Nhiều doanh nghiệp đang “buôn tiền” ra sao?

DIỄM NGỌC 06/11/2021 05:15

Theo chuyên gia, có những công ty có hoạt động kinh doanh chính sụt giảm trong giai đoạn giãn cách, nên đẩy mạnh sang “buôn tiền”, do đó, thống kê các công ty nhiều tiền là góc nhìn không đầy đủ.

Nhiều tiền trên bảng cân đối có chính xác?

Vừa qua, hãng dữ liệu của Anh quốc Refinitiv Eikon đã công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới. Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.

Tính từ đầu năm 2020, Hòa Phát lãi trước thuế 44.375 tỷ đồng, bằng tổng lợi nhuận kiếm được từ 2014 – 2019 (ảnh: Internet)

Tính từ đầu năm 2020, Hòa Phát lãi trước thuế 44.375 tỷ đồng, bằng tổng lợi nhuận kiếm được từ 2014 – 2019 (ảnh: Internet)

Theo công bố, với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới. Việc tăng cường công suất của Hòa Phát rơi vào đúng giai đoạn kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 đẩy nhu cầu tiêu thụ thép lên mức cao.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản xuất lượng thép thô là 6,1 triệu tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 43%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt gần 2 triệu tấn. Tôn Hòa Phát ghi nhận 273.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ.

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh thép của Hòa Phát sản sinh ra dòng tiền lành mạnh. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh thuần trong năm 2020 đạt gần 11.600 tỷ đồng. Ba quý đầu năm 2021, dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh tiếp tục đạt mức gần 13.300 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm 2020, Hòa Phát lãi trước thuế 44.375 tỷ đồng, bằng tổng lợi nhuận kiếm được từ 2014 – 2019. Trong khi đó, Hòa Phát giữ lại hầu hết lợi nhuận để phục vụ đầu tư các đại dự án. Năm 2019 và năm 2020, mỗi năm Hòa Phát chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% cho các cổ đông, còn lại trả bằng cổ phiếu. Từ năm 2016 – 2018, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu, không trả tiền mặt.

Do đó, với số tiền mặt và tiền gửi "khổng lồ" thời điểm hiện tại, Hòa Phát đang tích lũy nguồn lực cho việc đầu tư Nhà máy Dung Quất giai đoạn 2 công suất 5,6 triệu tấn/năm, tập trung vào HRC. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới 85.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education cho rằng, thống kê các công ty nhiều tiền là góc nhìn không đầy đủ. Bởi phần lớn các công ty niêm yết có số dư tiền lớn là các công ty “buôn tiền”. Nhờ có vị thế, điểm tín dụng và thế chấp bằng hàng tồn kho, họ đi vay lãi suất thấp để đầu tư ngắn hạn kiếm lời. Đây là hoạt động treasury (quản lý ngân quỹ) cơ bản được nhiều công ty áp dụng, để tạo thêm lợi nhuận cho cổ đông.

Có những công ty có hoạt động kinh doanh chính sụt giảm trong giai đoạn giãn cách nên đẩy mạnh sang “buôn tiền”. Thậm chí như công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), còn cho cả công ty chứng khoán vay, đầu tư tài chính dài hạn tăng vọt lên 5.000 tỷ đồng, kiếm doanh thu tài chính bù đắp phần nào doanh thu/lợi nhuận giảm trong những tháng vừa qua. Đó cũng có thể là một lý do quan trọng khi cửa hàng đóng cửa do giãn cách, nhưng hàng tồn kho vẫn tăng đáng kể”, ông Long dẫn chứng.

Cũng theo vị chuyên gia, nghiệp vụ “treasury” là truyền thống của HPG nhiều năm qua và cũng là công ty đi tiên phong trong việc này. Dư tiền tăng vọt nhưng dư vay ngắn hạn tăng cũng rất khủng. Và như thế, dư nhiều tiền trên bảng cân đối thì cũng cần tính đến vay ngắn hạn tăng lên như thế nào...

Kiếm lời từ đầu tư tài chính

Lý giải về vấn đề tại sao MWG có chi phí vốn rất thấp, nhưng có thể kiếm lời rất tốt từ đầu tư tài chính, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Group đưa ra một số đánh giá như sau:

Thứ nhất, MWG có chi phí vốn vay bình quân (Cost of Financing - CoF) chỉ ở mức 3,7%/ năm trong tổng số nợ vay ngắn và dài hạn là 18,06 nghìn tỷ vào cuối quý 3/2021. Trái phiếu của MWG huy động có thể có mức chi phí vốn cao hơn đáng kể, ví dụ trái phiếu phát hành cho Manulife ở mức 6,55% - chưa tính phí bảo lãnh, tuy nhiên, trong tổng cơ cấu vốn vay (ngắn và dài hạn) thì dư nợ huy động trái phiếu chỉ 1,13 nghìn tỷ, tức chiếm khoảng 6,3% tổng nợ vay. Do đó, trong tổng số 12.900 tỷ đồng đầu tư tài chính (bao gồm đầu tư tài chính ngắn hạn, đầu tư tài chính dài hạn - không tính đầu tư vào công ty liên kết để ăn cổ tức; và phải thu từ cho vay) thì phần lớn nguồn vốn dùng cho hoạt động đầu tư của MWG là dùng từ nguồn vốn vay ngắn hạn vốn có chi phí vốn thấp hơn nhiều.

