Cổ phiếu BMP đã mất tới 43% giá trị vì đâu?
Mặc dù hiện nay Nawaplastic Industries (Thái Lan) đã nắm giữ đa số cổ phần tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP), nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này chưa khởi sắc.
Tại buổi công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán quý I/2018, ông Roongrote Rangsiyopash - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG xác nhận Công ty TNHH Nawaplastic Industries (Nawaplastic), công ty con của SCG, đã hoàn tất mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (MCK: BMP).
Từ đầu năm, SCG đã hai lần thu gom cổ phiếu BMP. Hồi tháng 3, Nawaplastic đã chi khoảng 2.330 tỷ đồng để sở hữu hơn 24 triệu cổ phần BMP, nâng sở hữu lên 49,91% và trở thành cổ đông lớn nhất. Đến đầu tháng 4, Nawaplastic tiếp tục đăng ký mua thêm 818.609 cổ phiếu BMP. Gần đây, Nawaplastic đã gom thêm được 185.970 cổ phiếu BMP. Theo đó, đến nay, Nawaplastic sở hữu hơn 40,8 triệu cổ phiếu BMP, tương đương 50,12%.
Ở thời điểm mua, giá cổ phiếu BMP ở mức 70.900 đồng/cổ phiếu, như vậy nhà đầu tư Thái đã phải chi khoảng hơn 11 tỷ USD.
Sau khi đã sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam), SCG thể hiện tham vọng xây dựng chuỗi giá trị tổng hợp trong ngành nhựa tại Việt Nam thông qua việc thâu tóm BMP.
Dựa trên báo cáo quý I/2018, SCG tại Việt Nam sở hữu tổng tài sản 36.369 tỷ đồng, doanh thu bán hàng đạt hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm doanh thu từ cả hoạt động trong nước và nhập khẩu từ Thái Lan, tăng 10% so với cùng kỳ chủ yếu từ ngành bao bì, xi măng và vật liệu xây dựng.
“Đứng trước tác động của các yếu tố không thuận lợi bao gồm tính cạnh tranh gay gắt ở trong nước và khu vực, chi phí nguyên vật liệu và tỷ giá đồng Baht tăng, kết quả kinh doanh quý I/2018 của SCG vẫn tích cực như quý trước. Kết quả này có được nhờ định hướng mới của tập đoàn, thúc đẩy sử dụng công nghệ số để phát triển các sáng kiến cùng với việc cung cấp trọn bộ giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong khu vực ASEAN", ông Roongrote nói.
Trong 2 năm gần đây, tình hình kinh doanh của BMP không mấy khả quan khi gặp sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến đánh mất thị phần, điều này thể hiện rõ ràng qua kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2017, BMP đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 471 tỷ, giảm 25% so với năm 2016.
Bên cạnh đó, theo BCTC riêng quý 1/2018 của BMP, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 634,2 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận gộp tăng 7,1% đạt 158,85 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chí phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của BMP cũng tăng lần lượt 25% và 58,17%.
Trong khi đó lợi nhuận thuần và lợi nhuận sau thuế của BMP đều giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận thuần đạt 98,9 tỷ đồng giảm 5%, lợi nhuận sau thuế đạt 80,35 tỷ đồng, giảm 3,75%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP, do quý I có tháng Tết, nhưng sản phẩm của doanh nghiệp phục vụ lĩnh vực xây dựng, nên doanh thu thấp là bình thường. "Trong quý II, Công ty sẽ nỗ lực để đạt kết quả cao, bù đắp cho phần sụt giảm của quý I", ông Ngân nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ban điều hành BMP cho biết do một số chương trình ưu đãi trong quý IV/2017, một số đại lý lớn đã tăng cường mua hàng trong quý IV. Điều đó dẫn tới lượng tiêu thụ quý I/2018 có sự suy giảm. Đến giữa tháng 4 này, mọi chuyện đang diễn biến bình thường, mục tiêu quý II sẽ bù đắp kết quả suy giảm quý I và đảm bảo kế hoạch năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, BMP đã trình kế hoạch năm 2018 với mục tiêu doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 6% so với 2017. Lợi nhuận trước thuế ước tăng 3%, đạt 600 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến tối thiểu 20% và ngân sách dành cho đầu tư khoảng 380 tỷ đồng.
Trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu BMP đã có lúc đạt đỉnh 93.800 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên hiện với mức giá hiện tại 53.300 đồng/ cổ phiếu, cổ phiếu BMP đã mất tới 43% giá trị.