Tham vọng phía sau kế hoạch đốt tiền của Shopee

DIỄM NGỌC 13/09/2021 05:15

Được xem là “con nhà giàu” và đốt tiền mạnh tay, Shopee đặt tham vọng tiếp tục giữ vị trí số một tại khu vực Đông Nam Á và vươn ra toàn cầu.

Shopee vượt mặt các ông lớn thương mại điện tử

Theo số liệu cập nhật từ Iprice Group, trong quý 2/2021 mặc dù các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki hay Lazada đều làm ăn tốt trong đại dịch, nhưng tổng lượng truy cập của hai công ty này chỉ bằng một nửa của  Shopee. Cụ thể, Shopee Việt Nam có tổng 72,97 triệu lượt truy cập, trong khi đó của Lazada và Tiki lần lượt là 20,42 triệu lượt và 17,19 triệu lượt. Bên cạnh các ông lớn về TMĐT thì Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cũng xếp thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng về số lượt truy cập. Techwire Asia đánh giá, Shopee hiện đã chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á với 57 % khối lượng hàng bán online tại khu vực trong năm 2020.

Shopee VN đứng đầu bảng xếp hạng khi có tới 72,97 lượt truy cập (nguồn: Iprice)

Shopee VN đứng đầu bảng xếp hạng khi có tới 72,97 lượt truy cập (nguồn: Iprice)

Được biết, Shopee thuộc Sea Group, với thế mạnh có nguồn tiền dồi dào từ mảng game Garena - nhà phát hành game số một Đông Nam Á và hiện đang mở rộng thị trường ra thế giới. Garena đạt lợi nhuận gần 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Như vậy, trong cuộc đua “đốt tiền” trên thị trường TMĐT, dù Shopee gánh khoản lỗ hàng tỷ đô thì Garena được cho là vẫn dư sức mang tiền về để nuôi sàn này.

Có thể thấy, việc phát hành game luôn có tỷ suất lợi nhuận sinh lời cao, và với một số game trên thế giới có tỷ suất lợi nhuận đến 90%, đang đóng góp cho tỷ trong lợi nhuận trước thuế tại Sea Group lên đến 70%. Đây chính là thế mạnh tài chính rất lớn của Sea Group mà các công ty TMĐT hay bán lẻ truyền thống đều thèm khát trong cuộc cạnh tranh đốt tiền khốc liệt.

Vừa qua, Sea Group đã nhanh chóng mở rộng hoạt động của mình ra toàn cầu với việc phát hành game Free Fire và trở thành game di động số một ở Brazil. Ngay sau đó, Sea Group đã đưa Shopee gia nhập thị trường này, app mua sắm Shopee cũng được ghi nhận lượt tải về nhiều nhất tại đây - thị trường TMĐT trị giá 42 tỷ USD. Đặc biệt, Shopee đã cho người dùng chơi các mini game trong ứng dụng, để nhận các voucher giảm giá, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động sang các nước khác như Mexico, Chile và Columbia,... Cùng với đó là kế hoạch mở rộng đến Ấn Độ, Ba Lan, các thị trường mà Garena đã gặt hái được thành công với game Free Fire của mình.

Kế hoạch đốt tiền để mở rộng toàn cầu

Đến nay, thị trường TMĐT toàn cầu vẫn đang bị chiếm lĩnh bởi các ông lớn như Alibaba và Amazon. Do đó, để thực hiện tham vọng của mình, Shopee cần rất nhiều tiền. Sea Group đã chào bán 11 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 3,8 tỷ USD, đồng thời có ý định phát hành 2,5 tỷ USD trái phiếu chuyển đổi. Cổ phiếu của Sea Group tăng hơn 70% trong năm nay là một thuận lợi cho kế hoạch này.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình số hoá và khiến các sàn TMĐT gặt hái được nhiều thành công (ảnh: Internet)

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy quá trình số hoá và khiến các sàn TMĐT gặt hái được nhiều thành công (ảnh: Internet)

Vào tháng 8, Sea Group cũng nâng dự báo hàng năm cho hai hoạt động kinh doanh chính của mình, qua đó nhấn mạnh niềm tin vào hoạt động kinh doanh quốc tế đang mở rộng và đạt được bước phát triển ra ngoài khu vực. Hiện Sea Group đang chuyển dịch sang lĩnh vực Fintech để có thể tăng trưởng hơn nữa bên ngoài hoạt động game và TMĐT. Bằng chứng là công ty đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và mua lại PT Bank Kesejahteraan Ekonomi (Bank BKE) tại Indonesia.

Nathan Naidu, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence phân tích: “Điều này cho phép Tập đoàn mở rộng mảng kinh doanh, không chỉ bao gồm thanh toán mà còn có cả cho vay, bảo hiểm, quản lý tài sản và nhiều dịch vụ tài chính khác".

