Evergrande chuẩn bị tái cơ cấu nợ
Theo các nhà phân tích, Evergrande chuẩn bị tiến tới tái cơ cấu nợ bao gồm tất cả trái phiếu công và nợ tư nhân ở nước ngoài.
>>> S&P Global Ratings dự báo Evergrande có thể vỡ nợ
Nhà phát triển bất động sản China Evergrande hôm 6/12 cho biết, để đối phó với khoản nợ 300 tỷ USD, doanh nghiệp này đang thành lập một Ủy ban quản lý rủi ro, đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ rủi ro trong tương lai của công ty.
Thời gian qua, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới đã phải vật lộn để huy động vốn để trả cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư.
Trước thông tin tái cơ cấu lại, cổ phiếu Evergrande đã tăng trở lại, với biến động tăng nhẹ 1,66% khi đóng cửa. Các cổ phiếu bất động sản khác niêm yết tại Hồng Kông cũng tăng. Sun Hung Kai tăng 4,43% và China Vanke tăng 2,77%. Sunac tăng hơn 15%.
Trước đó, hôm 3/12, Evergrande cho biết có vướng mắc khiến họ không thể đảm bảo có đủ tiền cho các nghĩa vụ trả nợ và đã chuyển sang kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài.
Trong ngày 6/12, một tin vui nữa đến với giới đầu tư khi Trung Quốc có động thái nới lỏng, theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải giữ làm dự trữ, lần thứ hai trong năm nay. Điều đó giải phóng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (282 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng đang chậm lại trong bối cảnh đại dịch.
Đánh giá về động thái này, Rodrigo Catril, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Úc cho biết quyết định của PBoC theo đúng cam kết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc sẽ ổn định nền kinh tế vào năm 2022, báo hiệu việc nới lỏng một số hạn chế tài sản. Hiện lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các động thái của Chính phủ nhằm kiềm chế nợ.
Martin Hennecke, người đứng đầu bộ phận truyền thông và tư vấn đầu tư châu Á tại St. James’s Place cho biết: “Có vẻ như việc tái cấu trúc trái phiếu công khai và nợ tư nhân ở nước ngoài của Evergrande sẽ sớm diễn ra”.
Vẫn chưa có thông tin nào từ nhà phát triển về việc liệu họ đã trả 82,5 triệu USD tiền lãi hay chưa - thời gian gia hạn 30 ngày đã kết thúc vào ngày 6/12. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, chưa chắc khoản lãi đã được trả, do kế hoạch tái cơ cấu của công ty.
Đây sẽ là lần đầu tiên công ty chính thức vỡ nợ khi họ không xoay sở để thực hiện một vài khoản thanh toán lãi cuối cùng vào giờ chót - trong thời hạn gia hạn.
>>> Nguy cơ sóng “vỡ nợ” của China Evergrande lan sang Mỹ
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ là điều đáng chú ý trong việc xoay chuyển tình thế đối với thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
“Theo tôi, điều đáng chú ý gần đây nhất là luận điệu của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thay đổi đáng kể, với trọng tâm là nới lỏng, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nới lỏng hạn chế rộng rãi hơn đối với lĩnh vực bất động sản, một cam kết cho ổn định kinh tế vào năm 2022 và tập trung vào hỗ trợ kinh tế thông qua các công cụ chính sách tiền tệ khác nhau”, Hennecke nói.
Ông Hennecke cho biết việc nới lỏng của Trung Quốc đặc biệt có ý nghĩa vì chính lập trường cứng rắn của Chính phủ trong việc giảm nợ và các biện pháp thắt chặt khác trong lĩnh vực bất động sản đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại ngay từ đầu.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các động thái của Chính phủ nhằm xử lý nợ. Các vấn đề của Evergrande trở nên nhức nhối sau khi các nhà chức trách đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào năm ngoái. Chính sách đó đặt ra một giới hạn đối với nợ liên quan đến dòng tiền, tài sản và mức vốn của một công ty. Điều đó bắt đầu kìm hãm các nhà phát triển sau nhiều năm tăng trưởng do nợ nần chồng chất.
Những lo lắng về khoản nợ khổng lồ của Evergrande đã làm chao đảo thị trường toàn cầu trong bối cảnh lo ngại về khả năng lan tỏa sang phần còn lại của ngành bất động sản Trung Quốc hoặc thậm chí là nền kinh tế rộng lớn hơn. Khi cuộc khủng hoảng nợ của nó được làm sáng tỏ, các nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng - một số bỏ lỡ các khoản thanh toán lãi suất, trong khi những người khác vỡ nợ hoàn toàn.
Có thể bạn quan tâm
S&P Global Ratings dự báo Evergrande có thể vỡ nợ
04:29, 20/11/2021
Nguy cơ sóng “vỡ nợ” của China Evergrande lan sang Mỹ
05:15, 10/11/2021
Sau cú sốc Evergrande, một doanh nghiệp Trung Quốc chuyên địa ốc xanh vỡ nợ
04:59, 27/10/2021