Dấu ấn sau cổ phần hoá nhìn từ Tổng công ty 36

Thùy Linh 26/02/2018 04:10

Trong khi nhiều lãnh đạo DNNN sợ phải minh bạch, sợ lộ ra nhiều khuyết điểm, sợ mất chiếc ghế quyền lợi của mình..., thì Tcty 36 lại chủ động báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) tiên phong cổ phần hoá (CPH) Cty mẹ.

Trước nhu cầu đổi mới chuyển đổi hình thức hoạt động, Tcty 36 đã được BQP, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH vào đầu năm 2016.

Chủ động CPH Cty mẹ

Theo phương án CPH, Tcty 36 có vốn điều lệ là 430 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phần phát hành lần đầu là 43.000.000 cổ phần (43 triệu cổ phần), mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 17.200.000 cổ phần, chiếm 40% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 3.347.800 cổ phần, chiếm 7,79% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 18.152.200 cổ phần, chiếm 42,21% vốn điều lệ; cổ phần bán đấu giá công khai 4.300.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ.
Ngày 14/04/2016, Tcty 36 đã đấu giá IPO 4,3 triệu cổ phần, tương đương 10% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, 3 năm sau CPH, Tcty 36 đặt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh với lợi nhuận sau thuế từ 42 - 44 tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ chi trả cổ tức từ 8,5- 9,2%/năm.

1.000 tỷ đồng là mức vốn điều lệ đã Đại hội đồng cổ đông Tcty 36 thông qua để góp phần phục vụ các kế hoạch đầu tư phát triển.

Theo Đại tá/Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp - Tổng Giám đốc Tcty 36, sau CPH ,Tcty đã tìm được hướng đi khi ngành xây dựng “án binh bất động”. Thời điểm chưa CPH, các doanh nghiệp xây dựng nói chung và Tcty 36 nói riêng đang gặp nhiều khó khăn vì là đối tượng trực tiếp của thắt chặt đầu tư công và nợ xấu ngân hàng. Do vậy, Tcty 36 không có con đường nào khác ngoài CPH. Sau hơn 1 năm CPH, Tcty 36 hoạt động như một nhà thầu đa năng trong các lĩnh vực như: xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, lao động, thủy lợi, thủy điện, đầu tư kinh doanh bất động sản. Kết thúc năm 2017, Tcty 36 tiếp tục đạt được những con số ấn tượng về giá trị sản xuất, nộp ngân sách nhà nước, doanh thu, lợi nhuận... trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành nghề tiếp tục gặp rất khó khăn. Tcty có nhiều đơn vị tiếp tục là những cánh chim đầu đàn về giá trị sản xuất như Cty 36.62, Cty 36.67, Cty 36.66.

Huy động vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư

Để huy động vốn phục vụ cho các kế hoạch đầu tư phát triển đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức biên chế được cơ cấu lại theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế Tcty 36 đã chào bán 57 triệu cổ phiếu theo phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 1:1,3256 với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 570 tỷ đồng. Theo đó, khi hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước tại Tcty 36 chỉ còn 17,2%, bởi BQP sẽ chuyển nhượng toàn bộ 17,2 triệu quyền mua (tương đương khoảng 22,8 triệu cổ phiếu) ra bên ngoài theo hình thức đấu giá công khai.

Doanh thu thuần và lợi nhuận của TCty 36 giai đoạn 2014 - 2016

Tuy nhiên, các nhà đầu tư chiến lược là CTCP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc, Công ty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân và Tổng Cty CP Bảo hiểm Bưu điện đã không mua hết cổ phần theo tỷ lệ phát hành. Thực tế, khi đấu giá quyền mua cổ phần của Nhà nước đã có một trong sáu nhà đầu tư không mua hết quyền được mua dẫn tới việc tăng vốn chỉ đạt được 936/1.000 tỷ đồng so với kế hoạch phát hành.

