Áp lực hàng tồn kho với Văn Phú – Invest

Hà Phương 30/04/2019 04:20

Các dự án BT của Văn Phú-Invest đang tạm dừng triển khai, chờ Chính phủ ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công thanh toán cho NĐT dự án BT khiến hàng tồn kho bị đọng tại các dự án này.

Hàng tồn kho lớn của VPI đến từ các dự án BT

Hàng tồn kho lớn của Văn Phú – Invest đến từ các dự án BT

 Nợ phải trả vượt vốn chủ sở hữu

Công ty CP Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, doanh thu quý đầu năm của Văn Phú – Invest chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 5 tỷ đồng, từ lãi tiền gửi và tiền cho vay. Tuy nhiên, chi phí tài chính của Văn Phú – Invest cũng tăng mạnh từ 1,5 tỷ đồng ở đầu kỳ lên hơn 8 tỷ đồng, toàn bộ từ chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, gấp 3 lần đầu kỳ với 15,6 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính đã công bố, quý 1/2019 mới ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao một số căn hộ thuộc công trình nhà ở cao tầng (CT9) thuộc dự án khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Các dự án khác chưa bàn giao nên chưa thể ghi nhận doanh thu.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 của Văn Phú – Invest chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng, giảm hơn 62% so với cùng kỳ năm 2018 và thực hiện được 0,5% kế hoạch lãi ròng cả năm (kế hoạch cả năm là 472 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/3/2019, Văn Phú – Invest ghi nhận 4.386 tỷ đồng nợ phải trả, tăng hơn 100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.500 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.885 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ 2.460 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã vượt quá vốn chủ sở hữu hơn 1.900 tỷ đồng.

Rủi ro chính sách 

Văn Phú – Invest là một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn, có vị trí đẹp ở nội thành Hà Nội và TP HCM. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng triển khai và mang lại lợi nhuận lớn trong giai đoạn 2019 – 2022. Ngoài ra, Văn Phú – Invest cũng đang tích cực trong hoạt động M&A để mở rộng quỹ đất sang các tỉnh, thành phố lân cận khi mà đất có vị trí đẹp tại 2 thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh không còn nhiều. 

Tuy nhiên theo đánh giá của Cty Chứng khoán CTS, thị trường bất động sản đã và đang có dấu hiệu chững lại, số lượng giao dịch được thực hiện giảm so với 2018. Thêm vào đó, từ 01/01/2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm về mức 40%. Điều này tác động lớn tới toàn thị trường BĐS khi mà dòng vốn vay để triển khai dự án bị giảm đáng kể. 

Ngoài ra, ngày 28/03/2018, Bộ Tài chính có công văn số 3515/BTC-QLCS gửi các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc tạm dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT. Tiếp theo đó, ngày 28/12/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP yêu cầu Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Theo đó, các dự án BT của Văn Phú – Invest đang tạm dừng triển khai, chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới về việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT. Do vậy, hàng tồn kho rồi vốn vay của Văn Phú – Invest đang bị đọng tại dự án này.

Tính đến cuối tháng 3/2019, Văn Phú – Invest còn 2.128 tỷ đồng hàng tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Trong đó, bao gồm các dự án: Thảo Điền –TP HCM, Khu đô thị An Hưng, Hồ Tây và Ngụy Như Kon Tum. Riêng dự án Thảo Điền TP HCM đã được UBND TP HCM chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án vào ngày 4/4/2019.

Bên cạnh đó, tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối kỳ kế toán quý 1/2019 gần 760 tỷ đồng. Trong đó, dự án 83 Hào Nam chiếm chi phí lớn nhất với gần 398 tỷ đồng.

Hà Phương