PNC xoay xở tái cơ cấu vốn

Lê Mỹ 28/05/2018 11:01

CTCP Văn hóa Phương Nam (HoSE: PNC) vừa có Nghị quyết xin ý kiến cổ đông về phương án tái cơ cấu vốn để khắc phục khó khăn tài chính.

PNC là một trong những doanh nghiệp lớn (không bao gồm các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước) trong ngành xuất bản phẩm và văn hóa phẩm tại Việt Nam. PNC đang sở hữu hệ thống phân phối, phát hành sách có ảnh hưởng lớn với 57 cửa hàng bán lẻ.

p/Cơ cấu cổ đông PNC sau “thay máu”

Vị thế lớn, kinh doanh bết bát

Theo báo cáo thường niên 2017, PNC có 6 Cty con với tỷ lệ sở hữu 100% vốn, kinh doanh tạo “chuỗi” trong ngành bao gồm bán lẻ - xuất bản - phát hành sách báo- kinh doanh lĩnh vực phim- văn phòng phẩm- in ấn- giải trí truyền thông. Ngoài ra, PNC còn có 5 đơn vị liên doanh liên kết. Ở nhóm con và liên kết đều có 1 đơn vị đang tạm ngưng hoạt động.

106 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế của CTCP Văn hóa Phương Nam tính đến ngày 31/12/2017, xấp xỉ bằng vốn góp chủ sở hữu.

Trong số 2/5 đơn vị liên doanh liên kết góp vốn đầu tư, PNC có tỷ lệ góp vốn tại CJ CGV (Megastar) và Mega Phương Nam lần lượt là 20% và 32%. Đáng chú ý, CJ CGV có liên quan tới khoản vay trị giá 7 triệu USD của PNC từ 2014, nhưng không được PNC xác nhận điều này. Khoản nợ vay này được cầm cố bằng chính số cổ phần góp vốn 20% của PNC vào CJ-CGV.

Tháng 10/2017, sau nhiều “kịch chiến” nội bộ, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan khoản nợ-cầm cố-đầu tư kể trên, PNC đã có sự “thay máu” nhân sự khá triệt để, như miễn nhiệm HĐQT-BKS, bầu mới cho nhiệm kỳ 2017-2021. Theo đó, nhóm nhà đầu tư mới đã tiếp quản PNC, đồng thời lên kế hoạch kinh doanh 2018 với chỉ tiêu lạc quan: Tăng doanh thu 32% so với 2017, dự kiến đạt 800 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 20 tỷ đồng.

Bí lối “gỡ nợ”

Tuy đặt mục tiêu 2018 khá cao, song kết thúc 2017, PNC vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 106 tỷ đồng, gần xấp xỉ bằng vốn góp chủ sở hữu (hơn 110,4 tỷ đồng). Các khoản nợ ngắn hạn của PNC cũng đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn 180,3 tỷ đồng. Riêng lỗ ròng của năm 2017 tại PNC lên tới 66,5 tỷ đồng, là mức lỗ cao nhất kể từ khi Cty thành lập đến nay.

Để giải quyết tình trạng lỗ có thể tiến tới âm vốn chủ sở hữu, PNC cần sớm cắt lỗ, cải thiện các chỉ số tài chính, hoạt động. Nhưng điều đó không hề dễ. Bởi Đại hội cổ đông PNC 2018 đã không thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 110,4 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, trong khi đó “cửa” tiếp cận tín dụng ngân hàng của PNC hiện rất hẹp.

PNC còn đường nào?

Ngày 16/05, HĐQT PNC đã ban hành Nghị quyết số 31, lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án tái cơ cấu vốn để khắc phục khó khăn tài chính và phục vụ phát triển. Thời gian triển khai phương án này đến tháng 7/2018.

Giới quan sát cho rằng với tình trạng hiện tại, cổ đông PNC sẽ phải lựa chọn đảm bảo giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần và “đóng băng” vốn điều lệ của PNC ở mức hiện tại- đồng nghĩa “đóng băng” tình trạng bít cửa trước nợ nần của PNC; hoặc đồng ý cho HĐQT có kế hoạch tiếp tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hay đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ nhằm cải thiện khả năng thanh khoản-trả nợ.

