“Ê chề” IPO ở BCM
Dù Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC, UPCoM: BCM) đang là “trùm” bất động sản (BĐS) tại Bình Dương, nhưng các đợt IPO vừa qua của doanh nghiệp này bị thất bại ê chề.
Chào sàn UPCoM cuối tháng 2/2018, nhưng sự hiện diện của BCM không được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, dù doanh nghiệp có quy mô vốn tới trên 13.170 tỷ đồng và tài sản đất công nghiệp khủng tới 13.300 ha, chiếm 13,8% thị phần khu công nghiệp cả nước.
IPO ê chề, M&A đại thắng
Tính từ lúc IPO lần đầu vào tháng 11/2017 cho tới nay, BCM đã có 2 đợt đấu giá cổ phần và tổng cộng lượng đấu giá thành công chỉ vỏn vẹn 7,7% tương đương gần 24 triệu cổ phiếu trong tổng số 311,2 triệu cổ phần được mang ra chào bán theo kế hoạch. Sau 2 đợt đấu giá với kết quả ê chề, 7,7% lượng cổ phần BCM đã được niêm yết tại sàn UPCoM.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Becamex đưa cổ phần bị "ế" niêm yết tại sàn UpCom?
06:10, 13/02/2018
Vì sao Becamex IDC ế nặng?
09:54, 04/01/2018
Philips hợp tác với Becamex và EIU phát triển chiếu sáng bền vững
09:36, 27/10/2016
Điều chỉnh dự án đầu tư khu công nghiệp Becamex-Bình Phước
09:16, 19/10/2016
Đã có nhiều lý giải về các đợt thất bại IPO của BCM. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là, dù không thuộc danh mục Nhà nước bắt buộc nắm giữ, tiến trình Nhà nước thoái vốn tại BCM diễn ra khá chậm (tới 2020) và tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước sau IPO cũng ở mức cao 75%.
2.345 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2018 của TCty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp, tăng 131% so với 2017.
Ngoài ra, quy mô nợ vay lớn và hiệu quả kinh doanh/vốn đầu tư thấp của BCM cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư quan ngại.
Tuy nhiên, BCM đã có một cú gỡ gạc khá ngoạn mục khi đạt được thỏa thuận lập liên doanh trị giá 200 triệu USD với Quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Warburg Pincus. Liên doanh có tên CTCP Phát triển công nghiệp BW, tập trung phát triển và vận hành nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, xây theo yêu cầu của khách hàng tại các khu kinh tế, công nghiệp chủ chốt ở Việt Nam. Về lâu dài, liên doanh này hậu thuẫn cho mục tiêu phát triển chuỗi logistics và BĐS khu công nghiệp tại Việt Nam - mục tiêu mà BCM đang có lợi thế lớn.
Bỏ quên nhà đầu tư nhỏ
Ở góc độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, BCM vẫn là doanh nghiệp “bê tông cốt thép”, kín bưng, nặng nề ở trên sàn UPCoM, không được nhà đầu tư “cảm tình” giao dịch.
Kể từ khi có mặt tại UPCoM ở mức giá chào sàn 31.000đ/cp, BCM đã có các giao dịch dưới giá chào sàn liên tục trong hơn 1 năm qua. Cổ phiếu BCM cũng chưa lần nào phá ngưỡng khởi điểm của phiên đầu tiên 21/2/2018 với lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng được đưa vào giao dịch chính thức chiếm tỷ lệ nhỏ giọt trong tổng giá trị vốn hóa dự kiến của BCM.
Ngoài những nguyên nhân về chỉ số kinh doanh ít hấp dẫn dù sở hữu tài sản lớn và là ông lớn của địa ốc - kinh tế tỉnh Bình Dương, BCM trong mắt nhà đầu tư còn thiếu tính minh bạch và đại chúng thực sự.
