Khoảng rộng vùng lãi suất trái phiếu
Phát hành trái phiếu để huy động vốn đang là phương thức được các doanh nghiệp sử dụng ngày một nhiều, bên cạnh việc huy động vốn vay thông qua tín dụng ngân hàng thương mại.
Biến động lớn lãi suất trái phiếu không chuyển đổi
Những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư nhận được thư chào mua trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Theo đó, dự kiến trong tháng 3, 4/2019, SSI sẽ phát hành 500 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Theo thông báo, lãi suất trái phiếu dự kiến là 8%/năm cho năm thứ nhất, năm thứ 2 là lãi suất tham chiếu cộng biên 1,5%.
Có thể bạn quan tâm
“Nâng đời” trái phiếu doanh nghiệp
11:01, 11/03/2019
Lại "nóng" chuyện phát hành trái phiếu doanh nghiệp
11:20, 19/04/2018
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ dành cho các “ông lớn”
10:39, 09/09/2017
“Cửa sáng” cho trái phiếu doanh nghiệp
05:16, 16/04/2017
Ðầu tháng 3/2019, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cũng có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phát hành 500 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu không tài sản đảm bảo, không chuyển đổi. Trái phiếu có kỳ hạn 1 năm, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất không quá 9,5%/năm. Như vậy, nếu so sánh với trái phiếu do SSI dự kiến phát hành, VDS có thể sẽ huy động mức lãi suất cao hơn khoảng 1,5 điểm phần trăm.
Các công ty chứng khoán là nhóm doanh nghiệp khá năng động trong việc phát hành trái phiếu, với những cái tên được nhiều người biết đến như: Tân Việt (TVSI), Trí Việt, Bản Việt, Thiên Việt, Vietcombank, Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN Direct… Ðây là nhóm có cấu trúc sản phẩm linh hoạt cho khách hàng, khi khách hàng không chỉ được quyền yêu cầu mua lại trước hạn, mà còn được nhiều công ty chứng khoán cho phép sử dụng chính trái phiếu này để cầm cố, bảo lãnh sức mua cho tài khoản chứng khoán.
Trong nhóm này, cũng có phân biệt lãi suất tương đối lớn. Nếu SSI, như phương án trên, có mức lãi suất huy động năm đầu là 8%/năm, thì tại Bản Việt, theo phương án chào bán trái phiếu đã được thông qua, có thể sẽ cao hơn so với SSI khá nhiều.
Cụ thể, giữa tháng 1/2019, Chứng khoán Bản Việt có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chào bán 500 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kỳ hạn 2 năm, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, với mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi trung hạn bình quân của BIDV và Vietinbank cộng 4,5%/năm. Với mức lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng cá nhân của 2 ngân hàng này hiện khoảng xấp xỉ 6,9%/năm cho tiền gửi trung hạn, Bản Việt có thể sẽ chi trả lãi suất lên tới 11,4%/năm.
Bên cạnh nhóm các công ty chứng khoán, góp mặt trong trào lưu phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất cả về số doanh nghiệp và quy mô phát hành, phải tính đến nhóm công ty bất động sản. Hình thức phát hành trái phiếu của nhóm này khá đa dạng, từ trái phiếu không chuyển đổi đến trái phiếu chuyển đổi.
Cuối năm 2018, Vingroup công bố phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với lãi suất 10%/năm cho năm đầu tiên và lãi suất tham chiếu trung bình cộng các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (trả sau) kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Techcombank cộng biên 4%/năm cho năm thứ hai. Mức này tương đương khoảng gần 11%/năm.
Báo cáo phát hành của Vingroup cho thấy, Tập đoàn phát hành chủ yếu cho nhà đầu tư tổ chức trong nước và tính đến thời điểm sau khi phát hành (cuối ngày 24/12/2018), dư nợ trái phiếu của Vingroup là 13.503 tỷ đồng, chiếm gần 17% tổng nợ của Vingroup. Hiện nay, Vingroup đang thực hiện chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiếu với điều khoản tương tự với lần phát hành trái phiếu này.
