Tham vọng mới của MPC
Việc chuyển sang sàn HoSE, huy động vốn, đầu tư công nghệ để mở rộng vùng nuôi của CTCP Thuỷ sản Minh Phú (MPC)
với tham vọng chiếm 25% thị phần tôm thế giới đang khiến các doanh nghiệp trong ngành nghi ngại. Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2015- 2016, lợi nhuận của MPC đã tăng mạnh trở lại trong năm 2017 và dự kiến vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực trong năm nay.
Bước ngoặt chuyển lỗ thành lãi
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của MPC, doanh thu đạt 3.071 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giảm, lợi nhuận khác gia tăng, nên MPC đã đạt lợi nhuận sau thuế hơn 101 tỷ đồng, tăng 134,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản của MPC đạt 8.322 tỷ đồng, giảm 12,5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn của Cty đạt hơn 6.856 tỷ đồng, giảm 14,6% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả hơn 5.289 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 3.032 tỷ đồng. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của MPC là 174%.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng giai đoạn 2015-2016 kinh doanh của MPC giảm mạnh khi chỉ đạt vài chục tỷ đồng. Sở dĩ như vậy do thời gian đó, giá tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, nhất là Ấn Độ và Indonesia, khoảng 20-30%, rồi chi phí lao động cũng cao hơn. Trong khi đó, đầu ra cũng chỉ cao hơn được khoảng 3-5%.
Tham vọng xuất khẩu 800 triệu USD
Theo Hiệp hội Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong số các doanh nghiệp ngành thuỷ sản, MPC đang dẫn đầu ngành tôm xuất khẩu và đang có một năm kinh doanh thuận lợi nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ nhu cầu tăng nhanh ở các thị trường nhập khẩu lớn.
5.289 tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của CTCP Thủy sản Minh Phú tính đến ngày 31/03/2018.
Năm 2017, MPC đạt sản lượng 55.775 tấn, tăng 31,4% so với năm 2016 và hoàn thành 0,86% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 692,5 triệu USD, tăng 30,5% so với năm 2016 và vượt 1,7% kế hoạch đề ra.
Bước sang 2018, kế hoạch kinh doanh của MPC tham vọng hơn với kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 800 triệu USD, tăng 15%, sản lượng dự kiến đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm, tăng 13% so với 2017; tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 990 tỷ đồng…
Đặc biệt, MPC đặt mục tiêu tăng thị phần tôm thế giới từ 6% hiện nay lên 25% nhằm chi phối quyết định đối với thị trường. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn đối với MPC khi mà doanh nghiệp này hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Trong khi, các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật từ các quốc gia khác.
Thách thức với kế hoạch tăng vốn
Bên cạnh đặt kế hoạch lợi nhuận khả quan, ban lãnh đạo MPC sẽ trình cổ đông một nội dung được đánh giá là quan trọng. Đó là việc đề xuất lần đầu tăng vốn điều lệ sau 10 năm giữ nguyên mức 700 tỷ đồng và trở về sàn HOSE sau 3 năm huỷ giao dịch tự nguyện.
Theo đó, MPC sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng sau khi được ĐHĐCĐ thống nhất. Theo đó, MPC sẽ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 cho cổ đông và phát hành 1,54 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ có chức danh từ Phó giám đốc trở lên hoặc tương đương. Ngoài ra, MPC sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Mục đích của đợt chào bán này nhằm tăng năng lực tài chính cho Cty và bổ sung vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Bởi theo giới phân tích, việc MPC đang sử dụng nhiều vốn vay mà không tăng vốn góp đang khiến rủi ro hoạt động gia tăng bởi thị trường thuỷ sản vốn bấp bênh.
Chuyên gia phân tích VPBS Lý Hải Sinh cho rằng, không riêng gì MPC mà hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đều phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Nếu huy động vốn thành công thì sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng giảm được nợ và giảm chi phí lãi vay. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là sau phát hành, thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có được cải thiện hơn không? Đây chính là thách thức của MPC.
Thách thức xuất khẩu tôm Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2018, xuất khẩu tôm của cả nước ước đạt trên 719 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong số các thị trường xuất khẩu chính, xuất khẩu tôm sang EU vẫn duy trì xu hướng đi lên từ năm 2017. Hiện xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này có nhiều điểm thuận lợi, do tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại thị trường EU) bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nếu giải quyết tốt các vấn đề kháng sinh, truy xuất nguồn gốc và dịch bệnh thì xuất khẩu tôm năm 2018 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2017, đạt mức 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, do nguồn cung và lượng tồn kho tại các nước hiện ở mức cao nên giá bán năm 2018 có thể sẽ không cao, người nuôi sẽ chịu nhiều áp lực về giá thành cũng như giá bán. Ngoài ra, ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới cũng phải đối mặt với thách thức từ thị trường Mỹ. Đầu tháng 3/2018, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1/2/2016- 31/1/2017 lên tới 25,39%. Mức thuế lần này được cho là quá cao so với những lần công bố trước đó. Dù phán quyết sơ bộ chỉ có tính chất tham khảo, nhưng ít nhiều gây tâm lý lo ngại cho cả bên mua lẫn bên bán tôm hiện nay. Thông tin từ VASEP cũng cho biết, mới đây, Tổng thống Mỹ đã ký dự luật ngân sách 2018 trị giá 1,3 nghìn tỷ USD. Theo đó, Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS) sẽ có 9 tháng để áp dụng Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) cho tôm và bào ngư. Do đó, tôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ phải tuân thủ các quy định mới về lưu trữ hồ sơ. |