TTF gánh thêm lỗ hàng trăm tỷ đồng sau soát xét

Nguyễn Long 31/08/2018 04:30

Sau soát xét BCTC bán niên 2018, một số chỉ tiêu tài chính của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) biến động bất lợi khi tăng lỗ thêm 124 tỷ đồng.

Tin xấu tiếp tục hướng tới TTF

Tin xấu tiếp tục hướng tới TTF

Lỗ thêm sau soát xét

Theo BCTC soát xét bán niên hợp nhất năm 2018 của TTF, doanh thu giảm nhẹ 3,7%, chỉ còn 314 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng hơn 50% so với báo cáo tự lập trước đó, dẫn đến lỗ gộp gấp hơn 58 lần, ghi nhận âm 196 tỷ đồng.

Chi phí tài chính và chi phí lãi vay giảm trên 30%, lần lượt ghi nhận 97 tỷ đồng và 79 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% và 3% với 9 tỷ đồng và 439 tỷ đồng.

Kết quả sau soát xét, các khoản lỗ của TTF đều tăng thêm hơn 20%. Trong đó, lợi nhuận trước thuế âm gần 732 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập trước đó chỉ âm 568 tỷ đồng. Lỗ ròng lũy kế 6 tháng đầu năm tăng lên 685 tỷ đồng.

Tại BCTC soát xét bán niên 2018, kiểm toán đã nhấn mạnh khoản lỗ thuần 732 tỷ đồng phát sinh trong kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/06/2018. Cũng tại ngày này, Công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế hơn 2.092 tỷ đồng. Đồng thời, nợ phải trả ngắn hạn của công ty đã vượt tài sản ngắn hạn gần 101 tỷ đồng. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty này.

Có thể bạn quan tâm

  • TTF đã lọt khe cửa hẹp?

    10:22, 02/03/2018

  • TTF chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ

    14:29, 14/12/2017

  • TTF trước nguy cơ hủy niêm yết: Nửa năm có xoay chuyển được tình thế?

    06:10, 19/09/2017

Trong quý 2/2018, Công ty này đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền là 370 tỷ đồng cho các khoản phải thu khách hàng và phải thu về cho vay đã quá hạn thanh toán.

Công ty giải trình rằng, các khoản phải thu này được một số cổ đông cá nhân cam kết bảo lãnh. Tuy nhiên, tại ngày 30/06/2017, các cổ đông cá nhân này và Công ty đã ký biên bản thanh lý Thỏa thuận thu hồi công nợ. Theo đó, các cổ đông cá nhân này không còn nghĩa vụ thu hồi và thanh toán cho các khoản phải thu này. Vì vậy, Ban Giám đốc của TTF đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là không được đảm bảo, nên Công ty phải thực hiện trích lập cho các khoản phải thu này.

Xử lý hàng tồn kho

Vấn đề quan trọng hơn hết có lẽ là cách xử lý hàng tồn kho, phải thu khó đòi và đầu tư ngoài nhà máy chính với số dư 1.754 tỷ đồng (sau trích lập dự phòng). Đây có thể tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TTF trong các quý tiếp theo, hoặc trong năm tới, nếu Công ty không quyết liệt làm sạch tới cùng các tài sản đang sở hữu và lành mạnh hóa báo cáo tài chính.

Việc trích lập dự phòng sốc với các khoản phải thu là một tín hiệu cho thấy, TTF đang nỗ lực phơi bày những mảng xám trong báo cáo tài chính. Nhưng nỗ lực làm sạch tài sản là một chuyện, tương lai TTF sẽ đi về đâu, liệu có khởi sắc trở lại hay không lại là chuyện khác.

Với 123 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2018, TTF đang có doanh thu hoạt động ở mức rất thấp. Tính trong 10 năm trở lại đây, mức doanh thu này chỉ cao hơn doanh thu quý III/2016, còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung các quý khác.

Con số này có thể không phản ánh hết thực tế hoạt động của TTF, nhưng khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại về tương lai Công ty, khi hàng tồn kho lớn, hoạt động kinh doanh bế tắc.

Theo ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc TTF, hướng xử lý thanh lý hàng tồn kho là TTF thực hiện phân loại hàng tồn kho thành nhóm tương đương chất lượng, cùng giá trị, nhóm nhỏ để có nhiều người mua. Một số hàng tồn kho bị ngân hàng nắm giữ, TTF chỉ lấy được khi trả được nợ, khi đó mới thực hiện phân loại để bán.

Dự kiến lô hàng tồn kho nguyên liệu giá trị 316 tỷ đồng và tồn thành phẩm 46 tỷ đồng sẽ được đấu giá rộng rãi. Song, một số nguyên liệu sẽ giữ lại để TTF sử dụng.

Việc thoái vốn ngoài ngành cũng được thực hiện quyết liệt do trước đây TTF thực hiện vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Trong quý 2 vừa qua, TTF đã chấp nhận lỗ khi thoái vốn khỏi CTCP Phú Hữu Gia và Công ty Nông Lâm nghiệp Trường Thành với giá trị gần 58 tỷ đồng.

Trên sàn, giá cổ phiếu TTF hiện giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong lịch sử, quanh 3.480 đồng/cp, tức giảm 91% so với đạt đỉnh trên 38.000 đồng/cp (năm 2016). Tính riêng từ đầu năm thì giá trị TTF đã bốc hơi 55%, khối lượng giao dịch bình quân đạt 690.000 cp/phiên.

Nguyễn Long