Giải mã ẩn số tài chính của Tổng công ty VATM
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” khi mỗi năm đều đặn nộp cho ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế luôn đạt khoảng 30% tổng doanh thu.
Siêu lãi
VATM vừa đề nghị liên bộ: Giao thông - Vận tải (GTVT) và Tài chính thông qua Báo cáo tài chính Công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất và phương án phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ năm 2018.
Là một trong 3 trụ cột của ngành hàng không (vận tải và cảng hàng không), VATM luôn là một ẩn số thú vị đối với giới đầu tư tài chính bởi các chỉ số tài chính rất thuyết phục.
Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty mẹ - VATM và đơn vị thành viên duy nhất là Công ty TNHH Kỹ thuật quản lý bay Việt Nam, trong năm 2018, tổng thu của VATM là 5.857 tỷ đồng, trong đó thu điều hành bay quá cảnh là 3.630 tỷ đồng (thu điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý là 1.633 tỷ đồng và thu phí điều hành bay qua vùng trời Việt Nam là 1.966,9 tỷ đồng); thu điều hành bay đi đến là 2.097 tỷ đồng.
Ông Đoàn Hữu Gia, Tổng giám đốc VATM cho biết, bên cạnh các khoản thu giá điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được tính vào doanh thu, Tổng công ty đang thu hộ Nhà nước khoản phí bay qua vùng trời Việt Nam. Nếu tính cả các loại thuế, năm 2018, VATM đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.015 tỷ đồng.
Cũng trong năm ngoái, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 3.874 tỷ đồng, trong đó hơn 90% đến từ doanh thu đảm bảo hoạt động bay. Cụ thể, trong năm 2018, VATM đã điều hành 444.226 chuyến bay đi/đến các cảng hàng không thuộc lãnh thổ Việt Nam và 446.172 chuyến bay quá cảnh, mang lại khoản doanh thu lên tới 3.730,4 tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán và dịch vụ của VATM năm 2018 chỉ là 2.204 tỷ đồng (trong đó, chi phí nhân viên chiếm hơn 1.218 tỷ đồng), nên lợi nhuận trước thuế của VATM đạt 1.397,5 tỷ đồng.
Sau khi tiến hành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và trích Quỹ Khoa học - Công nghệ, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của VATM vẫn còn tới 1.145 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của VATM năm 2018 do vậy đạt khoảng 30%, vượt trội so với các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành hàng không.
Được thành lập vào năm 2010 trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với 8 đơn vị trực thuộc và 1 công ty con, Tổng công ty hiện có số vốn điều lệ 3.138,401 tỷ đồng này được giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công ích bảo đảm hoạt động bay cho tất cả các tàu bay dân dụng hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay trên toàn quốc, trên vùng trời thuộc chủ quyền Việt Nam và các vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý cùng các vùng không phận được ủy quyền hợp pháp khác.
Chỉ số ấn tượng
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, năm 2018, tổng tài sản hợp nhất của VATM lên tới 4.510 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 3.220 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.290 tỷ đồng; tổng nguồn vốn là 4.510 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 1.116,8 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 3.393,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2018, số dư tổng phải trả của VATM là 1.116 tỷ đồng (chiếm 24,74% tổng nguồn vốn). Trong đó, nợ ngắn hạn là 945,4 tỷ đồng; nợ dài hạn là 171 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của VATM chỉ là 0,38 lần, trong khi hệ số cho phép là 3 lần.
Đối với khả năng thanh toán tổng quát và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của đơn vị đều rất tốt, thể hiện qua các chỉ tiêu: khả năng thanh toán tổng quát (tổng tài sản/nợ phải trả) 4,04; khả năng thanh toán nhanh (tiền và các khoản tương đương tiền/tổng nợ ngắn hạn) là 0,78. Điều này cho thấy VATM có sức khỏe tài chính tốt, đảm bảo khả năng thanh toán nợ tổng quát và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn.
Hạn chế lớn nhất của VATM nằm ở việc thực hiện kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn, hàng năm, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong năm 2018, VATM triển khai thực hiện 149 dự án với tổng mức đầu tư là 8.569 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân trong năm là 507 tỷ đồng, trong đó dự án chuyển tiếp là 76, dự án đăng ký mới là 73 dự án. Tính đến ngày 31/12/2018, Tổng công ty đã hoàn thành nghiệm thu, quyết toán 49 dự án, đang triển khai 79 dự án với khối lượng giải ngân trong năm 2018 chỉ đạt 221 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 2/2019, Bộ GTVT đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 144/BGTVT - TTr về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản và quản lý đầu tư, xây dựng tại VATM. Theo Bộ GTVT, chỉ trong vòng 5 năm (2012 - 2017), VATM đã đầu tư xây dựng tới 222 dự án bằng nguồn vốn của đơn vị, với tổng mức đầu tư 6.096 tỷ đồng. Đây là số lượng dự án thậm chí còn vượt cả số công trình mà Bộ GTVT triển khai trong cùng thời điểm, bình quân mỗi dự án có tổng mức đầu tư vỏn vẹn khoảng 27,4 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, việc lập kế hoạch đầu tư một số dự án do VATM làm chủ đầu tư thường xuyên không sát với thực tế. Cụ thể, năm 2016, giá trị giải ngân các dự án của VATM rất thấp, chỉ đạt 196/593 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch được phê duyệt, trong đó có 3/114 dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; 31/114 dự án có kế hoạch vốn nhưng không giải ngân với giá trị 39,683/421,67 tỷ đồng; 12/114 dự án khi chưa có kế hoạch vốn, nhưng vẫn giải ngân với giá trị 30,286/421,67 tỷ đồng.
“Các dự án đầu tư của VATM gồm các dự án radar, trung tâm kiểm soát không lưu có tính chất chuyên ngành rất cao, phức tạp về kỹ thuật nên rất khó tuyển chọn được nhà thầu tư vấn có năng lực, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng hồ sơ, phải chỉnh sửa, phát sinh thủ tục, làm chậm tiến độ triển khai”, đại diện VATM lý giải.