Có những công ty có hoạt động kinh doanh chính sụt giảm trong giai đoạn giãn cách nên đẩy mạnh sang “buôn tiền” mà MWG là một ví dụ (ảnh: Internet)

Thứ hai, tỷ suất lợi nhuận đầu tư bình quân của MWG ở mức 7,2%, được xem là mức tỷ suất ổn định trong 4 quý vừa qua. Nếu so với mức CoF bình quân 3,7% thì mức chênh lệch khá lớn là 3,5%. Đây là mức lợi nhuận rất cao và không kém gì Biên lợi nhuận tín dụng của các ngân hàng thương mại và cao hơn cả lợi nhuận kinh doanh trái phiếu của các CTCK.

Thứ ba, mức biên lợi nhuận này giúp đem lại khoản lợi nhuận tài chính khá lớn, 243 tỷ đồng trong quý 3/2021 và chiếm 25,1% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (đã bao gồm khoản lợi nhuận tài chính này).

Thứ, khi nhìn vào danh sách “chủ nợ” của MWG đều là các định chế tài chính quốc tế và khu vực có uy tín, do vậy, đây là một phần quan trọng của hoạt động tài chính doanh nghiệp được coi là khả năng nắm bắt cơ hội, nhằm tối đa hóa giá trị cho cổ đông trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Thuân, MWG có thể có mức CoF thấp nhưng thế mạnh để giúp tạo lợi nhuận từ hoạt động này cho MWG đó là: MWG có lưu lượng hàng tồn kho rất lớn, luôn ở mức 20.000-22.000 tỷ đồng trong năm qua, đều có giá trị thanh khoản cao, mặc dù vòng quay ở mức 2-3 tháng/ năm. Bên cạnh đó, hệ số đòn bẩy tài chính (Nợ vay/ Vốn chủ) ở mức 0,96x tại cuối quý 3/2021, đây là mức rất thấp so với bình quân ngành bán lẻ.

Quan trọng hơn, hệ số bao phủ nợ vay (Net Debt/ EBITDA) ở mức an toàn là 3,5x, nghĩa là mất bình quân 3,5 năm để trả hết số gốc vay này, nếu không vay thêm và EBITDA không cần tăng trưởng). Hệ số khả năng chi trả lãi vay (EBITDA/Chi phí lãi vay) ở mức cũng an toàn: 6,8 lần, nghĩa là năng lực lợi nhuận bằng tiền tạo ra gấp rất nhiều lần áp lực trang trải chi phí lãi vay, cao hơn nhiều so với bình quân ngành Bán lẻ và nhiều công ty cùng ngành.

Mặt khác, MWG chủ yếu đầu tư vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng với lãi suất 6-9% và khoản cho vay công ty chứng khoán HSC. Do đó, rủi ro được đánh giá là thấp, nhưng còn tuỳ thuộc trái phiếu của ngân hàng nào. Riêng HSC thì thuộc top 3 các CTCK mà mô hình chấm điểm độ an toàn tín dụng của FiinRatings đã phát triển cho ngành này tại Việt Nam, do ít phụ thuộc hơn vào nguồn thu tự doanh và chất lượng nguồn thu môi giới vượt trội, đặc biệt nhờ thị phần lớn từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Song, nếu đó là trái phiếu của các ngân hàng nhỏ thì rủi ro cũng khá lớn, khi nhìn lại tỷ lệ 8 ngân hàng yếu kém trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đã từng vỡ nợ về mặt kỹ thuật và sau đó được kiểm soát đặc biệt bởi NHNN, hoặc buộc phải sáp nhập trong giai đoạn 15 năm qua.

Đến nay, theo dữ liệu của FiinGroup cho biết, có khoảng 110 doanh nghiệp trong tổng số 1.645 công ty phi tài chính niêm yết (HOSE, HNX và đăng ký giao dịch UPCoM) tham gia tích cực vào hoạt động đầu tư tài chính, bao gồm đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cho vay tín dụng và cả phái sinh hàng hoá... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệpnào cũng có mức lợi nhuận hấp dẫn và cũngcó một số doanh nghiệp có danh mục "phải thu từ cho vay" lớn không kém một công ty tài chính cỡ vừa”, ông Thuân cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơn sốt đầu tư tài chính khiến các ứng dụng tài chính nhảy lên top 1

    03:52, 02/02/2021

  • Hành trình triệu đô: Đầu tư tài chính - cơ hội hay rủi ro?

    13:10, 31/08/2020

  • Xuân sớm... với giới đầu tư tài chính

    16:00, 25/01/2020

DIỄM NGỌC