Cảng Quy Nhơn về lại Vinalines

Lê Mỹ 14/03/2019 11:01

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang tiến hành thủ tục để thay mặt Nhà nước nắm quyền trở lại đối với 75% cổ phần tại CTCP Cảng Quy Nhơn.

Việc chuyển giao và tái thanh toán để khôi phục một giao dịch thoái vốn Nhà nước như ở trường hợp cảng Quy Nhơn là hy hữu trong quá trình CPH doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Cảng Quy Nhơn

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Cảng Quy Nhơn

Khôi phục trạng thái tiền thoái vốn

Dù chưa có quyết định cuối cùng về vụ việc CPH cảng Quy Nhơn, song theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, kết luận thanh tra trong vụ bán trái luật cổ phần cảng Quy Nhơn đang được các cơ quan liên quan tiến hành khẩn trương.

Hiện TCty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), đơn vị đại diện vốn Nhà nước trước đây đã thực thi thoái vốn tại cảng Quy Nhơn, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đã chuẩn bị sẵn sàng tài chính để trả lại cho các cổ đông đã mua hơn 75% cổ phần Nhà nước tại cảng Quy Nhơn. Đồng thời, Vinalines đang tiến hành thủ tục để thay mặt Nhà nước nắm quyền trở lại với số cổ phần này. Vinalines cũng tiến hành thủ tục pháp lý đăng ký lại số cổ phần và chuyển sang Nhà nước nắm giữ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ GTVT hủy 2 văn bản

    Bộ GTVT hủy 2 văn bản "cho phép bán" cảng Quy Nhơn với "giá bèo"

    09:00, 21/02/2019

  • Sắp “định đoạt” lạip/cảng Quy Nhơn

    Sắp “định đoạt” lại cảng Quy Nhơn

    10:46, 12/09/2018

Theo kết luận thanh tra Chính phủ, đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong quá trình CPH cảng Quy Nhơn. Trong đó, Bộ GTVT đã bán trái phép cổ phần Nhà nước tại đơn vị này. Có nghĩa là số cổ phần mà CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, một Cty tư nhân đã mua từ tay Vinalines, là có được từ các quyết định trái quy định của Nhà nước. Đã trái phép thì các giao dịch bất hiệu lực và Nhà nước hoàn toàn có quyền thu hồi, đặc biệt khi các bên cùng thống nhất. Do đó, cùng thu hồi các quyết định trái phép đã ban hành từ Bộ, bên mua sẽ chuyển giao lại cổ phần đã mua và bên bán sẽ thanh toán hoàn tiền. Theo đó, giá trị tài sản công hữu do Nhà nước quản lý cũng về nguyên trạng.

“Vá lại những ổ gà”

Trên thực tế, bên cạnh nhiều tiến bộ và kết quả chứng tỏ hiệu quả, đã xuất hiện những xóc nảy ổ gà của chuyến xe CPH, đó là các thất thoát đất vàng bị tư hữu hóa rẻ, hoặc một số doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc biệt cần Nhà nước nhưng một khi thoái vốn toàn phần, có ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất giá trị hoặc ngành hàng trong nền kinh tế. Với trường hợp cảng Quy Nhơn, ngoài yếu tố Hợp Thành nắm hơn 80% vốn với giá rẻ - yếu tố quan trọng thúc đẩy giao dịch CPH này cần được xem lại. Bởi theo đánh giá của giới chuyên môn, cảng Quy Nhơn có vị trí quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng và cả kinh tế tế của vùng - chưa được xem xét tổng thể.

75% là tỷ lệ cổ phần tại cảng Quy Nhơn mà Vinalines đã chuẩn bị sẵn sàng tài chính để trả cho các cổ đông để mua lại cảng này.

Có nghĩa rằng, việc đặt phạm vi doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt có ảnh hưởng an ninh quốc phòng, an sinh xã hội để lên danh mục các DNNN mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% hoặc 1 phần cổ phần chi phối, từ trường hợp cảng Quy Nhơn, cho thấy chưa có sự xem xét đầy đủ và thận trọng, đánh giá chi tiết trên từng doanh nghiệp, đối với số phận của chính doanh nghiệp đó hoặc tác động chuỗi, ngành hàng, khu vực kinh tế… Điều này làm nảy sinh câu hỏi là ngoài cảng Quy Nhơn, liệu còn có trường hợp đơn vị, hay cụ thể hơn là doanh nghiệp cảng nào đã được tư nhân hóa - mà giá trị chỉ mới được xem xét ở khía cạnh cổ phần và tác động doanh nghiệp mới được soi chiếu ở khía cạnh ngành logistics - không thuộc lĩnh vực cần thiết nắm giữ; nhưng trên thực tế, đó lại là cửa ngõ không chỉ của một địa phương hoặc là “điểm huyệt” nhạy cảm của tuyến thông thương an ninh quốc phòng thủy- bộ toàn vùng?

“Cần soi chiếu lại các danh mục này, để thấy đâu có ổ gà, để đưa ra giải pháp khắc phục chủ động - đặc biệt cần với rất nhiều doanh nghiệp trong rổ hàng Nhà nước đã quyết định CPH và thoái vốn từ nay đến 2020”, một chuyên gia đánh giá.

Đóng băng thoái vốn sau tái quốc hữu hóa?

Cảng Quy Nhơn đã trở lại với “mẹ” Tcty sau 7 năm và quyết định giao Vinalines tái nắm cổ phần được xem là hợp lý khi đây là đơn vị có thể sử dụng, khai thác được lợi thế hạ tầng Cảng để phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mẹ và các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, nếu xét về thực thi chuyển nhượng cổ phần, Vinalines và trên Vinalines là Bộ GTVT liệu có trách nhiệm gì trong các sai phạm hay chỉ khôi phục giao dịch về trạng thái ban đầu là xong? Hơn 400 tỷ đồng đã được thu hồi nộp về cho Nhà nước, hiện sẽ lấy nguồn nào để trả lại cho Cty Hợp Thành? Xa hơn, nếu về tay Vinalines lại, cảng Quy Nhơn có cơ hội phát huy vị trí trọng yếu của mình đối với kinh tế vùng hay tiếp tục “giữ nguyên vai trò và hiện trạng” như quá khứ?

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, T.S Kinh tế cho rằng trong trường hợp đưa cảng Quy Nhơn về tay Vinalines, bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào đưa ra sai phạm dẫn đến thoái vốn Nhà nước bất hợp lý, cần đặt chỉ tiêu và nhiệm vụ rõ ràng với “mẹ” về phát triển đơn vị Cảng có thời hạn và thời gian kiểm định. Nếu Vinalines không hoàn thành tốt, thậm chí Bộ chủ quản không đảm bảo được chỉ tiêu, có thể chuyển giao vốn đến cơ quan đại diện khác.

“Quan trọng không phải là ai đại diện, quyền lực nào, mà là đơn vị đại diện vốn đó làm gì/dẫn dắt/chỉ dẫn doanh nghiệp đi tới đâu?. Đừng nên tư duy Bộ nào giữ của Bộ đó vì vốn đều thuộc về Nhà nước, và hiện bên cạnh SCIC còn có cả “Siêu ủy ban”. Các cơ quan quản lý cấp Bộ, đơn vị quản lý vốn Nhà nước và cả Siêu ủy ban cần ngồi lại để đánh giá đúng vị trí, giá trị của Cảng, đưa ra chiến lược đúng. Tương tự, là các Cảng đã đang và sẽ cổ phần”, ông Hiệp nói.

Lê Mỹ