Đức Long Gia Lai “đuối sức”
Với việc đánh mất niềm tin và cổ phiếu “lau sàn”, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) nếu không tìm được một đối tác chiến lược lớn, cũng khó có thêm nguồn lực để vực dậy hoạt động.
Trong khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phải “nương tựa” Thaco, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) khựng lại, thì CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) cũng đã bắt đầu ngày càng đuối sức.
Giá cổ phiếu rẻ mạt
Cổ phiếu DLG lên sàn chứng khoán từ năm 2010 với giá 30.000đ/cp. Sau một thời gian giao dịch, DLG đã có bước trượt đáng kể. Nếu theo dõi DLG kỹ một chút, sẽ thấy giá cổ phiếu có một vòng luẩn quẩn khi sau thời điểm chào sàn với định giá cao, lập tức tuột xuống dưới giá chào sàn và đến nay giảm xuống mức 1.370 đồng/cp khi chốt phiên 6/5 vừa qua.
Có thể nói DLG là một trong những cổ phiếu khá “đặc biệt”: Thứ nhất, DLG chưa bao giờ có thị giá được giao dịch vượt giá chào sàn. Thứ hai, DLG cũng là một điển hình trong nhóm các đại gia tập đoàn có hàng chục Cty thành viên, liên kết với chiến lược kinh doanh nghe rất “khủng”, như HQC, OGC… nhưng cổ phiếu luôn sẵn sàng rớt về dưới mệnh giá, hoặc nếu nói đúng thị giá hiện tại, khó mua nổi bó hành- chưa nói tới mua được ly trà đá.
Có thể bạn quan tâm
Giá cổ phiếu được xem là hàn thử biểu sức khỏe doanh nghiệp và kỳ vọng tiềm năng kinh doanh, trừ khi bị thao túng, làm giá, nhưng với DLG, ở góc độ nào, cũng đều cho thấy rất ít được nhà đầu tư quan tâm.
Tầm nhìn lớn, nguồn lực hẹp
Xuất thân từ “phố núi”, có mô hình khởi nghiệp, đi lên và ra với thị trường khá giống HAG, thời gian đầu DLG cũng có gỗ, bất động sản (BĐS), thủy điện, cao su…, từ đó xây chiến lược kinh doanh mở rộng và cơ cấu lại hoạt động.
Sự khác biệt của DLG với hai tập đoàn cùng “phố núi” (HAG và QCG) là sau giai đoạn loay hoay khi lên sàn niêm yết và gặp sóng gió của khủng hoảng địa ốc từ 2010-2012, DLG đã mở rộng sang linh kiện điện tử, BOT, điện mặt trời. Năm 2018, DLG đầu tư thêm vào Cty Chè Biển Hồ và Cà phê Biển Hồ cùng định hướng trồng cây xen kẽ bơ, thanh long và các loai cây ăn trái khác…. cộng với mảng nuôi bò thịt và bò sữa.
Có thể thấy dù nỗ lực thay đổi, DLG vẫn đã và đang có dáng dấp của HAG và đi đúng những gì ông lớn một thuở này từng đi, bao gồm cách thức để lớn lên và lỗ hổng trong đầu tư dàn trải hay quản trị chiến lược, tài chính để đi xuống.
14,3 là tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Cũng tương tự HAG hay QCG, để lớn, DLG chủ yếu thông qua M&A cùng phát hành cổ phần để tăng vốn. DLG đã tăng vốn từ 227 tỷ đồng năm 2017 lên 2.993 tỷ đồng năm 2018, gấp hơn 13 lần. Có vẻ như công thức phát hành cổ phiếu (riêng lẻ huy động vốn hay chi trả cổ tức cổ phiếu thưởng) vẫn luôn có đất dụng võ đối với mục tiêu đòn bẩy tăng quy mô vốn một công ty, và đúng với DLG hơn bao giờ hết.
Nhà đầu tư mất niềm tin
Đặt tầm nhìn xây dựng Cty thành một tập đoàn đầu tư đa ngành mạnh hàng đầu của Việt Nam, DLG lại đang có kết quả kinh doanh không ngừng tuột dốc: Từ hơn 81 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015 xuống còn hơn 14,3 tỷ đồng năm 2018, chỉ đạt 10% kế hoạch đặt ra.
DLG đang có những lỗ hổng quản trị tài chính đáng ngại: Tại báo cáo thường niên 2018, DLG thể hiện rủi ro nội bộ với khoản cho vay 1.400 tỷ đồng (có cho vay cá nhân) không tài sản đảm bảo; Các khoản phải thu ngắn hạn của Cty cũng xấp xỉ nghìn tỷ đồng, trong đó có khoản chưa thu được kéo dài từ 2014 đến nay… Đáng chú ý, DLG vẫn chịu lãi với các khoản nợ vay dài hạn bao gồm trái phiếu hơn 3.310 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận hợp nhất sau thuế quý 1/2019 của DLG chỉ đạt 142 triệu đồng và lợi nhuận sau thuế của Cty mẹ âm gần 1,5 tỷ đồng, nhưng ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT DLG cho biết doanh nghiệp này có thể đạt 90- 100% kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuân sau thuế 250 tỷ đồng năm 2019. Dù vậy, trên nhiều diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư không tin tưởng vào phát ngôn của ông Bùi Pháp.
Một khi không còn giữ được niềm tin với nhà đầu tư, thì kể cả DLG có thay đổi thực sự, cũng khó khiến được người nghe tin tưởng. Bởi vậy, DLG cần thay đổi cách quản trị, trước khi nghĩ đến kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư hàng tỷ USD trong năm nay.
Rủi ro với doanh nghiệp địa ốc và BOT Năm 2018, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán đều đề cập đến một rủi ro chung là cơ chế chính sách thắt chặt, hồ sơ pháp lý chậm giải quyết. Rủi ro này ở 2019 chưa thực sự được giải trừ. Bởi theo chủ trương của Chính phủ, song song với đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DNNN là yêu cầu các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định, trình UBND các địa phương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Theo đó, việc tư nhân hóa đất vàng thông qua hoạt động cổ phần hóa và mua cổ phần thoái vốn của Nhà nước sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Chưa kể, hàng loạt dự án đang bị đình chỉ, thanh kiểm tra rà soát lại, sẽ khiến nguồn quỹ đất từ hoạt động này của các doanh nghiệp địa ốc nói chung, bao gồm các dự án đang dang dở vì vướng thủ tục pháp lý, sẽ chậm lại. Bên cạnh đó, chính sách siết tín dụng vào địa ốc của NHNN đang là nỗi lo chung của các doanh nghiệp địa ốc, từ phía nguồn vốn phát triển dự án, lẫn phía nhà đầu tư sử dụng vốn vay làm đòn bẩy. Ngoài ra, với những doanh nghiệp chuyên đầu tư hạ tầng BT, BOT, PPP… để đổi đất lấy hạ tầng, cơ hội cũng sẽ không còn rộng như trước đây khi năm 2019, hàng loạt dự án BT sẽ là trọng điểm của kiểm toán Nhà nước. Đây sẽ là khó khăn kép của những doanh nghiệp vừa địa ốc vừa BT như DLG và nhiều doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán. Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với những khó khăn ngày càng rõ ràng của doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt gắn kèm mảng BT, thì khả năng M&A theo chiều bán dự án cũng sẽ là một hướng thông tin đáng chú ý. |