MWG sau cú sốc tin đồn
CTCP Thế giới Di Động không phải là doanh nghiệp đầu tiền trên sàn niêm yết và trong nền kinh tế chịu thất thiệt về tin đồn.
Song với doanh nghiệp “anh Cả” ngành bán lẻ điện tử, thì tin đồn này vẫn đủ sức tạo tín hiệu tiêu cực.
MWG đã bị “bốc hơi” vốn hóa hàng trăm tỷ đồng chỉ sau vài phiên giao dịch khi xuất hiện tin đồn về việc rò rỉ thông tin tài khoản của khách hàng giao dịch mua hàng tại Thế giới Di động và Điện máy Xanh.
Vốn hóa “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng
Trong 2 phiên giao dịch sau tin đồn nói trên, cổ phiếu MWG giảm 5,4%, tương đương 6.000 đồng/cp. Chốt phiên cuối tuần trước, cổ phiếu này chỉ còn được giao dịch với giá 106.000 đồng/cp, giảm 6.500 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Nếu so với giá cổ phiếu này cách đây chỉ 1 tháng, MWG đã mất gần 30% giá trị từ những đợt suy giảm, bất chấp MWG khẳng định việc bị lộ thông tin khách hàng là giả và mọi thông tin của khách hàng vẫn được bảo mật.
Trước đó ngày 9/11, Cục An toàn thông tin-Bộ TT&TT cũng khẳng định thông tin về người dùng bị công bố không phải do tấn công mạng vào MWG. Ngoài ra, NHNN cũng cho biết chưa ghi nhận trường hợp khách hàng của ngân hàng có liên quan trong vụ việc này bị lộ thông tin thẻ, cũng như bị khai thác, chiếm đoạt tài khoản.
1.969
tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, giúp Cty hoàn thành 76% kế hoạch năm.
Khẳng định nói trên của MWG được đưa ra sau vụ rò rỉ đợt đầu và cánh hacker dường như quyết tâm đưa ra bằng chứng củng cố hơn nghi vấn rò rỉ thông tin bằng đợt tung các khối dữ liệu tiếp theo trên diễn đàn raidforums.com, châm ngòi cho cuộc tranh luận giữa giới công nghệ xem liệu khối dữ lệu này thực hay hư, và giới luật sư với việc MWG có thể bị liên đới trách nhiệm với người tiêu dùng hay không… Tuy nhiên, điều đó đã không làm sao nhãng sự tập trung đôi khi là nhạy cảm của nhà đầu tư. Việc vốn hóa của MWG giảm mạnh khiến nhà sáng lập kiêm ông chủ lớn nhất của MWG cũng “bốc hơi” tài sản cổ phiếu, ước tính khoảng trên 300 tỷ đồng.
Vận đen của MWG có thể chưa chấm dứt khi theo giới chuyên môn, MWG rồi đây sẽ còn phải hứng chịu nghi vấn của nhà đầu tư về năng lực phòng ngừa rủi ro thông tin và kiểm soát tin đồn - điều mà có vẻ như trước nay, MWG vẫn chưa thực sự coi trọng.
MWG có bị ảnh hưởng lâu dài?
Tính đến tháng 8/2018, doanh thu hợp nhất của MWG đạt 58.667 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 1.969 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch 2018. Trong đó, doanh thu đến từ hệ thống Điện Máy Xanh, Thế giới Di động và Bách hóa Xanh lần lượt đạt 32.425 tỷ đồng (+78%YoY); 23.828 tỷ đồng (+2%YoY) và 2.372 tỷ đồng (+251%YoY). Mặc dù Bách Hóa Xanh có tăng trưởng thấp nhất so với các chuỗi khác nhưng theo dự phóng, đây sẽ là động lực tăng mới của MWG khi tiềm năng của mảng hoạt động này còn tích cực.
Một điểm ít được chú ý, MWG đã đầu tư cho vuivui.com. Thử nghiệm này chưa được MWG ghi nhận kết quả doanh thu cụ thể, nhưng nếu so chi phí đầu tư của Bách Hóa Xanh, ước tính mỗi cửa hàng vào khoảng 250 triệu đồng, Bách Hóa Xanh có thể sẽ đạt điểm hòa vốn nếu doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng với giả định biên lợi nhuận gộp đạt 18%, thì việc đầu tư cho vuivui.com hoàn toàn là cần thiết. Nếu “dám làm dám chịu” rủi ro, đây sẽ là nền tảng bán chéo tích cực đối với mọi chuỗi/ngành hàng của MWG.
Nhắc đến vuivui.com, để lại thấy câu chuyện bảo mật thông tin khách và quản trị, ứng xử với tin đồn đã và sẽ là trọng yếu trong công tác quản trị và kinh doanh của MWG hiện nay lẫn tương lai, khi Cty sẽ kinh doanh ngày càng nhiều hơn, rộng hơn trên không gian số. Giới đầu tư “đồn đoán” rằng, vụ “thông tin thất thiệt” về rò rỉ thông tin khách hàng của MWG có thể gây bất lợi cho giá cổ phiếu của Cty nếu thị trường tiếp tục giảm sâu và nhà đầu tư sẽ bắt buộc phải sàng lọc kỹ hơn các mã cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình. Điều này, dĩ nhiên, cũng phụ thuộc vào phản ứng hay mức độ, động cơ tiếp theo của nhóm hacker đã tung các “thông tin thất thiệt” này. Dù MWG có cốt lõi khá xanh, vẫn khó tránh rủi ro nhất định.
Cần kịch bản ứng phó tin đồn Rủi ro tin đồn là nỗi ám ảnh chung của rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường. Đã có không ít doanh nghiệp phải hứng chịu “bốc hơi” vốn hóa và thị giá cổ phiếu chỉ sau 1 đêm tin đồn vô căn cứ. Tin đồn thường gây ảnh hưởng không nhỏ ở góc độ cá nhân các nhà cổ đông đồng chủ sở hữu, điển hình là vụ tin đồn ông chủ -Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long qua đời hồi tháng 5/2018. Vì độ vô căn cứ, bất ngờ, có dụng tâm hoặc không của kẻ tung tin đồn và khả năng phát tán trong không gian mạng xã hội lớn, các doanh nghiệp nói chung đều luôn cần kịch bản ứng phó với tin đồn và các rủi ro đi kèm. Tuy nhiên, ghi nhận chung cho thấy phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang ứng phó với tin đồn theo kiểu đối phó với khủng hoảng truyền thông, không xem đây xem đây là một loại quản trị thông tin cần có kịch bản dự phòng và ứng phó đặc biệt liên quan đến bộ phận quản trị IR - quan hệ nhà đầu tư, nếu đó là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Một chuyên gia đánh giá, các đối tượng chịu nhiều rủi ro tin đồn nhất trên thị trường hiện nay là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng, kế tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng bán lẻ. Nguyên do các doanh nghiệp này có đặc điểm chung là đang sở hữu tài sản lớn nhất, chính là hệ thống mạng lưới khách hàng, có thể bao gồm các thông tin của các khách hàng. |