Nhà đầu tư thờ ơ với IPO của VRG

Linh Nga 01/02/2018 06:10

Việc cổ phần của Tập đoàn Cao su bị nhà đầu tư thờ ơ có phần trái ngược với 2 đợt IPO lớn đầu năm nay của Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Oil.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho biết, đã hết hạn đăng ký tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) nhưng số lượng cổ phần đăng ký đấu giá chỉ chiếm 1/5 so với khối lượng đem ra đấu giá.

Theo đó, tổng cộng có 499 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua gần 101 triệu cổ phiếu, tương đương 21% của 475 triệu cổ phiếu VRG được chào bán trong đợt IPO này.

Như vậy là tính theo mức giá khởi điểm, lượng vốn tối đa Nhà nước có thể thu về là 1.313 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức kỳ vọng ban đầu là 6.200 tỷ đồng. Như vậy có thể đánh giá đợt IPO của VRG (diễn ra vào 2/2 tới đây) là không thành công, bất chấp tiềm năng lớn của doanh nghiệp từ quỹ đất khổng lồ, cũng như triển vọng cải thiện biên lợi nhuận.

Việc cổ phần của Tập đoàn Cao su bị nhà đầu tư thờ ơ có phần trái ngược với 2 đợt IPO lớn đầu năm nay của Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Oil. Đợt IPO có giá trị huy động lớn nhất theo giá khởi điểm của PVPower - với hơn 6.700 tỷ đồng - cũng có lượng đặt mua vượt 5% so với lượng đấu giá.

Trước đó, cuối năm 2017, thị trường cũng đã chứng kiến một đợt thoái vốn không thành công ở Becamex khi mà nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 6% khối lượng cổ phiếu chào bán. "Có thể thấy trong bối cảnh hàng loạt các thương vụ IPO lớn diễn ra trong năm 2018, nguồn cung cổ phiếu được bơm ra thị trường là rất lớn, nhu cầu của thị trường khó có thể hấp thụ hết và chỉ những thương vụ IPO thực sự hấp dẫn mới có thể thu hút mạnh được sự quan tâm của nhà đầu tư và diễn ra thành công" - CTCK Bảo Việt (BVSC) đã cho biết như vậy.

Theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt, vốn điều lệ của VRG sau cổ phần hóa dự kiến là 40.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ cổ phần. Nhà nước sẽ bán ra hơn 475 triệu cổ phần ra công chúng với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cp. Tính theo mức giá khởi điểm, VRG đang được định giá 52.000 tỷ đồng và cổ đông nhà nước dự kiến thu về gần 6.200 tỷ đồng từ IPO. VRG cũng sẽ chính thức trở thành DNNN lớn nhất từ trước đến nay tại thời điểm cổ phần hoá.

VRG là một doanh nghiệp lâu đời và sở hữu diện tích đất cao su rộng lớn nhất Việt Nam. Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), với việc lấy ngành cao su tự nhiên làm trọng tâm, VRG có nhiều cơ hội: việc tăng diện tích khai thác cộng với giá cao su tăng hứa hẹn sự quay đầu ấn tượng về kết quả kinh doanh; tự cung nguồn cao su đầu vào để sản xuất các loại sản phẩm cao su kỹ thuật cao, mang lại giá trị gia tăng cao hơn; nguồn gỗ cao su dồi dào từ các diện tích thanh lý hằng năm mở ra thêm cơ hội kinh doanh ở ngành Chế biến gỗ; đất cao su sau khi thanh lý có thể chuyển đổi thành đất khu công nghiệp có giá trị cao và chi phí đầu tư thấp hơn.

Dựa trên kịch bản giá cao su bình quân tăng 5% trong năm 2018 và mức tăng giảm dần 1%/năm đến năm 2022, BVSC dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2018 - 2022 là 13% cho doanh thu và 19% cho lợi nhuận sau thuế. Ở giá khởi điểm 13.000 đồng/cp, VRG đang được định giá ở mức P/E và P/B 2017 lần lượt là 16,55 lần và 1,09 lần. Trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, đơn vị đưa ra mức giá hợp lý từ bình quân của 2 phương pháp P/E và P/B là 17.473 đồng/cp – cao hơn giá khởi điểm 34%.

Giá cao su ảnh hưởng đến hơn 70% lợi nhuận của VRG và do đó biến động giá cao su là rủi ro lớn nhất đối với VRG.

VRG dù được đánh giá là doanh nghiệp nhà nước có tài sản vững chắc và dư địa tăng trưởng lớn nhưng với việc hạn chế nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, sức hút của VRG đã giảm hẳn so với  BSR và PV Oil. Với lượng đăng ký mua chỉ đạt hơn 1/5 số lượng bán ra, khả năng đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của VRG hứa hẹn sẽ kém vui.

Được biết, ngày 02/02/2018 VRG sẽ phát hành chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu 475.123.671 cổ phiếu với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, VRG cũng lên kế hoạch phát hành một phần tương tự cho cổ đông chiến lược với điều kiện khắc khe: là doanh nghiệp trong nước; vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ trong 5 năm gần nhất; có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp; ràng buộc không chuyển nhượng trong 5 năm. Theo quyết định 58/2016/QĐ-TTg thị ngành Cao su tự nhiên thuộc nhóm Nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến 65%.

Linh Nga