Sức ép tăng tỷ giá
Tỷ giá USD/VND đang chịu rất nhiều áp lực tăng, đặc biệt khi USD đang được nâng đỡ bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của FED.
>> Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước bán 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối?
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Theo nhiều chuyên gia, điều này có thể sẽ tác động đến tỷ giá, nhưng không nhiều.
Không lo giám sát
Động thái nói trên của Bộ Tài chính Mỹ thực chất là đưa Việt Nam “trở lại” danh sách giám sát do không còn vi phạm 3 tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ đặt ra. Còn nhớ vào tháng 12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã gắn mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam do vi phạm cả 3 tiêu chí nêu trên.
“Việc bị gắn mác thao túng tiền tệ cũng chưa tác động ngay đến thị trường Việt Nam nói chung và tỷ giá nói riêng. Bởi theo Đạo luật xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đệ trình báo cáo lên Quốc hội nước này và tiến hành các cuộc thương lượng giữa hai bên. Chỉ khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, phía Mỹ mới sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn như áp thuế trả đũa…”, một chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, việc Việt Nam nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ sẽ khiến NHNN phải thận trọng hơn trong việc mua vào ngoại tệ. Thế nhưng, điều này lại giúp kéo giảm tỷ giá USD/VND khi nguồn cung ngoại tệ trên thị trường dồi dào.
Tỷ giá biến động ra sao?
Mặc dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn đang chịu nhiều áp lực tăng. Trong đó, lớn nhất là xu hướng tăng giá của USD khi FED đẩy nhanh tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát. Tại cuộc họp vừa qua, FED đã thêm 75 điểm lãi suất cơ bản lên 1,75%.
Bên cạnh đó, lạm phát đang có xu hướng gia tăng, làm giảm sức mua của VND. Trong khi chính sách tài khóa– tiền tệ đều được nới lỏng theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô lên tới 350.000 tỷ đồng, nên nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát và tỷ giá.
Ngoài ra, cán cân thương mại tuy vẫn thế thặng dư, song thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí có những thời điểm như trong tháng 5 vừa qua, cán cân thương mại còn thâm hụt khá lớn, tới 1,7 tỷ USD. Điều đó cũng gây áp lực đến tỷ giá trong ngắn hạn.
Tuy nhiên giới chuyên gia vẫn tin tưởng, hiện nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế vẫn dồi dào, cộng thêm nguồn dự trữ ngoại hối lớn và sự điều hành linh hoạt của NHNN, tỷ giá chỉ tăng nhẹ trong năm nay. “VND sẽ giảm giá 1-1,5% trong năm nay nếu không xuất hiện các cú sốc lớn ngoài dự kiến”, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định.
Có thể bạn quan tâm