Thách thức quản trị kinh doanh với KIDO

Hà Phương 14/04/2019 11:01

Thị trường dầu ăn có đặc thù cần vốn lớn, nhưng lợi nhuận thấp, trong khi mô hình quản trị của CTCP Tập đoàn KIDO về marketing, bán hàng, nhân sự… theo mô hình cũ, sẽ là thách thức lớn đối với KIDO.

Sau khi từ bỏ kinh doanh bánh kẹo, KIDO đã chuyển mạnh sang sản xuất, kinh doanh dầu ăn bằng cách thực hiện các thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực này.

p/Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của KIDO

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của KIDO

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán vừa mới công bố, doanh thu thuần năm 2018 của KIDO đạt trên 7.608 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2017 chủ yếu đến từ mảng kinh doanh dầu ăn. Dù vậy, lợi nhuận gộp giảm gần 11%, chỉ còn 1.295 tỷ đồng, do giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ tăng từ mức 5.563 tỷ đồng lên 6.313 tỷ.

Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính của KIDO năm 2018 đạt gần 230 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức 722 tỷ đồng so với năm ngoái. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của KIDO giảm hơn 72%, xuống 147,6 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Ba lãnh đạo KIDO trở thành Hội đồng thành viên Golden Hope Nhà Bè

    Ba lãnh đạo KIDO trở thành Hội đồng thành viên Golden Hope Nhà Bè

    12:55, 04/12/2018

  • KIDO “thâu tóm” 51% cổ phần Dầu ăn Golden Hope

    KIDO “thâu tóm” 51% cổ phần Dầu ăn Golden Hope

    11:35, 30/11/2018

  • M&A “giúp” KIDO thoát khỏi “chiếc kén” của mình

    M&A “giúp” KIDO thoát khỏi “chiếc kén” của mình

    11:02, 15/08/2018

  • Kido Foods thâm nhập phân khúc siêu cao cấp trong thị trường kem

    Kido Foods thâm nhập phân khúc siêu cao cấp trong thị trường kem

    06:49, 22/06/2018

  • KIDO chuyển hướng chiến lược

    KIDO chuyển hướng chiến lược

    06:09, 29/04/2018

Kiểm toán lưu ý tại thời điểm 31/12/2018, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của KIDO âm tới 86 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản trích lập dự phòng, tăng giá trị tồn kho. Báo cáo tài chính cũng ghi nhận vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của KIDO không giảm so với đầu kỳ, mà vẫn ở mức khá lớn, lần lượt là 1.720 tỷ đồng và 476 tỷ đồng. Theo đó, nợ phải trả cũng tăng từ 4.006 tỷ đồng đầu năm lên 4.153 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018. Như vậy, nợ phải trả của KIDO bằng 1/3 tổng tài sản và bằng 1/2 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Khó khăn với mảng kinh doanh cốt lõi

KIDO đang đối mặt với khó khăn trong mảng bất động sản liên quan tới dự án xây khách sạn năm sao và trung tâm thương mại trên 5.000m2 “đất vàng” tại địa chỉ số 8 – 12 Lê Duẩn, Q1, TP.HCM.

Thuyết minh trong báo cáo tài chính, KIDO cho biết, việc thực hiện dự án trên đất vàng này đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra… Dù dự án bị thu hồi, hay không thì rõ ràng, việc kéo dài thời gian thực hiện dự án khiến KIDO phải gánh lỗ.

Trong khi đó, KIDO hiện đang nắm trong tay 2 trong số 3 doanh nghiệp lớn nhất ngành dầu ăn là Tường An và Golden Hope Nhà Bè. Doanh nghiệp lớn nhất là Dầu thực vật Cái Lân hiện do Vocarimex - một Cty con của KIDO - nắm 24% vốn.

147,6 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất của KIDO trong năm 2018, giảm hơn 72% so với năm 2017.

Ðiểm đáng lưu ý, ngành hàng dầu ăn không có sự khác biệt lớn về sản phẩm, chủ yếu cạnh tranh về giá cả. Trong khi KIDO phải nhập 90% nguyên liệu sản xuất dầu ăn, nên gặp rất nhiều áp lực cạnh tranh.

