Giải toả gánh lo chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Có 2 vấn đề lớn cần cải thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giải toả gánh nặng chi phí phát sinh khi vận hành, đó là tăng khả năng tiếp cận tín dụng và đơn giản hóa thủ tục hành chính...
>>> Giảm chi phí để doanh nghiệp phục hồi: Một đồng cũng quý!
Gánh nặng chi phí tuân thủ
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, có 5 loại chi phí có thể phát sinh từ quy định pháp luật đó là: Chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư, phí và lệ phí, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức. Tuy nhiên hiện nay, tồn tại rất nhiều quy định làm chi phí tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp tăng cao bất hợp lý, phát sinh nhiều hệ lụy, thậm chí có những doanh nghiệp cho biết sẵn sàng chấp nhận vi phạm quy định rồi nộp phạt để hoạt động, vì nếu tuân thủ gây tốn chi phí đầu tư nhân lực, thời gian và cả chi phí cơ hội.
Một điển hình còn nhớ vào năm 2018, Bộ Công thương đã bãi bỏ Nghị định 19/2016/NĐ-CP thay thế bằng Nghị định 87/2018/NĐ-CP, trong đó cắt bỏ nhiều yêu cầu vô lý với doanh nghiệp trong ngành kinh doanh khí. Ví dụ như thương nhân phân phối khí phải đảm bảo các điều kiện sở hữu ít nhất 100.000 bình gas, sở hữu bồn chứa 300m³, đây được xem là những điều kiện kinh doanh gây rất nhiều phản ứng tranh cãi từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau khi Nghị định 87 có hiệu lực, thì những vướng mắc mới cũng bắt đầu xuất hiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thanh Hải cho biết, theo Nghị định 87, mỗi lần xuất một bình gas ra người bán phải ghi số Series, ngày sản xuất, hạn sử dụng, mà thời gian ngắn nhất để thực hiện thao tác cũng phải mất ba phút. Nếu một ngày, tổng đại lý xuất số lượng khoảng vài trăm bình gas, thì nhân sự của tổng đại lý phải nhân lên gấp đôi khiến đẩy chi phí tăng cao.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội khuyến nghị: “Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh là ở giai đoạn những năm 2000-2003, nhưng sau đó bẵng đi một thời gian và đến năm 2018 mới tái khởi động lại chương trình này. Do đó, lần thực hiện Nghị quyết 68 này, tôi cho rằng Chính phủ nên thực hiện đúng, nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính”.
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết 68/NQ-CP, về chương trình cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 được Chính phủ ban hành, là cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Theo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính (APCI) năm 2020, trên nhóm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của thủ tục môi trường là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp. Cụ thể, để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm này, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 61,5 giờ và cứ 100 doanh nghiệp thì có 52 doanh nghiệp thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến môi trường, đặc biệt là các thủ tục thẩm định, phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tiếp theo là chi phí tuân thủ về xây dựng, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 21,2 giờ, chi phí trực tiếp là 4,7 triệu đồng cho các loại chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, các loại phí và lệ phí theo quy định cộng một phần chi phí không chính thức.
Về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng Luật BQH và cộng sự đánh giá, hiện nay, chúng ta phải nhìn đến yếu tố chung việc cắt giảm thủ tục hành chính mang tính chất là cởi trói cho doanh nghiệp. Nhưng tùy theo từng điều kiện chứ không phải cái gì cũng cởi, bỏ hết thì không được, vì nguyên tắc quản lý Nhà nước là phải tiến hành xem xét cấp phép.
“Đến nay, Chính phủ đã đi theo hướng hậu kiểm, nghĩa là ban đầu cấp phép rất đơn giản, nhưng trong quá trình thực hiện sẽ giám sát, kiểm tra và xử phạt trong trường hợp không đáp ứng được các tiêu chí pháp luật quy định. Tôi cho rằng đây là một bước tiến mới, song để làm được việc này cũng đòi hỏi một khối lượng cán bộ hậu kiểm khá lớn và trong kiểm tra thì phải đảm bảo tính khách quan.
Đặc biệt, tất cả các dự án làm nếu bị phát hiện có đơn tố cáo, kiến nghị thì cơ quan nhà nước phải xem xét hết sức rõ ràng, công khai, có quy trình và trả lời người dân, tránh trường hợp khiếu nại nhưng không ai giải quyết”, LS. Hưng đề nghị.
[Gói tín dụng cấp bù lãi suất: "Liều oxy" cấp thiết cho doanh nghiệp]
Giải pháp cấp bách
Có thể thấy, đã có những chuyển biến nhất định trong tiến trình cải cách cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng mức độ cải cách đặc biệt là trong giai đoạn này đang chững lại vì nhiều nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và khách quan. Hơn lúc nào hết, khi doanh nghiệp vẫn còn đang khó khăn tới dịch bệnh, thì điều mà doanh nghiệp cần chính là sự vào cuộc rốt ráo của Chính phủ, để doanh nghiệp được đồng hành, tiếp sức. Chính sách tốt nhưng nếu thực thi chưa tốt sẽ khó có thể đem lại một kết quả cải cách tốt.
Trao đổi với báo giới, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morriset đánh giá tổng quan của ông về khu vực tư nhân ở Việt Nam là vẫn lạc quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản nhất định dành cho một đối tượng gọi chung là khu vực tư nhân, nhưng khu vực tư nhân thì không phải là một cá thể, mà có các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tất cả loại hình doanh nghiệp này khác nhau, có loại hình này thành công hơn loại hình khác,...
“Trong báo cáo điểm lại của WB, chúng tôi đã nêu những khó khăn rào cản mà chính các doanh nghiệp kể ra. Một trong những rào cản lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn và tài chính của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, họ rất khó có thể tiếp cận được nguồn tín dụng từ ngân hàng.
Để giải quyết được vấn đề, Việt Nam phải gỡ bỏ được các rào cản trong việc tiếp cận vốn và tín dụng. Đây phải được nhìn nhận là việc làm ưu tiên hàng đầu nếu muốn khu vực tư nhân phát triển. Đồng thời, cần thiết phải phát triển được thị trường vốn trong đó có thị trường chứng khoán và trái phiếu.
Bên cạnh đó, phải xây dựng một môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp. Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2020, Việt Nam xếp hạng 70, kết quả này cũng là khá tốt, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế, bởi Việt Nam trong 2 năm liên tiếp gần đây đều không có sự cải thiện về thứ hạng. Tôi nghĩ, có một số việc mà Việt Nam có thể làm ngay đó là đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và tiếp tục phát huy triển khai các thủ tục điện tử, bởi nó sẽ giúp tiết kiệm thời gian chi phí cho doanh nghiệp”, vị chuyên gia khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Phòng ngừa tham nhũng trong chi phí phòng, chống dịch
11:44, 08/11/2021
Dự thảo Thông tư về giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y: Loại phí được giảm… quá ít
03:30, 20/07/2021
Hỗ trợ giảm phí, lệ phí: Ngành vận tải đề xuất giảm sâu để phù hợp thực tiễn
11:55, 10/06/2021
TRỰC TIẾP: Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”
14:00, 27/10/2021