Với hình thức trái phiếu không chuyển đổi, thống kê cho thấy, mức lãi suất phổ biến dao động từ 8%/năm đến xấp xỉ 12%/năm. Trên thực tế, đây là mức lãi suất mà khách hàng được hưởng, còn lãi suất mà doanh nghiệp chi trả có thể sẽ cao hơn với các trường hợp trái phiếu có bảo lãnh phát hành; trái phiếu được bảo lãnh thanh khoản. Với các trường hợp này, mức lãi suất thực tế mà doanh nghiệp phát hành phải trả cho khoản tiền huy động có thể lên mức hơn 13%/năm.
Mặt bằng lãi suất trái phiếu chuyển đổi có phẳng hơn?
Trong khi mặt bằng lãi suất trái phiếu không chuyển đổi biến động khá lớn ở mức cao, thì với nhóm trái phiếu chuyển đổi, lại chia thành 2 nhóm khác biệt.
Gần đây nhất, CTCP Ðầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy (TCH) công bố phát hành thành công 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ (mệnh giá trái phiếu 1 triệu đồng), lãi suất 7%/năm, giá chuyển đổi chưa được công bố chi tiết phương án.
Với mức lãi suất này, TCH khá nhẹ gánh so với các doanh nghiệp bất động sản nói trên trong việc chịu áp lực lãi vay. Nhưng đây chưa phải là doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi với chi phí rẻ nhất.
Ðầu năm 2018, CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL) phát hành thành công 20 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, với thời hạn 5 năm, lãi suất 1%/năm (bằng USD). Trái phiếu có giá chuyển đổi 25.000 đồng/cổ phiếu và thời gian chuyển đổi là sau 1 năm kể từ thời điểm phát hành, tùy theo yêu cầu của trái chủ.
Vì sao có sự chênh lệch lớn như vậy?
Trong cuộc đua phát hành trái phiếu, một cái tên đáng chú ý là CTCP Cơ Ðiện Lạnh (REE). Phát hành trái phiếu không chuyển đổi, với tài sản đảm bảo là cổ phần tại 2 công ty thành viên, REE đã chào bán trái phiếu có kỳ hạn lên tới 10 năm, cho nhà đầu tư nước ngoài. Trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, giá trị thương vụ là 2.318 tỷ đồng.
Ðiều đáng nói hơn là, trong thông tin phát đi, REE cho biết, trái phiếu có lợi tức bằng lợi tức trái phiếu chính phủ cộng thêm biên độ, nhưng tối đa 7,3%/năm. Ðợt phát hành được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility - CGIF), một quỹ đầu tư tín thác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA trên toàn cầu.
Vì sao có sự khác biệt này? Về lý thuyết, sự khác biệt về lãi suất chủ yếu nằm ở loại hình trái phiếu, mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành và vị thế doanh nghiệp ở thời điểm phát hành.
Với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, được xếp hạng tín nhiệm cao và đặc biệt là hoạt động không quá phụ thuộc vào vốn vay, có càng nhiều dư địa huy động qua các hình thức khác nhau, lãi suất huy động trái phiếu sẽ càng thấp. Ðiều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phát hành lãi suất huy động cao là ít lành mạnh, mà đó đơn thuần là nhìn dưới góc độ tài chính doanh nghiệp và những lý thuyết thông thường.
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu, nhất là những doanh nghiệp bất động sản. Nhiều chuyên gia phân tích bình luận rằng, việc ồ ạt phát hành trái phiếu có nhiều nguyên nhân, trong đó, có thể do thế khó của các doanh nghiệp bất động sản (do hạn chế về quy mô tín dụng cho lĩnh vực bất động sản), hoặc đơn giản hơn, doanh nghiệp đang dự báo trước những khó khăn có thể xảy ra trong việc ổn định nguồn tài chính cho các giai đoạn tới.
Theo gợi ý của một số chuyên gia, lựa chọn các trái phiếu được bảo lãnh thanh khoản bởi ngân hàng là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đọc kỹ các điều khoản bảo lãnh trước khi ký, và cũng nên cân nhắc đến uy tín doanh nghiệp phát hành, để đảm bảo an toàn và linh hoạt hơn dòng vốn đầu tư vào trái phiếu của mình.