Trong khi mảng kem - sữa chua, mảng lớn thứ 2 trong doanh thu, tiếp tục bị cạnh tranh với các thương hiệu lớn. Do đó, doanh thu thuần của Kido Foods năm 2018 giảm 15,9% so với năm 2017.

Chật vật tìm lối thoát

Ông Nguyễn Văn Hùng- Chuyên viên phân tích ACBS, cho rằng nếu KIDO muốn tiếp tục gia tăng thị phần ngành dầu ăn thì phải hy sinh lợi nhuận.

“Muốn có lãi tốt hơn thì KIDO chỉ còn cách áp đặt thị trường về mặt giá, có nghĩa là KIDO phải tiếp tục thực hiện M&A để trở thành doanh nghiệp có thị phần đủ lớn để chi phối thị trường, từ đó có thể nâng giá lên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để thâu tóm thị phần, KIDO cần nhiều vốn. Với tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi như hiện nay, thì KIDO khó phát hành thêm cổ phiếu, nên chỉ có thể vay vốn ngân hàng. Điều này khiến khó chồng khó, bởi doanh nghiệp này đang chật vật kiếm lãi, thì nay phải gánh thêm lãi vay ngân hàng.

Dù thực hiện thêm M&A để chi phối thị trường, thì KIDO vẫn không dễ kiểm soát được thị trường. Bởi Việt Nam vẫn đang chủ yếu nhập ngoại nguyên liệu sản xuất dầu ăn.

Hơn nữa, nếu KIDO nâng giá bán lên, ngay lập tức thu hút đối thủ mới tham gia vào thị trường. Bởi thị trường dầu ăn có rất nhiều đối thủ sẵn sàng cạnh tranh thị phần khi KIDO nâng giá bán.

Theo ông Hùng, xét về mặt chiến lược, việc KIDO từ bỏ ngành kinh doanh cốt lõi của mình là bánh kẹo (có lẽ do áp lực thua lỗ từ những dự án BĐS các năm trước), để tập trung vào mảng dầu ăn, không hẳn đã là một quyết định tốt. Bởi với thị trường dầu ăn, một thị trường cạnh tranh chi phí lớn như hiện nay, thì những năng lực lõi của KIDO, như marketing, thương hiệu, sales,... theo mô hình cũ sẽ không phát huy được nhiều.

Áp lực cạnh tranh với dầu ăn Việt

Bộ Công Thương đã từng nỗ lực giúp doanh nghiệp dầu ăn Việt Nam tránh cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp ngoại bằng cách tăng thuế nhập khẩu dầu ăn để doanh nghiệp Việt Nam có thời gian tích lũy nguồn lực, nhưng mức thuế tự vệ đối với dầu nhập khẩu chấm dứt kể từ tháng 5/2017. Điều này dẫn đến hàng ngoại nhập tràn vào, gây sức ép cạnh tranh với các Cty trong nước.

Chưa hết, mấy năm qua, một số doanh nghiệp ngoại, như Tập đoàn Musim Mas (Singapore) - một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới, đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày. Điều này khiến các doanh nghiệp nội chịu áp lực cạnh tranh lớn khi Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, ngành dầu ăn Việt hiện có hơn 450.000 điểm phân phối nên các đối thủ nước ngoài muốn đưa hàng vào Việt Nam buộc phải thông qua các điểm phân phối này.

Để đối phó với áp lực này, nhiều doanh nghiệp dầu ăn Việt đã tìm cách chủ động nguồn nguyên liệu. Trong đó, KIDO đã hợp tác với Felda Global Ventures (FGV) và Indo-Trans Logistics (ITL). Theo đó, FGV hỗ trợ KIDO đảm bảo được nguồn cung dầu cọ nguyên liệu. ITL sẽ đóng góp cho liên doanh thông qua dịch vụ logistics, mạng lưới vận tải rộng khắp.

Hà Phương