C4G lên sàn UPCoM có gì hấp dẫn?
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch 100 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Cienco4 (UPCoM: C4G).
Theo đó, cổ phiếu C4G sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM vào ngày 10/12 sắp tới, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 14.000 đồng/cổ phiếu.
Áp lực trả nợ lớn
Theo BCTC hợp nhất giữa niên độ năm 2018 của C4G, doanh thu thuần đạt 1.175 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm 80,51% doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 228,4 tỷ đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Cienco4 đạt 71,9 tỷ đồng, giảm 7,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Dù có lãi, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 308 tỷ đồng, do các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 2.038 tỷ đồng lên mức 2.604 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
“Làm xiếc” trên khu đất vàng tại TP Vinh (KỲ I): Cienco4 Land “cầm đèn chạy trước ô tô”?
14:35, 24/10/2018
Tính đến ngày30/6/2018, các khoản vay nợ của C4G lên tới 4.063 tỷ đồng, cao hơn khoảng 4 lần so với vốn chủ sở hữu. Với tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao, trong khi lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh âm, nên áp lực trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng của C4G là rất lớn, nhất là khi lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Để giảm vay nợ, C4G đang có kế hoạch ưu tiên dùng vốn tự có cho các dự án mới và hạn chế đi vay. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến sẽ giảm 600 tỷ đồng dư nợ đến hết tháng 12/2018.
Cơ sở để giảm dư nợ của C4G chính là nguồn tiền đến từ dự án Bến Thành – Suối Tiên; mở bán dự án 61 Nguyễn Trường Tộ; thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục 2; chuyển nhượng dự án Long Sơn 1-5; chuyển nhượng trụ sở cũ …
Đẩy mạnh đầu tư các dự án BOT
Hiện nay C4G đang hoạt động trong các lĩnh vực chính gồm thi công xây lắp, tổng thầu các dự án BOT và đầu tư bất động sản thông qua các dự án BT.
Cơ cấu cổ đông của C4G gồm 3 tổ chức chiếm 56% vốn cổ phần của Công ty, bao gồm CTCP Xây dựng Dũng Hưng (21%), CTCP New Link (21%), Công ty TNHH Đầu tư Thương Hội (14%); cổ đông nội bộ (8%), còn lại là cổ đông khác (36%).
Về hoạt động đầu tư, C4G đang triển khai 16 dự án trị giá 10.422 tỷ đồng. Trong đó 80% dự án là đấu thầu quốc tế.
Trong những năm qua, doanh thu của C4G có xu hướng giảm mạnh. Năm 2015, doanh thu của C4G đạt 6.147 tỷ đồng, nhưng đến năm 2017 giảm xuống chỉ còn 4.094 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tăng trưởng doanh thu của C4G khoảng 6% mỗi năm và đến năm 2022 dự kiến sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ngoài mảng xây lắp và thi công cơ sở hạ tầng, C4G bắt đầu đẩy mạnh sang đầu tư vào các dự án BOT giao thông. C4G đang có 4 dự án BOT, đều có năm kết thúc thu phí ngắn nhất vào năm 2027.
Tuy nhiên, các dự án BOT của C4G đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, thủ tục quyết toán… Do đó, HĐQT C4G đã quyết định dừng triển khai các dự án không khả thi và tập trung quyết toán các dự án BOT giao thông như: Dự án Thái Nguyên - Chợ Mới; Dự án Mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát; Dự án Nam Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh; Dự án Quốc lộ 38 từ cầu Yên Lệnh đến ngã tư Vực Vòng…
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn kinh doanh ở mảng văn phòng cho thuê, nhưng doanh thu từ mảng này không đáng kể.
Đối với mảng bất động sản, doanh thu của C4G từ mảng này chỉ chiếm khoảng 10% trong cơ cấu doanh thu.
Trong giai đoạn 2019-2021, C4G dự kiến sẽ chuyển nhượng một số dự án. Trong đó, dự án Long Sơn 1, 2, 3, 4 với lợi nhuận dự kiến đạt 170 tỷ đồng. Với dự án Long Sơn 5, lợi nhuận dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Ngoài ra, C4G dự kiến thu 50 tỷ đồng từ chuyển nhượng dự án Khu du lịch Cầu Cau cho đối tác Hàn Quốc.