Ông Giáp chia sẻ, sự quyết liệt của Quân uỷ Trung ương, BQP trong thực hiện đề án sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội thời gian qua với việc CPH hàng loạt doanh nghiệp xây lắp một lần nữa minh chứng tầm nhìn, bước đi trước chủ động của đơn vị chúng tôi khi “xung phong” CPH Cty mẹ là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Giờ đây, khi mà nhiều đơn vị còn phải tất bật lo lắng xử lý tài sản, công ăn việc làm cho người lao động, xác định lộ trình CPH thì Tcty 36 đã làm xong mọi việc, chỉ còn tập trung phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình mới.

Sau gần hai năm CPH, Tcty 36 đã đạt được thành tích “sát sườn” là quyền lợi của hơn 2.000 người lao động, với thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so với năm 2016.

Lấy công trình làm giá trị cốt lõi

Điều dễ nhận thấy nhất ở Tcty 36 là sau gần hai năm hoạt động theo mô hình Cty cổ phần, Tcty 36 đã có những sự thay đổi về quản trị điều hành. Do có lộ trình, chiến lược hoạch định từ lâu, có những công trình dài hơi, nên Tcty không bị hẫng hụt trước khó khăn chung mà còn sớm triển khai tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài để nâng cao tính tự chủ trong sản xuất kinh doanh.

Năm 2017 đã có nhiều đối tác nước ngoài tiếp xúc, hợp tác với TCty 36, như: Cty SinoGreat Wall, Cty Taisei, Cty Giken (chuyên về máy móc và công nghệ thi công cọc thép), Cty xây dựng Ozawa, Cty xây dựng ashimotogumi (Nhật Bản), Cty Tư vấn thiết kế kiến trúc Codinarchs Architects (Tây Ban Nha).
Năm 2017 cũng là một năm thành công đối với người thuyền trưởng của Tcty 36, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc được vinh danh là một trong 14 doanh nhân Việt Nam xuất sắc vừa được trao tặng giải thưởng Doanh nhân châu Á-Thái Bình Dương (APEA) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Đây là giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp đã và đang phát triển có đóng góp tốt cho nền kinh tế và xã hội trên khắp các quốc gia châu Á.

Giải thưởng APEA do Enterprise Asia- một tổ chức phi chính phủ với hơn 2.000 thành viên là doanh nghiệp hàng đầu châu Á thực hiện. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp được đề cử đều phải trải qua quá trình đánh giá khắt khe, bao gồm kiểm toán tài chính, đánh giá năng lực, thực địa bắt buộc. Năm 2017, có 14 doanh nhân xuất sắc thuộc 11 ngành công nghiệp khác nhau của Việt Nam được trao giải.
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, để tiếp tục gặt hái thành công, phải xây dựng thương hiệu bằng chính chất lượng công trình. Bởi chất lượng công trình chính là giá trị cốt lõi của sự phát triển. Một doanh nhân thành công cần phải có tầm nhìn chiến lược, kỹ năng tư duy độc lập. Bên cạnh đó, phải nắm vững luật và quy luật kinh doanh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế. Phải có kỹ năng tiếp thị tìm kiếm việc làm, xây dựng thương hiệu và giữ gìn, phát triển thương hiệu. Trong kinh doanh thì luôn coi đối tác là bạn để cùng tồn tại trong cơ chế thị trường.

Để tiếp tục đưa Tcty 36 lên một tầm cao mới, Ban Lãnh đạo Tcty đã xây dựng và thực thi một chiến lược đổi mới doanh nghiệp để thay đổi phương pháp điều hành và quản trị truyền thống. Cụ thể xây dựng và vận hành hệ thống quản trị mục tiêu KPI, chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn mới ISO 9001:2015 tích hợp các quy trình quản trị như quản trị tài năng quản trị hiệu suất, quản lý dự án, quản trị rủi ro.

Trong năm 2018 ,Tcty cũng xác định sẽ đưa các phương pháp quản trị ứng dụng công nghệ như hệ thống BIM (quản trị mô hình thông tin công trình) và hệ thống quản trị nguồn lực ERP vào áp dụng thực tế. Hy vọng với những chiến lược dài hơi này tiếp tục đưa Tcty 36 lên một tầm cao mới, gặt hái nhiều thành công trong giai đoạn tới.

Thùy Linh