"Nâng cao thể trạng" Doanh nghiệp Nhà nước, giải pháp nào?
Theo các chuyên gia, tiến trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước là quá trình phức tạp, khó khăn và đầy mâu thuẫn. Trong bối cảnh mới, cần nhìn nhận, có biện pháp can thiệp và thực thi phù hợp.
Cần Quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho DNNN
Chủ trương hình thành các tập đoàn kinh tế quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đây là thời điểm chín muồi để đưa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn trở thành "sếu đầu đàn" với vai trò dẫn dắt lực lượng doanh nghiệp, cùng tạo ra bức tranh tăng trưởng ngoạn mục vào năm 2045, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển và rút ngắn khoảng cách với các cường quốc trên thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy vai trò của các DNNN cũng được xác định cụ thể rằng: Năng lực của một tập đoàn lớn không chỉ dựa vào sức mạnh tài chính, đất đai mà còn khả năng làm chủ công nghệ, tư duy về phát triển doanh nghiệp sẽ phải đổi mới mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp phải đi đầu cả trong đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đủ năng lực để chủ động tiến vào những ngành nghề lĩnh vực mới.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ kế hoạch & Đầu tư), cần phải sớm hình thành Quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho các DNNN. Đây là động lực quan trọng để các doanh nghiệp có nguồn lực tái đầu tư, cũng như nghiên cứu đổi mới phát triển, vì DNNN hiện nay không có cơ chế sử dụng ngân sách để tái đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Trao đổi với báo giới, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đánh giá, tiến trình cải cách DNNN là quá trình phức tạp, khó khăn và đầy mâu thuẫn.
“Trong bối cảnh mới,chúng ta cần nhìn nhận lại, vai trò của Nhà nước bao giờ cũng quan trọng, nhưng cách thức can thiệp như thế nào,bằng chính sách, bằng điều tiết hay bằng nguồn lực như vốn, tiền,... thì cách thức thực thi ra sao, ai làm và với mỗi cách làm, cần nhìn nhận sao cho phù hợp.Một vấn đề rất quen thuộc đó là, trước kia tất cả các dịch vụ công do doanh nghiệp, tổ chức Nhà nước làm, nhưng đến nay rất nhiều doanh nghiệp tư nhân cũngtham gia vào, mặc dù Nhà nước vẫn can thiệp bỏ tiền”, TS. Võ Trí Thành nêu.
"Nâng cao thể trạng" cho DNNN, giải pháp cụ thể gì?
Trong chuyên đề về tái cơ cấu và cải cách DNNN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, không riêng các cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự thay đổi, mà cần cả sự vận động, thay đổi trong tư duy của các doanh nghiệp. Trong đó, tái cơ cấu DNNN với mục tiêu là "nâng cao thể trạng" của "hạ tầng cơ sở” doanh nghiệp, bắt buộc phải dựa trên nền tảng của một "thượng tầng kiến trúc" hoàn hảo.
Để việc tái cơ cấu DNNN hiệu quả, các chuyên gia đúc kết những điểm cần chú ý sau:
Thứ nhất, DNNN cần đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tái cơ cấu, phổ biến những quan điểm về tái cơ cấu doanh nghiệp đến các thành viên trong công ty để mọi người thấy được tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu.
Thứ hai, DNNN phải kiên quyết, kiên trì một quá trình đổi mới, cải cách thể chế kinh doanh, thể chế tài chính cơ chế tuyển dụng lao động và lãnh đạo, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thứ ba, các DNNN cần trang bị kiến thức đầy đủ. Quá trình tái cơ cấu có rất nhiều thay đổi vì vậy cần đào tạo và trang bị cho đội ngũ lao động những kiến thức cần thiết để có khả năng thích ứng với mô hình mới.
Thứ tư, xác định thời điểm thích hợp để tái cơ cấu. Thời cơ luôn là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp trong bất kỳ tình huống nào. Do vậy doanh nghiệp nên phân tích đánh giá chu kỳ hoạt động, sự thay đổi của môi trường kinh doanh và từ đó xác định thời điểm và quyết định tái cơ cấu hợp lý nhất.
