GAS lỡ cơ hội hút vốn

Phương Hà 21/10/2018 03:10

Công ty chứng khoán SSI ước tính 8.100 tỷ đồng là tổng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2018 của GAS.

Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lùi thời hạn thoái vốn Nhà nước tại Tcty Khí Việt Nam (HoSE: GAS), có thể kéo dài sau năm 2020, khiến doanh nghiệp này lỡ cơ hội hút vốn của nhà đầu tư chiến lược để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Mới đây, PVN có công văn gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2017 – 2025, trong đó tập đoàn cho biết sẽ lựa chọn thời điểm thoái vốn tại GAS để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất và có thể sẽ kéo dài sau năm 2020.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của GAS

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của GAS

Hưởng lợi từ giá dầu

Cty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ước tính doanh thu thuần quý 3 của Cty mẹ GAS đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận ròng cũng tăng 32% đạt 2.500 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm nay, GAS ước ghi nhận doanh thu thuần tăng 17% đạt 51.100 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 36% đạt 8.100 tỷ đồng.

Theo SSI, doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay của GAS tăng mạnh nhờ giá dầu thô lên cao; cước phí vận chuyển, thu gom khí trung bình từ bể Cửu Long tăng 52%; và giá dầu nhiên liệu tính đến quý 3 tăng 32%, đạt trung bình 400 USD/tấn.

Giá dầu thế giới Brent lên 86,3 USD/thùng vào ngày 3/10, gấp hai lần mức giá được ghi nhận vào giữa tháng 6/2017. Giá dầu thô được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi Mỹ tái trừng phạt ngành dầu mỏ của Iran kể từ ngày 4/11 tới. Hơn nữa, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng ổn định 1,4 – 1,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2018 – 2019.

Với triển vọng giá dầu như vậy, SSI nâng dự báo giá dầu nhiên liệu lên 400 USD/tấn vào năm nay và 450 USD/tấn vào năm 2019.

Từ những nhận định trên, các chuyên gia dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của GAS ước đạt 17,7% và 14,9% lần lượt trong năm nay và năm 2019.

Kỳ vọng ở mảng kinh doanh mới

Trong cơ cấu doanh thu của GAS có hai nguồn thu chủ đạo từ bán khí thô và bán khí hóa lỏng LPG. Trong các năm gần đây, tỷ trọng bán khí thô trên tổng doanh thu của GAS đã giảm từ 60% năm 2016 về 51% trong nửa đầu năm 2018, ngược lại, tỷ trọng bán LPG tăng dần từ 30,4% lên 34%.

8.100 tỷ đồng là tổng lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2018 của GAS theo ước tính của Cty Chứng khoán Sài Gòn-SSI.

Trong bối cảnh thị trường LPG ngày càng cạnh tranh khốc liệt, từ năm 2016, GAS bắt đầu triển khai chiến lược bán lẻ LPG. Đến cuối 2017, GAS đã tạo lập được chuỗi gần 100 cửa hàng cung cấp LPG trực tiếp và hệ thống phân phối với hơn 2.000 tổng đại lý/đại lý bán lẻ. Ngoài ra, GAS đang nghiên cứu phát triển hệ thống bán lẻ LPG tại Lào và Campuchia. Về bán buôn LPG, GAS có gần 50 khách hàng trong nước, hơn 10 khách hàng nước ngoài.

Ngoài ra, mảng kinh doanh CNG (khí nén thiên nhiên) và condensate (khí ngưng tụ) cũng liên tục tăng trưởng mạnh. Nửa đầu năm 2018, doanh thu bán CNG đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 43% và doanh thu bán condensate đạt 584 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước. Cả hai mảng kinh doanh này đều đem về biên lãi gộp trên 30% cho GAS.

Thách thức khi Nhà nước thoái vốn

Theo kế hoạch ban đầu, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ GAS từ 95,76% xuống 65% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2019. Theo đó, tỷ lệ thoái vốn Nhà nước tại GAS trong đợt này là 30%, tương ứng 587 triệu cổ phiếu. Với mức giá đóng cửa 117.000đ/cp vào ngày 16/7, tổng số tiền Nhà nước thu về khoảng 60 ngàn tỷ đồng.
Sau thoái vốn, tuy PVN vẫn giữ tỷ lệ chi phối GAS, nhưng con số 30% cũng rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư chiến lược. Do đó, việc PVN nhả “con gà đẻ trứng vàng” được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài tương tự như các thương vụ thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh…

Ban lãnh đạo GAS kỳ vọng, sau khi PVN thoái vốn sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với các cổ đông, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược. Đây được coi là chiến lược dài hạn, không hút thêm nguồn vốn cần thiết mà GAS còn tiếp cận các công nghệ hiện đại, kỹ năng quản trị tiên tiến từ các cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, việc PVN lùi thời gian thoái vốn tại GAS sẽ khiến doanh nghiệp này bỏ lỡ cơ hội hút vốn đầu tư ngoại khi hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư đang muốn rót vốn vào ngành dầu khí Việt Nam. Hơn nữa, từ nay đến 2020, PVN sẽ thoái vốn tại PVD, PET, PVE, PV-DMC… Đây cũng chính là thách thức của GAS khi cổ phiếu này có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh cùng nhóm ngành.

Triển vọng cổ phiếu dầu khí

Công ty Chứng khoán- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý 4/2018 với những đánh giá khả quan về nhóm cổ phiếu dầu khí.

Theo BSC, giá dầu thô thế giới đang trong xu hướng tăng mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019. Triển vọng lạc quan đối với ngành dầu khí xuất phát từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu khí của Iran dự kiến có hiệu lực từ ngày 04/11 sắp tới, qua đó sẽ làm giảm một phần nguồn cung dầu thế giới. Theo đó, xuất khẩu dầu thô của Iran được dự báo sẽ giảm khoảng 19% so với mức bình quân trong 7 tháng đầu năm 2018.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA) dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2018 ở mức 73 USD/thùng và sẽ tăng lên 74 USD/thùng trong năm 2019. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí.

Có thể nói, với triển vọng giá dầu sẽ duy trì tại mức hiện tại và có khả năng tiếp tục xu hướng tăng trong tương lai, kết quả kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp dầu khí được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ do yếu tố đặc thù của ngành. Ngoài ra, trong năm 2019, PVN tiếp tục thực hiện 3 dự án chính trong năm 2018: Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (Nam Côn Sơn 2), dự án Sư Tử Trắng – Giai Đoạn 2, Lô B Ô Môn. Nếu các dự án này thực hiện đúng tiến độ và đem lại hiệu quả cao thì các doanh nghiệp dầu khí sẽ được hưởng lợi.

BSC cho biết, kết quả kinh doanh của ngành dầu khí Việt Nam đang có mức độ phân hóa khá mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận chuyển/phân phối khí có kết quả kinh doanh khả quan hơn, hưởng lợi từ giá dầu tăng lên.

Những dự báo trên cho thấy, các cổ phiếu dầu khí, như GAS, PVD, PVS, PVB, BSR, PLX, OIL… có thể sẽ tiếp tục “thăng hoa” trong năm tới, với thanh khoản dồi dào, tham gia dẫn dắt đà tăng chung của chỉ số.

Phương Hà