NKG “phá đáy” vì đâu?
Áp lực bán tháo lớn khiến cổ phiếu của CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã liên tục xuyên thủng đáy trong thời gian vừa qua và đà giảm của NKG vẫn chưa dừng lại.
Từ tháng 4/2018 đến nay, giá cổ phiếu NKG đã giảm 44% xuống 8.800 đồng/cp (phiên ngày 5/12), khiến vốn hoá của NKG “bốc hơi” gần 4.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu NKG đã giảm 80%.
Nhà đầu tư bán tháo
Đà giảm mạnh của NKG đã cuốn trôi mọi thành quả của NKG đạt được trong suốt nhiều năm qua. Đây không còn là điều chỉnh kỹ thuật thông thường, mà có thể nói cổ phiếu NKG đã và đang bước vào xu hướng giảm điểm.
Trong quá khứ, cổ phiếu NKG đã từng “vượt khó” một cách ngoạn mục, từ một cổ phiếu chào sàn với mức giá gần 3.400 đồng/cp, thậm chí 3 năm sau niêm yết NKG vẫn chưa một lần giao dịch trên mốc 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đến giữa năm 2016, NKG đã có “bước nhảy vọt”, số phiên giao dịch đạt 1 triệu đơn vị xuất hiện nhiều hơn, giá cổ phiếu bật lên mốc 30.000 đồng/cp. Sau đó, NKG chạm mức cao nhất trong lịch sử tại 45.200 đồng/cp ngày 10/01/2018.
Việc cổ phiếu NKG bị nhà đầu tư bán tháo trong thời gian qua được giới phân tích lý giải do tính cạnh tranh ngày càng cao, cùng với biến động của thị trường thép đã tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính qúy 3/2018 của NKG cho thấy, tình hình kinh doanh không mấy khả quan, doanh thu giảm 9% về 3.472 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh, khiến biên lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh từ 10,4% quý 3/2017 về 4,8% đến quý 3 năm nay. Theo đó, NKG đã lỗ 2 tỷ đồng trong quý 3. Tuy nhiên, nhờ ghi nhận thêm 3,3 tỷ đồng thu nhập khác, nên lãi ròng của NKG đạt 733 triệu đồng.
Áp lực nợ vay lớn
Dù NKG có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng suốt 5 năm qua, nhưng việc hàng tồn kho tăng mạnh cũng khiến các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại. Tính bình quân trong giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng hàng tồn kho của NKG đạt hơn 54%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân doanh thu khoảng 30%. Tính đến cuối năm 2017, giá trị hàng tồn kho của NKG đạt trên 4.000 tỷ đồng, gấp đôi với cuối năm 2016.
230 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của NKG trong 9 tháng đầu năm 2018, giảm gần 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Văn Hải- Chuyên viên kiểm toán KPMF, không chỉ tồn kho tăng, mà nợ vay của NKG cũng tăng đáng kể. Năm 2013, tổng dư nợ vay của NKG hơn 1.165 tỷ đồng, nhưng đến cuối quý 3/2018, con số này đã tăng lên 6.151 tỷ đồng, trong đó hơn 4.810 tỷ nợ ngắn hạn, tức tăng gấp hơn 5 lần. Việc gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính khiến NKG phải trả một khoản chi phí lãi vay khá lớn hàng năm, riêng năm 2017 là gần 268 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2016.
Ngoài ra, việc gia tăng công suất của HSG và sự tham gia thị trường tôn mạ của HPG khiến NKG chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Thiệt hại từ bán phá giá
Mới đây, Bộ Công thương có quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, sơn hoặc quét vecni, phủ plastic, loại khác có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Được biết, vụ điều tra xuất phát từ yêu cầu của 4 nhà sản xuất thép phủ màu gồm CTCP Đại Thiên Lộc, Cty Tôn Phương Nam, CTCP Thép Nam Kim và CTCP Thép TVP. Bên yêu cầu đề nghị điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời với mức thuế 25,5% đối với sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc và 19,25% từ Hàn Quốc.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hàng hóa bị cáo buộc bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước thể hiện qua việc suy giảm ở các số chỉ số như: công suất sử dụng, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, tồn kho… Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm giá cổ phiếu của các ông lớn ngành thép, như NKG, HSG, HPG…
Theo ông Doanh, mới đây để đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp thép trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã phối hợp với cơ quan điều tra đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hàng hóa bị điều tra cung cấp thông tin và hợp tác trong quá trình điều tra chống bán phá giá.
Trong khi trông chờ sự việc từ các cơ quan liên quan thì cổ phiếu NKG vẫn tiếp tục bị nhà đầu tư bán tháo. Đây chính là một trong những thách thức lớn với NKG.
Thách thức với thép Việt Quyết định đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ có hiệu lực từ tháng 5/2018 đã làm tăng khó khăn cho NKG nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung. Ngoài ra, các sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn gặp một khó khăn khác, đó là Chính phủ Mỹ có những nghi vấn, điều tra một số sản phẩm thép mạ màu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Vì vậy, thép Việt Nam có khả năng bị áp mức thuế chống bán giá lên tới 150%. Trong khi đó, Trung Quốc có những chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất nội địa hạ giá thép để tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, như được hưởng chiết khấu 13%, giữ đồng Nhân dân tệ (CNY) ở mức thấp... Do vậy, không riêng gì NKG, mà các “ông lớn” trong ngành thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận trong những năm tới. |