Học May Sông Hồng “bán nợ”
Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) đã hóa giải thành công thách thức đối với khoản nợ khó đòi có giá trị lớn từ đối tác New York & Company đã nộp đơn phá sản.
Đây là bài học mà các doanh nghiệp khác cần học hỏi MSH trong giao thương quốc tế.
Rủi ro ngoài dự đoán
Tại cuối quý IV/2020, MSH phải trích lập dự phòng rủi ro 150 tỷ đồng cho khoản phải thu 218 tỷ đồng với chuỗi thời trang New York & Company từ Mỹ. Khoản này theo MSH, dự kiến có thể thu hồi 81 tỷ đồng (~37% giá trị phải thu ban đầu); nhưng nếu không thu hồi được khoản nợ này, sẽ là vấn đề lớn với tài chính doanh nghiệp.
Chuỗi thời trang New York & Company là một trong 3 đối tác lớn nhất giúp MSH mở rộng thị trường tại Mỹ trong thời gian qua. Công ty này sở hữu gần 400 cửa hàng New York & Company tại 32 bang trên khắp nước Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 7/2020, và có thể hãng này sẽ đóng cửa gần hết, thậm chí là tất cả các cửa hàng, theo Washington Post.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là tại báo cáo tài chính quý III/2021 của MSH, Công ty đã bán được khoản phải thu New York & Company ở mức giá khá sát sao theo kế hoạch là 80 tỷ đồng. Không còn khoản phải thu, Công ty tiết giảm mạnh chi phí quản lý, bên cạnh tiếp tục tăng trưởng hoạt động kinh doanh chính là hoàn nhập dự phòng, MSH ghi lợi nhuận sau thuế 119 tỷ đồng, tăng tới 179% so với cùng kỳ năm ngoái.
119 tỷ đồng là khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2021 của MSH, tăng 179% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Kỹ thuật” hợp tác trung gian
Với khoản nợ của một Công ty đã đệ đơn phá sản nhưng vẫn bán được, MSH có thể nói đã “thoát hiểm” trong gang tấc. Hiện thị trường vẫn đang chưa rõ MSH làm cách nào để “bán” khoản nợ này theo dự kiến, trong khi rất khó để trông chờ đối tác ưu tiên thanh toán nợ.
Một chuyên gia phân tích về mặt nguyên tắc, Luật phá sản của các doanh nghiệp quốc tế cũng sẽ ưu tiên bán tài sản, thanh toán nợ cho các đối tác theo thứ tự lớn đến nhỏ. Xem xét quan hệ của MSH với New York & Company thì đối tác này hàng năm vẫn đóng góp 25% doanh thu mảng FOB (mua đứt bán đoạn) của MSH. Như vậy đây là đối tác lớn không chỉ nhìn từ phía MSH mà còn cả từ chiều ngược lại. Do đó, trong khả năng thanh toán nợ của đối tác, có thể MSH ở vị thứ ưu tiên.
Hơn thế, vị chuyên gia này phân tích, MSH không hoàn toàn giao dịch trực tiếp với đối tác Mỹ mà qua trung gian. Được biết ở đây là Công ty TNHH Easy Macao Offshore Limitted. Ở tư cách phía bên mua, khi New York & Company xin phá sản, thì đối tác trung gian sẽ phải có trách nhiệm với khoản nợ của MSH. “Easy Macao có thể là đối tác “mua nợ” của MSH và điều này là phù hợp, hoàn toàn không theo nghĩa MSH đã sử dụng “chiêu” nào để bán khoản nợ khó đòi cho bên khác”, chuyên gia nói.
Cũng theo ông này, thì đây có thể là một trong những hướng mà các doanh nghiệp Việt Nam nên xem để phòng ngừa rủi ro đối tác quốc tế phá sản. Ngoài ra, ông cũng cho rằng mất New York & Company với khoảng 15% tổng doanh thu, MSH cũng không ảnh hưởng bởi tại Mỹ, thị trường lớn của Dệt May Việt, MSH đã bắt tay được với Walmart, đối tác mới chỉ ký kết vào năm 2019. “Bất chấp khó khăn vì dịch và chi phí logistics, những doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng, đang hoạt động hết công suất, sẽ hứa hẹn sự phục hồi tích cực vào cuối năm 2021”, chuyên gia dự báo.
Có thể bạn quan tâm