Thứ năm, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, áp dụng chế độ quản trị công ty hiện đại tại các DNNN, thực hiện thi tuyển Tổng giám đốc hoặc thuê Tổng giám đốc là người nước ngoài, trước mắt là ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Thứ sáu, nắm chắc thông tin thị trường, có giải pháp xử lý và dự báo tốt. Nắm được thông tin đã khó, nhưng biết tổ chức để xử lý thông tin, dự báo và ra quyết định đúng, kịp thời còn khó hơn. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải biết tổ chức kênh từ xa đến gần, đội ngũ cán bộ phải tinh, nhạy, có trình độ mới đáp ứng được.
Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến 31/12/2020, các lĩnh vực như dầu khí, hàng không, du lịch,... được đánh giá là gặp nhiều khó khăn năm 2020, do giá nguyên nhiên liệu (giá dầu) giảm sâu, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong khi có những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả nhiều năm liền, do các dự án đầu tư khó khăn, vướng mắc.
Báo cáo chi tiết chỉ ra, trong 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tổng tài sản của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và các công ty mẹ - con là hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với 2019. Tài sản cố định chiếm bình quân 36% tổng tài sản. Chính phủ đánh giá, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động doanh nghiệp khiến lãi trước thuế năm 2020 của 11 tập đoàn, tổng công ty chỉ đạt 116.776 tỷ đồng, giảm tới 21% so với năm 2019.
Riêng các công ty, tập đoàn có lãi trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, như Viettel 39.372 tỷ đồng, PVN 19.860 tỷ đồng, EVN 15.316 tỷ đồng, VNPT 7.055 tỷ...
Với 187 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ 50% vốn, có tổng số lỗ phát sinh của 30 trong doanh nghiệp là 12.003 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 doanh nghiệp ghi nhận lỗ phát sinh 9.032 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp có số lỗ theo báo cáo hợp nhất cao, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ 11.178 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài truyền hình Việt Nam) 265 tỷ đồng; và Tổng công ty Lương thực Miền Nam 210 tỷ đồng... Ngoài ra, một số doanh nghiệp sau chuyển đổi hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu, như công ty mẹ Tổng công ty Cơ khí, xây dựng bị âm vốn sở hữu 54 tỷ đồng (đơn vị này nhà nước giữ 98,76% vốn điều lệ). Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) âm vốn chủ sở hữu 3.227 tỷ đồng, tăng 9% so với 2019.
Ở các DNNN nắm giữ dưới 50% vốn, báo cáo Chính phủ cho biết, có 39/161 doanh nghiệp báo lỗ với tổng số lỗ phát sinh là 322 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 44/161 doanh nghiệp lỗ lũy kế 2.809 tỉ đồng.
Cũng theo báo cáo, tính đến hết năm 2020, có 28 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước (không bao gồm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước) đã thực hiện 131 dự án đầu tư ra nước ngoài, với số vốn khoảng 129,9 triệu USD. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang đầu tư tại 26 quốc gia trên thế giới, với các lĩnh vực chủ yếu là dầu khí, viễn thông, trồng và chế biến cây cao su, khai thác khoáng sản, xây lắp, thương mại, vận tải hàng không.
Về tổng số vốn thu hồi trong năm 2020 là 248,58 triệu USD. Nguồn tiền thu hồi này chủ yếu từ các dự án của Viettel (128,53 triệu USD, trong đó lợi nhuận 70,51 triệu USD); PVN thu hồi được 110,6 triệu USD, lợi nhuận thu về nước là 45,4 triệu USD; còn lại 5 doanh nghiệp khác chuyển về nước số tiền 2,52 triệu USD. Có 21 doanh nghiệp không phát sinh số thu hồi, chuyển về nước trong năm 2020.
Bên cạnh đó, có 28 dự án đầu tư bị lỗ, với tổng số lỗ 236,89 triệu USD, số lỗ của các doanh nghiệp tăng thêm 81 triệu USD so với năm 2019. Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2020, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài tiếp tục gặp khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, chưa có hiệu quả đầu tư. Đó là các dự án đầu tư vào các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, các dự án trồng, chế biến cao su, một số dự án viễn thông có số lỗ lũy kế lớn hoặc mất quyền kiểm soát, gặp rủi ro về tỷ giá.
Có thể bạn quan tâm
Sức khỏe tài chính của Doanh nghiệp Nhà nước ra sao trong COVID-19?
15:29, 19/10/2021
Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?
04:05, 17/07/2021
Chậm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - nguyên nhân từ đâu?
04:30, 16/07/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 12): Doanh nghiệp nhà nước cần cách tiếp cận mới
04:55, 06/03/2021
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 10): Kinh tế thị trường và vai trò của doanh nghiệp nhà nước
04:55, 05/03/2021