Tuy nhiên, PNC là công ty đại chúng, muốn thực hiện được lựa chọn tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, vẫn phải có quyết định của ĐHCĐ thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán. Có nghĩa là nếu chọn cách này, PNC sẽ phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường.

Tại ĐHCĐ 2018, đã có ý kiến cho rằng PNC cần giải quyết sớm khoản nợ 7 triệu USD do chênh lệch tỷ giá. Khoản nợ này nếu được giải phóng, cũng có nghĩa PNC phải tính toán lại việc sở hữu món tài sản cầm cố là 20% cổ phần CJ-CGV. Ý kiến này khá hợp lý bởi đây đang là khoản nợ lớn của PNC. Dù vậy, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Phó Chủ tịch HĐQT PNC từng khẳng định Cty chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi CGV.

Vấn đề đặt ra là, theo Báo cáo tài chính 2017 của PNC, ngày đáo hạn của khoản vay này đã rất gần (30/6/2018). Cùng với khoản vay 7 triệu USD có lãi suất 4%, PNC còn khoản phải trả ngắn hạn cho Envoy Media Partners khoản tiền mượn để góp vốn vào CJ CGV trị giá 18,192 tỷ đồng.

Như vậy, có thể để duy trì khả năng hoạt động liên tục, PNC phải xin gấp ý kiến cổ đông để có phương án xác định nguồn bổ sung vốn kinh doanh, cùng với đó đàm phán tiếp tục gia hạn được khoản nợ. Một kịch bản “chuyển nợ thành vốn góp” để CJI trở thành cổ đông lớn của PNC, và sợi dây đầu tư chồng chéo với dòng vốn “lòng vòng” giữa bộ ba CJ CGV-PNC- CJJ liệu có thể xảy ra?

 “Khát” nguồn lực mới

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Thanh Năm, với trường hợp cụ thể của PNC, tái cấu trúc vốn mới chỉ là một phần khởi động và bắt buộc của quá trình tái cấu trúc tổng thể.
Có một số giải pháp để PNC cân nhắc tái cấu trúc. Ví dụ như tái cấu trúc phần tài sản, song song là tái cấu trúc nguồn vốn hay tái cấu trúc tài chính, với trọng tâm hướng đến là phải làm giảm bớt áp lực lên dòng tiền và lợi nhuận bằng việc trả bớt nợ vay; cung cấp những nguồn vốn mới cho quá trình tăng trưởng hoạt động của PNC.

Hiện tại, như được biết, PNC đang có rất nhiều hạn chế về cửa huy động lượng tiền mới. Về lý thuyết, Cty vẫn có thể tìm cách hoán đổi nợ thành vốn cổ phần, phát hành trái phiếu chuyển đổi… Điều này sẽ giúp Cty giảm một cách đáng kể các khoản nợ với bên thứ ba và các khoản lãi vay, đồng thời cấp vốn cho quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, nếu quá “bí”, cũng có thể cân nhắc phương án tiếp cận thông qua mua bán nợ với việc tham gia tái cơ cấu của DATC, hoặc hợp đồng nguyên tắc với bên thứ 3, đối tác nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền.

Thị trường xuất bản phẩm và văn hóa phẩm hiện nay có sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư thương mại điện tử với hàng nghìn tỷ đồng như Tiki, Lazada... để đi từ sách đến các hàng hóa khác hoặc ngược lại. Nếu chỉ “ỷ” vào hệ thống phân phối, phát hành, bán lẻ cơ hữu và mạng liên kết hiện tại, không thể giúp PNC tăng trưởng nhanh. Khi đã giải quyết được tái cơ cấu vốn, PNC vẫn tái cơ cấu chiến lược, đầu tư đổi mới công nghệ, bao gồm đầu tư hệ thống bán hàng online, quản trị, nhân lực nhằm tạo ra sản phẩm mới, phương thức phân phối mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới.
“Sớm hay muộn, cổ đông PNC vẫn phải nghĩ đến các biện pháp huy động vốn, nguồn lực mới”, ông Năm nói.

Lê Mỹ