Ở góc độ là Cty đại chúng, theo quy định, BCM phải công bố thông tin về báo cáo tài chính năm có kiểm toán và báo cáo thường niên. Việc thực hiện báo cáo tài chính năm trên website của Cty theo quý đang đầy đủ. Riêng báo cáo thường niên chưa đến hạn BCM phải đăng tải trên website trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính theo quy định. Có lẽ, việc cần thông tin và tiếp nhận các phản hồi của nhà đầu tư là khâu mà BCM cần quan tâm để thay đổi. Nói đúng hơn là thay đổi tư duy thực hiện quan hệ với nhà đầu tư để nhà đầu tư nắm bắt tốt hơn các quy định và dễ dàng tìm hiểu Cty cùng các cơ hội đầu tư tốt hơn.
Cần lưu ý rằng, ngay cả với những doanh nghiệp - hàng hóa tốt hơn, nếu không thực sự chú trọng nhà đầu tư, nói gọn là người mua cổ phần góp vốn, thì dù tốt đến đâu, doanh nghiệp cũng không được nhà đầu tư quan tâm. Việc các ngân hàng và các tập đoàn tư nhân thực thi IPO thành công với bí quyết luôn chuẩn bị sẵn sàng cho các roadshow là ví dụ điển hình cho sự coi trọng thông tin-quảng bá. Hậu IPO và niêm yết, công tác IR sẽ giúp doanh nghiệp sáng lên trong mắt nhà đầu tư.
Phải chăng BCM quá to để sáng trong mắt các “tay to”, nhưng vì thế có nên bỏ quên cổ đông lẻ, nhỏ?.
“Con dao hai lưỡi” khi niêm yết cổ phiếu một phần Việc BCM niêm yết một phần tỷ lệ cổ phiếu rất nhỏ tại UPCoM vừa đảm bảo cho BCM thực hiện IPO và niêm yết đúng quy định Nhà nước, vừa tạo điều kiện để nhà đầu tư có thể giao dịch lượng cổ phiếu đã được bán ra và được lưu hành tự do. Nhưng nếu giữ nguyên “vị thế” ông lớn đi trú đông, sẽ là thách thức cho chính BCM khi thực thi IPO đợt kế tiếp. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư chứng khoán Maybank Kimeng Việt Nam cho biết, một số hiện tượng trước đây đã diễn ra tại sàn chứng khoán niêm yết, với các doanh nghiệp lớn, điển hình như PVGas hay Vietcombank. Do tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp này quá lớn mà vì 1 lý do nào, thông thường là vì Nhà nước nắm giữ 1 lượng lớn cổ phiếu chưa có kế hoạch niêm yết-bán ra, nên doanh nghiệp sẽ chỉ niêm yết 1 phần lượng cổ phiếu đã tự do chuyện nhượng. Điều đó giúp nhà đầu tư giao dịch lượng cổ phiếu thứ cấp và có thanh khoản tốt, đồng thời cũng giúp giảm giảm tác động lên chỉ số. Bởi nếu doanh nghiệp niêm yết toàn bộ nhưng thực chất chỉ có 1 lượng nhỏ được tự do chuyển nhượng, thì chỉ cần cổ phiếu doanh nghiệp lên hay xuống, đã tác động đến VN-Index có thể xanh hoặc đỏ, và xuất hiện chuyện “xanh vỏ-đỏ lòng”. Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Khánh, trong tiến trình thoái vốn Nhà nước, các doanh nghiệp lớn vẫn cần tính chuyện song song tìm đối tác và đưa cổ phiếu lên sàn để đạt mục tiêu tìm đối tác, bán được vốn tốt hơn. Trường hợp Sabeco là 1 ví dụ. Việc niêm yết chính thức cũng khiến các doanh nghiệp phải chú trọng IR, thực hiện minh bạch thông tin tốt hơn. “Với các doanh nghiệp lớn, trong kế hoạch cổ phần hóa, Nhà nước cần đặt mục tiêu và tiến trình niêm yết chính thức, tránh trường hợp lên sàn cho có và lượng hàng hóa lớn, có sức hút theo đó vẫn ở dạng “tiềm ẩn” dài hạn tại sàn giao dịch chưa chính thức, giảm hiệu quả mục tiêu của hoạt động cổ phần hóa và cải tổ doanh nghiệp”, ông Khánh nói. |