Trong đó, SeaMoney, mảng kinh doanh dịch vụ tài chính và thanh toán điện tử của Sea Group đã chứng kiến tổng giá trị các giao dịch thanh toán sử dụng dịch vụ ví điện tử trên di động của hãng vượt mức 4,1 tỷ USD trong quý 2, tăng gần 150% so với 1 năm trước. Forrest Li, nhà đồng sáng lập và cũng là Chủ tịch kiêm CEO của Sea Group cho biết, doanh thu của tập đoàn tăng trưởng 159% lên 2,3 tỷ USD trong quý 2 năm nay.

Một chuyên gia kinh tế số nhận định: “Việc lớn mạnh không ngừng của Shopee khi được xem là “con nhà giàu” sẽ đưa sàn TMĐT này tiếp tục giữ vững vị trí số mộtvà trước mắt, người tiêu dùng được hưởng lợi với các khuyến mại tung ra. Tuy nhiên, khi các đối thủ cạnh tranh của Shopee trở nên yếu thế, thì người tiêu dùng có thể bị mất đi sự lựa chọn đa dạng và các doanh nghiệp địa phương cũnggặp khó trong vấn đề cạnh tranh, thậm chí có thể bị nuốt gọn”.

Tại Việt Nam, trong vai "con nhà giàu", ngay năm đầu ra mắt 2016, được rót vốn 50 triệu USD cho vốn điều lệ khởi đầu, Shopee chấp nhận lỗ 164 tỷ đồng. Năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Năm 2019, Shopee đã đạt 1,2 tỷ đơn đặt hàng, đem về doanh thu 17,6 tỷ USD. Mức lỗ EBITDA trên mỗi đơn hàng được điều chỉnh giảm xuống 0,86 USD so với mức 1,42 USD của năm trước. Tuy nhiên, Shopee vẫn công bố mức lỗ EBITDA là 1 tỷ USD vào 2019.

Cuối năm 2020, theo một thống kê của Nikkei Review, Sea Group thua lỗ nặng và Shopee "đóng góp" tới 80% lỗ của Tập đoàn mẹ. Nhưng "con nhà giàu" thì vẫn là "con nhà giàu" bởi Sea Group đang đặt nhiều tham vọng nuôi nấng, đầu tư dài hơi. Để hỗ trợ cho sự nổi trội của sàn thương mại điện tử Shopee, ứng dụng thanh toán điện tử số 1 tại Indonesia của Sea Group, ShopeePay, trên thực tế đã rất hữu dụng.

ShopeePay, trải qua nhiều lần đổi lên, lột xác từ TopPay đến AirPay, là ví điện tử đã được NHNN cấp phép chính thức từ 2015, đang bổ sung cho hệ sinh thái của tập đoàn Sea group với Garena, Ocha, Foody, Now Delivery và Shopee... Việc ứng dụng Shopee liên kết với ví ShopeePay theo đó không chỉ hỗ trợ cho việc thanh toán các đơn hàng khi mua hàng trên Shopee mà còn mở rộng thanh toán cho các ứng dụng đang khá quen thuộc với người dùng khác như Now.vn. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp liên hoàn của start up giaohangtietkiem.vn mà Sea Group đã thâu tóm.

Có thể thấy tương tự như siêu app Grab, Shopee với sự hậu thuẫn của Tập đoàn công nghệ mẹ ở nước ngoài, đang không hề "ngó lơ" lĩnh vực thanh toán số, một lĩnh vực được cho là béo bở và góp sức cho sự bành trướng, hoàn thiện của các hệ sinh thái tài chính - dịch vụ - thương mại điện tử lớn, đặc biệt tại Đông Nam Á và Việt Nam. Đây cũng là mô hình mà Alibaba của tỷ phú Jack Ma từ Trung Quốc đã chứng minh khả năng bành trướng hiệu quả. Hay không nói đâu xa, chính Tencent, tập đoàn "mẹ của mẹ" sở hữu 40% cổ phần của Sea Group, đơn vị đầu tư sở hữu chi phối Gojek và ví điện tử GoPay, cũng đã phát triển thành công với mô hình này.

Có thể bạn quan tâm

  • Alibaba tái cấu trúc tài chính, thu xếp các khoản tiền phạt khổng lồ

    Alibaba tái cấu trúc tài chính, thu xếp các khoản tiền phạt khổng lồ

    05:10, 16/06/2021

  • “Đế chế” JD.com đang thách thức Alibaba!

    “Đế chế” JD.com đang thách thức Alibaba!

    05:00, 02/06/2021

  • Tập đoàn Alibaba rót vốn vào nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan

    Tập đoàn Alibaba rót vốn vào nền tảng tiêu dùng bán lẻ của Masan

    04:29, 19/05/2021

  • Amazon và Alibaba “cuộc chiến tranh lạnh” ở Việt Nam

    Amazon và Alibaba “cuộc chiến tranh lạnh” ở Việt Nam

    03:23, 28/06/2021

  • Các giải pháp phát triển TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam

    Các giải pháp phát triển TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam

    06:00, 10/09/2021

  • Cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT: Khó

    Cơ chế thu thuế qua sàn TMĐT: Khó "bất biến" giữa giao dịch "vạn biến"

    05:00, 28/06/2021

DIỄM NGỌC