Lênh đênh phận QCG
Kinh doanh bết bát, tồn kho nhiều, nợ vay lớn... đã và đang khiến CTCP Quốc Cường Gia lai (HoSE: QCG) gặp rất nhiều khó khăn, cổ phiếu liên tục “lao dốc”, giảm tới 60% từ đầu năm 2018 đến nay.
Sau khi thông tin lãnh đạo QCG từ nhiệm, cổ phiếu của Cty này đã giảm mạnh. Đặc biệt trong thời gian qua, giá cổ phiếu QCG liên tục “dò đáy”.
Cổ phiếu rớt thảm
Với tình hình kinh doanh bết bát, giá cổ phiếu QCG đã giảm gần 60% so với hồi đầu năm nay. Đến trưa ngày 22/11, giá cổ phiếu QCG chỉ còn 5.700đ/cp. Đặc biệt, cổ phiếu này rớt thảm khi chiều ngày 16/11 vừa qua, QCG bất ngờ công bố thông tin ông Nguyễn Quốc Cường- con trai Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Như Loan- từ nhiệm khỏi vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Cùng ngày, HĐQT cũng quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc QCG đối với ông Cường.
Được biết, thông tin ông Cường rút chân khỏi QGC được đưa ra ngay sau nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến dự án Phước Kiển, đi cùng với tình hình kinh doanh tương đối khốn khó của doanh nghiệp.
Hiện tại, ông Nguyễn Quốc Cường chỉ nắm giữ 537.500 cổ phiếu (0,2% vốn của QCG), khá ít so với hơn 37,05% cổ phần QCG của mẹ ông Cường là bà Nguyễn Thị Như Loan cũng như 14,32% cổ phần QCG của em gái ông Cường là bà Nguyễn Ngọc Huyền My.
Như vậy đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan và những người liên quan tại QCG đang sở hữu 160 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng hơn 58% vốn của doanh nghiệp này.
Doanh thu giảm mạnh
Kết thúc quý 3, doanh thu của QCG đạt 82 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2017, doanh thu giảm 30%, còn lợi nhuận chưa bằng 1%. Một trong những nguyên nhân khiến doanh thu giảm mạnh là do trong kỳ QCG chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng, còn lợi nhuận giảm mạnh do quý 3 năm ngoái Cty chuyển nhượng đầu tư tài chính trị 200 tỷ đồng.
58 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế của QCG trong 9 tháng đầu năm 2018, giảm tới 88% so với cùng kỳ năm 2017.
Sau 9 tháng, doanh thu của QCG đạt 519 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 58 tỷ đồng, giảm tương ứng 24% và 88% so với cùng kỳ 2017. Như vậy, QCG mới hoàn thành 29% doanh thu và 18% lợi nhuận.
Trong giai đoạn 2011-2017, doanh thu của QCG biến động khá mạnh. Sau khi đạt 1.588 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2015, doanh thu của QCG lại giảm 46% trong năm 2017, đạt 857 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2017 lại tăng mạnh, đạt 406 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với năm 2016, do QCG thoái vốn tại CTCP BĐS Hiệp Phú & Cty TNHH Sparkle Value Home.
QCG từng được biết đến là một "đại gia" bất động sản (BĐS), nhưng trong những năm gần đây, doanh thu từ hạng mục này giảm mạnh. Bên cạnh đó, QCG còn kinh doanh cả mảng thủy điện, đây từng được Cty đặt làm trọng tâm trong bối cảnh kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Cty cũng có nông trường cao su, đến ngày 30/9/2018 ghi nhận hơn 226 tỷ đồng chi phí dở dang.
Hàng tồn kho lớn
Tính đến thời điểm 30/9/2018, tổng tồn kho của QCG ghi nhận 7.297 tỷ đồng, tăng gần 5,5% so với mức 6.917 tỷ đầu kỳ, tức hàng tồn đang chiếm đến hơn 73% giá trị tài sản ngắn hạn. Chi tiết tồn kho, BĐS dở dang chiếm đến 94% với hơn 6.848 tỷ đồng, trong đó dự án Phước Kiển ghi nhận đến 4.803 tỷ đồng. Được biết, Phước Kiển là dự án "ngốn" nhiều nhất các khoản vay tại QCG, dự án được hạch toán vào báo cáo tài chính của QCG từ năm 2009 với tên gọi Dự án đất nền Phước Kiển, giá trị dở dang hiện là 762 tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng nợ của QCG đến cuối quý 3 ghi nhận 8.379 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu kỳ. Đáng chú ý, hầu hết dự án BĐS, thủy điện hay nông trường cao su đều được mang đi thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn. Mặt khác, Cty còn đang "mượn" đến 1.437 tỷ đồng từ các cá nhân và các người liên quan... Trong giai đoạn tới, QCG sẽ tập trung đầu tư mảng BĐS dịch vụ sinh lợi, tức là tìm kiếm một số khách sạn đang hoạt động tốt để mua lại hoặc xây dựng các dự án cùng loại để gia tăng doanh thu bền vững.
Tuy nhiên, lịch sử kinh doanh trong những năm trở lại đây của QCG không mấy khả quan cũng gây cho nhiều cổ đông hoài nghi về các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận vừa được đề ra cho năm nay. Đây cũng chính là thách thức của QCG trong bối cảnh kinh doanh không mấy sáng sủa khi giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh dưới giá trị sổ sách…
Triển vọng bất động sản cuối năm Theo Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), tổng lượng cung nhà ở chung cư và nhà ở gắn liền với đất trong 9 tháng đầu năm trên cả nước là trên 100.000 sản phẩm, tăng gần 20.000 sản phẩm so với cả năm 2017. Bên cạnh đó, tổng lượng giao dịch BĐS nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 50.756 sản phẩm. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VNREA cho hay: “Với nhu cầu thực chất sử dụng BĐS ngày càng tăng rõ rệt, thị trường này đang phát triển bền vững. Minh chứng rõ nhất là tại Hà Nội và TP.HCM, hiếm dần các hoạt động mua đi bán lại của các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ. Giá BĐS tại hai khu vực này nhìn chung cũng ổn định, tỷ lệ hấp thụ tương đối cao. Theo ông Chiến, trong quý IV/2018 nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt. Trong đó, nguồn vốn FDI có thể sẽ được đổ vào Việt Nam tốt hơn, bởi có hiện tượng các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Hơn nữa, quý IV/2018 cũng là thời điểm Việt Nam nhận được nguồn vốn kiều hối mạnh nhất trong năm. Trong khi tương quan so sánh giữa các hình thức đầu tư như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, tiền gửi ngân hàng,… thì BĐS vẫn là kênh đầu tư tốt. Trong quý IV/2018, các doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục đưa ra các chủng loại sản phẩm đa dạng. Do đó, lượng giao dịch được dự báo sẽ tăng mạnh nhất trong năm và nhiều hơn so với quý IV/2017. |