Vỡ cấu trúc tài chính an toàn tại GELEX

Hà Phương 21/04/2019 01:40

Việc TCty Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) liên tục thực hiện các thương vụ M&A trong thời gian ngắn làm cho áp lực nợ phải trả lớn, làm vỡ cấu trúc tài chính an toàn trước đây của doanh nghiệp này.

Ngoài việc thâu tóm những doanh nghiệp cùng ngành nghề, như Cadivi, Sotrans, GELEX còn thực hiện nhiều thương vụ M&A khác, như mua 20,25% vốn Cảng Đồng Nai; nắm giữ gần 10% vốn Viglacera...

p/Nợ vay của Gelex ngày càng có xu hướng gia tăng

Nợ vay của Gelex ngày càng có xu hướng gia tăng

Ba trụ cột vẫn vững

GELEX vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất, theo đó doanh thu năm 2018 tăng 14,3% so với cùng kỳ, lên gần 13.700 tỷ đồng – mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.533 tỷ đồng, tăng trưởng 41,6% so với năm 2017, nhưng chỉ hoàn thành 84,2% kế hoạch cả năm.

Mặc dù vậy, trong năm 2018, GELEX vẫn tăng trưởng đều ở 3 mảng kinh doanh đã M&A, trong đó riêng mảng thiết bị điện đạt mức tăng trưởng 8,7%; nhóm ngành nước sạch đạt mức tăng trưởng 13%, còn doanh thu nhóm ngành logistics tăng 21% so với năm 2017.

9.281 tỷ đồng là tổng số nợ phải trả của TCty Thiết bị điện Việt Nam tính đến cuối năm 2018, tăng khoảng 22% so với năm 2017.

GELEX kết thúc năm 2018 với nhiều thông số ấn tượng sau một năm thực hiện hàng loạt hoạt động tái cấu trúc. Từ một doanh nghiệp hoạt động quản lý nhiều Cty con, đến nay doanh nghiệp này chủ trương tái cấu trúc, đưa toàn bộ hoạt động kinh doanh về 4 lĩnh vực chính bao gồm Công nghiệp, Tiện ích, Logistics và BĐS với đại diện là các Cty con bao gồm Gelex Electrics, Gelex Energy, Gelex Logistics, và Gelex Land.

Tái cơ cấu các ngành cốt lõi

Với mô hình một TCty lấy hoạt động sản xuất công nghiệp làm chủ lực, năm 2018 GELEX đã liên tục chuyển đổi, gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các Cty con để thực hiện tốt chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp.

Hiện GELEX hướng tới sản xuất và cung cấp đầy đủ các sản phẩm trong danh mục thiết bị điện cho cả 3 cấp hạ thế, trung thế và cao thế bằng việc tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp trong ngành nhằm phủ kín chuỗi sản phẩm cung cấp cho ngành điện. GELEX liên tục gia tăng sở hữu tại Cadivi (CAV) lên 79,76%. Ngoài ra, GELEX cũng thực hiện thâu tóm Sotrans (STG)…

Theo lãnh đạo của GELEX, việc thâu tóm, tăng sở hữu để nắm quyền chi phối cũng như hủy niêm yết một số Cty thành viên nằm trong chiến lược chung của TCty. Theo đó, GELEX sẽ thu các đơn vị thành viên về một mối để thuận tiện cho công tác sản xuất tập trung, giảm chi phí quản lý cũng như thuận lợi cho quá trình công bố thông tin và đảm bảo tính bảo mật trong các chiến lược kinh doanh.

Có thể thấy việc M&A của GELEX không phải là đầu tư dàn trải, mà thực chất là quá trình tập trung hóa vào các lĩnh vực cốt lõi.

Thách thức nợ phải trả lớn

Trong chiến lược phát triển đến 2020, GELEX có tham vọng với kế hoạch doanh thu dự kiến vượt trên 1 tỷ USD. Tổng tài sản của GELEX đến 31/12/2018 đã tăng gần 190% so với thời điểm cuối 2015, chạm mức gần 17.246 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của GELEX đã đạt mức 9.281 tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với năm 2017. Theo đó, nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 116%.

Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên viên kiểm toán AVA, phân tích, nợ vay gia tăng mạnh là một rủi ro không thể bỏ qua đối với GELEX, nhất là trong bối cảnh Cty vẫn đang tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A. Đây cũng là lần đầu tiên GELEX phá vỡ cấu trúc tài chính an toàn duy trì nhiều năm trước đây khi cổ đông Nhà nước chưa thoái vốn.

Thực tế tại Việt Nam thời gian gần đây cũng cho thấy không ít doanh nghiệp trở nên lớn mạnh khi mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực, xung quanh sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp, như Vingroup, Sovico Holdings, T&T, TTC Group…

Tuy nhiên, việc kinh doanh đa ngành cũng giống như “con dao hai lưỡi”. Không ít doanh nghiệp đã chuốc lấy thất bại, thậm chí còn triệt tiêu những thành quả có được từ trước khi "ôm" về một khoản lỗ lớn, đẩy doanh nghiệp đứng trước bờ vực buộc phải tái cơ cấu, thậm chí phải phá sản.

Ông Mai Viết Hùng Trân, Phó tổng giám đốc Cty PwC Việt Nam cho rằng, việc kinh doanh phải dựa trên chiến lược phát triển hiện tại, gắn liền với hoạt động và năng lực nội tại của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các rủi ro trước khi mở rộng kinh doanh đa ngành…

Áp lực lớn với ngành thiết bị điện Việt

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp trong nước hiện đã sản xuất đáp ứng được khoảng 90% phụ kiện, thiết bị chính cho lưới điện, nhưng đối với lĩnh vực công nghệ thiết bị điện và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng thì năng lực sản xuất trong nước chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Hiện của một vài tên tuổi nội địa quen thuộc như Điện Quang, Rạng Đông, GELEX, còn lại phần lớn vẫn là những doanh nghiệp sản xuất đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc…

Theo giới chuyên gia, các sản phẩm thiết bị điện được sản xuất trong nước đều phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm có xuất xứ từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Đây cũng là thách thức của các doanh nghiệp ngành thiết bị điện nói chung và GELEX nói riêng.

Thị trường thiết bị điện được cho là sẽ còn tiếp tục nóng lên khi liên tục xuất hiện các thương hiệu lớn từ các quốc gia châu Á theo hình thức nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoặc thực hiện các thương vụ M&A để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư công nghệ mới, đầu tư chiều sâu thiết bị điện với công nghệ tiên tiến để nhanh chóng nâng cao năng lực chế tạo thiết bị điện, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Hà Phương