về kinh tế của nó, đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà kinh tế khi đánh giá quỹ đạo của một nền kinh tế đều rất chú trọng và sử dụng lợi suất trái phiếu chính phủ để đưa ra đánh giá. Thông thường khi các nhà đầu tư bán trái phiếu chính phủ, giá giảm và lợi suất tăng. Nếu lợi suất của một trái phiếu cao hơn nhiều so với giá khi nó được phát hành thì có khả năng là chính phủ phát hành bị căng thẳng về tài chính, rủi ro không trả được vốn có thể xảy ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ có mối quan hệ nghịch chiều với giá của nó. Có nghĩa là khi lợi suất trái phiếu tăng, giá sẽ giảm, vì khi đó người mua trái phiếu phải trả lãi suất cao hơn. Điều này khiến cho trái phiếu đó trở nên kém hấp dẫn, giá trái phiếu giảm và ngược lại. Khi đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về một nền kinh tế sẽ đi lên, phục hồi tốt hơn và ngược lại.
Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, lãi suất ngắn hạn của Mỹ hiện được dự đoán ở mức gần 2,5% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với phạm vi hiện tại là 0,25-0,5%.
Giới phân tích cho rằng, đây sẽ là thách thức lớn và là nhân tố tác động mạnh tới dòng chảy của các nguồn vốn vào cổ phiếu, làm giảm sức hấp dẫn của loại tài sản này.
Thông thường, lãi suất ngân hàng cũng như lãi suất/lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm suy yếu sức mua trên thị trường chứng khoán, tác động đến các mô hình tính toán liên quan đến chiết khấu dòng tiền trong tương lai. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu tăng sẽ tác động đáng kể đến một số lĩnh vực như đầu tư nhà đất.
Có thể bạn quan tâm
Công ty Chứng khoán bị siết trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư còn trông vốn margin?
05:15, 03/05/2022
Dịp lễ, vàng trong nước vững giá cao, chênh lệch vàng thế giới 18 triệu đồng/ lượng
05:00, 03/05/2022
Thị trường chứng khoán đã chạm đáy?
04:30, 03/05/2022
Vì sao cổ phiếu ngành xi măng tiếp tục giảm mạnh?
05:30, 02/05/2022