Doanh nghiệp thép "ứng xử" với nợ vay
Bức tranh 2018 của một số doanh nghiệp thép lớn khá đượm gam màu tối. Doanh nghiệp thép cần ứng phó như thế nào để vượt qua thử thách đến từ những biến động bên ngoài?.
Giá thép cán nóng liên tục biến động khó lường, ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại khiến thị trường xuất khẩu gặp muôn vàn khó khăn. Điều này đẩy thị trường nội địa vào tình thế cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước, thêm vào đó là hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào khiến nguồn cung vượt xa cầu. Đây là thực trạng chung giống như một cơn “sóng dữ” mà bất cứ doanh nghiệp nào trong ngành thép đều phải đối mặt.
Đầu tư đi cùng nợ
Theo đó, các ông lớn của ngành như Hòa Phát hay Hoa Sen Group đều gặp khó khăn nhất định. Đòn bẩy giúp Thép Hoà Phát ứng phó và đặt tầm nhìn tăng trưởng dài lâu ngay trong giai đoạn khó khăn ở 2018 và vận hành dự án nhà máy thép tại Khu Liên hợp Dung Quất. Dự án này được Hòa Phát gửi gắm kỳ vọng làm tăng doanh thu và lợi nhuận tương ứng cho Hòa Phát, theo tỷ lệ từ chỗ "là người 1m7 sẽ cao lên 3m4", và làm đòn bẩy để tiến vào thị trường Trung và Nam, từ chỗ Hòa Phát hiện tại chủ yếu tiêu thu thép tại miền Bắc tới 65%.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao hàng loạt giá cổ phiếu ngành thép phá đáy?
11:15, 03/12/2018
Giải pháp bền vững cho ngành thép
06:06, 27/11/2018
Ngành thép lại lao đao
00:46, 15/10/2018
Ngành thép Việt Nam: làm gì để biến thách thức thành cơ hội?
10:17, 18/09/2018
Ngành thép liên tiếp đón “hung tin”
07:00, 28/07/2018
Ngành thép "gồng mình" về đích
11:23, 16/07/2018
Ngành thép cần chuẩn bị gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại?
05:34, 08/07/2018
Triển vọng của ngành thép Việt
10:28, 04/07/2018
Để có được "cơ ngơi" kỳ vọng, quy mô nợ vay của Hòa Phát đã tăng rất mạnh. Báo cáo tới ngày 30/9 của Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tổng giá trị đầu tư xây dựng tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất lên tới 19.802 tỷ đồng, xấp xỉ 900 triệu USD. Một nửa số tiền đầu tư này được giải ngân trong quý 3 vừa qua, khi giai đoạn 1 của dự án đang đi vào giai đoạn cuối. Hòa Phát dự kiến đưa vào hoạt động dây chuyền đầu tiên tại dự án này vào đầu năm sau.
Toàn bộ dự án tại Dung Quất có quy mô đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cố định khoảng 40.000 tỷ đồng, dự kiến được vận hành toàn bộ vào cuối năm 2019. Một phần nguồn vốn của Hòa Phát đã được huy động từ phát hành cổ phiếu vào 2017. Theo kế hoạch, nửa số vốn đầu tư cố định của dự án (khoảng 20.000 tỷ đồng) sẽ được vay từ các ngân hàng. Trong 9 tháng đầu năm nay, vay nợ của tập đoàn đã tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn.
Việc tăng vay nợ để đầu tư vào dự án mới, cộng với quy mô vay nợ lớn trước đó để phục vụ nhu cầu vốn lưu động đã đẩy tổng giá trị các khoản vay ngân hàng của Hòa Phát lên hơn 22.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 31% tổng tài sản của tập đoàn. Đồng thời chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm cũng tăng thêm 14% lên 394 tỷ đồng. Theo tính toán, quy mô vay nợ của Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng khi dự án Dung Quất dần hoàn thiện và đi vào vận hành toàn bộ.
Đầu tư mạnh, chấp nhận khó khăn và thậm chí nặng gánh chi phí nợ vay để củng cố sức mạnh nền tảng, giữ thị phần và làm đòn bẩy tăng trưởng cho tương lai, cũng là cách đi mà Hoa Sen Group thực hiện.
Tập đoàn này cho biết trong vòng 3 năm qua, với chiến lược nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng các sản phẩm tôn thép, nhựa cho thị trường, nhằm tạo nền tảng phát triển dài hạn, đồng thời nắm bắt cơ hội vay với lãi suất thấp, Hoa Sen đã tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy mới trên toàn quốc và mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Sen đã đầu tư và đưa vào hoạt động 11 nhà máy trên cả nước và sở hữu gần 500 chi nhánh trên cả nước, tăng gấp 2,5 lần so với con số 190 chi nhánh vào năm 2015. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hệ thống sản xuất và phân phối, tạo nền tảng vững chắc cho Tập đoàn Hoa Sen phát triển trong dài hạn.
Dĩ nhiên, không có "cơ ngơi" nào được dựng mà không phải chi phí. Đầu tư luôn đi đôi với việc chi phí nợ vay tăng lên đáng kể. Tới cuối quý 3/2018, tổng dư nợ vay của Hoa Sen lên tới hơn 15.880 tỷ đồng với 12.420 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.460 tỷ đồng nợ dài hạn, gấp hơn 4 lần mức vốn góp chủ sở hữu 3.850 tỷ đồng.
Nỗ lực giảm nợ
Trong khi thị trường khá quan ngại về nợ vay của doanh nghiệp thép, Tập đoàn Hoa Sen cho biết họ đã tập trung giảm mạnh chi phí nợ vay, với những “chiến lược thần tốc”. Những chính sách thiết thực mà Ban lãnh đạo Hoa Sen đưa ra, là:
Thứ nhất, giảm chi phí lãi vay bằng cách giảm hàng tồn kho, định mức tồn kho ở mức tối thiểu.
Thứ hai, giảm chi phí bán hàng bằng cách tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, tối ưu hóa chi phí hoạt động của từng chi nhánh, tạm dừng việc mở thêm các chi nhánh mới nhằm đánh giá hiệu quả và phát huy năng lực các chi nhánh hiện có.
Thứ ba, tinh gọn bộ máy nhân sự, đưa vào vận hành thành công hệ thống ERP nhằm tiết giảm chi phí nhân sự và quản lý bộ máy doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp.
Thứ tư, nhận thấy tiềm năng thị trường bất động sản và du lịch thời điểm hiện tại không như kỳ vọng, Tập đoàn Hoa Sen thu gọn các dự án đầu tư trái ngành bằng việc quyết định tạm dừng đầu tư các dự án bất động sản như chấm dứt dự án Khu du lịch sinh thái đầm Vân Hội, Yên Bái; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân, Bình Định,…, đồng thời chuyển nhượng những vị trí đất dự kiến đầu tư bất động sản với mức giá có lãi để thu hồi vốn, cụ thể là chuyển nhượng bất động sản tại đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B, Quận 9, TP. HCM.
Bằng những hoạt động tích cực như vậy, Tập đoàn Hoa Sen đã giảm nợ vay từ 15.885 tỷ đồng (30/6/2018) xuống còn 12.745 tỷ đồng (tháng 11/2018). Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Tập đoàn Hoa Sen đã giảm được nợ vay hơn 3.140 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hoa Sen cũng cho biết kết quả niên độ tài chính 2017-2018 của Tập đoàn khá tích cực với: Sản lượng đã vượt mốc 1,8 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng, trong đó mức tăng trưởng lần lượt là 13% và 32% so với niên độ trước. Điều đáng chú ý là cả doanh thu nội địa và doanh thu xuất khẩu đều tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, doanh thu nội địa đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng, tăng 34%; doanh thu xuất khẩu đạt hơn 538 triệu USD, tăng 27% so với niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen trong niên độ vừa qua đạt 410 tỷ đồng.
Đại diện Hoa Sen khẳng định tuy không đạt được mức kỳ vọng như những năm trước nhưng đây vẫn là một kết quả đáng ghi nhận thể hiện sự nỗ lực của Tập đoàn trong bối cảnh ngành thép đối mặt với những thách thức lớn trên cả hai “mặt trận” khó khăn từ cả nội địa lẫn xuất khẩu. Doanh nghiệp của ông vua Tôn thép Lê Phước Vũ vẫn tự tin khẳng định thành công vị trí thứ 2 mặt hàng ống thép với 17,8% thị phần (Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam 09 tháng đầu năm 2018). Ngoài ra, Hoa Sen đang vươn lên và có thể nhắm ngôi đầu khi trở thành một trong 03 doanh nghiệp dẫn đầu ngành ống nhựa.
Như vậy có thể thấp trong áp lực nợ vay đè nặng, các doanh nghiệp vẫn đã và đang ở thế chủ động. Việc thay đổi gam màu tối bức tranh kinh doanh với những tín hiệu sáng, cho thấy nỗ lực nói chung và khả năng ứng phó với mọi khó khăn của các doanh nghiệp đầu ngành trên thương trường. Năm 2019 liệu đã sáng hơn với những ông lớn đang ngày càng phình to quy mô và áp lực cạnh tranh càng lớn? Chúng ta sẽ chờ xem!