Ấn Độ cấm Garena của Sea Ltd., Shopee vạ lây
Lệnh cấm của Ấn Độ đối với ứng dụng trò chơi Garena Free Fire của Tập đoàn SEA khiến người bán trên trang thương mại điện tử Shopee của SEA sợ hãi.
Công ty mẹ Shopee muốn huy động 6,3 tỷ USD
Đòn nặng cho Sea Ltd.
Tuần trước, trò chơi điện tử trên điện thoại Battle Royale Free Fire của Garena đã lọt vào danh sách theo Mục 69 A của Đạo luật Công nghệ Thông tin, theo đó Free Fire sẽ bị cấm tại thị trường Ấn Độ. Garena là chi nhánh trò chơi của Sea Ltd. cũng sở hữu Shopee. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent là một trong những nhà đầu tư quan trọng với 18,7% cổ phần.
Free Fire, được hưởng lợi một cách thú vị từ lệnh cấm đối với PUBG (Player Unknown's Battlegrounds) Mobile vào tháng 9 năm 2020, là ứng dụng có doanh thu cao nhất trên Google Play và App Store của Apple vào năm 2021. Free Fire đạt khoảng 34,3 triệu USD trong chi tiêu ứng dụng vào năm ngoái, theo ước tính của công ty tình báo ứng dụng Sensor Tower chia sẻ với Moneycontrol.
Với lệnh cấm của Ấn Độ với Free Fire đã gây ảnh hưởng ngay lập tức đến cổ phiếu của Sea Ltd., giá cổ phiếu của Sea giảm tới 18% trên sàn NYSE (Mỹ). Trong phiên giao dịch ngày 14/2 tại thị trường New York, cổ phiếu Sea niêm yết trên NYSE (SE) sụt 18,4%, còn 129,17 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hoá thị trường của công ty giảm còn 71,6 tỷ USD, từ mức gần 88 tỷ USD trước đó. Đến phiên cuối tuần cổ phiếu SE tiếp tục giảm còn 127,69 USD/cổ phiếu, giảm 7,24% giá trị.
Shopee vạ lây
Đáng chú ý, sau lệnh cấm của Ấn Độ đối với ứng dụng trò chơi Garena Free Fire, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào công ty thương mại điện tử Shopee, thuộc sở hữu của cùng một tập đoàn.
Theo các nguồn tin của Moneycontrol cho biết, Shopee đã đổ bộ âm thầm vào thị trường Ấn Độ vào năm ngoái, hiện mỗi ngày trang thương mại điện tử này đang tiếp nhận hơn 3,5-4 vạn đơn đặt hàng, theo các nguồn tin của Moneycontrol cho biết.
Moneycontrol là người đầu tiên báo cáo về việc mở rộng hoạt động kinh doanh của Shopee tại Ấn Độ và cách nó tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh của mình với trọng tâm là lượng đặt hàng.
Ngay cả khi chính phủ chưa đưa ra lệnh cấm ngay lập tức đối với Shopee, động thái tác động lên Sea Group đã phủ bóng đen lên kế hoạch mở rộng của Shopee tại một thị trường bị thống trị bởi Amazon và Flipkart.
Rameesh Kailasam, Giám đốc điều hành của IndiaTech.org cho biết: “Điều này có thể có tác động đến các kế hoạch mở rộng đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách cấm nếu chính phủ nhanh chóng quay lưng và bắt đầu hành động”.
Praveen Khandelwal, Tổng thư ký của Liên minh các thương nhân Ấn Độ nói với Moneycontrol: “Ấn Độ đang thiếu các chính sách và quy định, đặc biệt là đối với một số kênh kinh doanh rất hứa hẹn như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và các ngành dọc dẫn đầu bởi công nghệ khác. Bây giờ đã đến lúc đóng khung chính sách, luật và quy tắc cần thiết cùng với cơ quan quản lý”.
Tham vọng phía sau kế hoạch đốt tiền của Shopee
Mặc dù Sea Ltd. không có trụ sở tại Trung Quốc, nhưng lại lọt vào tầm ngắm của chính phủ Ấn Độ do người sáng lập Forrest Li là người gốc Trung Quốc, tập đoàn coi Tencent của Trung Quốc là nhà đầu tư chính và Shopee bị cáo buộc đã sử dụng Tencent Cloud để lưu trữ dữ liệu.
Ấn Độ bắt đầu cấm các ứng dụng liên quan đến Trung Quốc vào năm 2020 sau căng thẳng quân sự giữa hai nước ở biên giới Ladakh. Các ứng dụng đã bị cấm bao gồm nền tảng TikTok.
Trung Quốc là một chủ thể nhạy cảm, và các chính phủ cũng như các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang thận trọng trước những tham vọng chính trị của nước này. Đặc biệt, Ấn Độ lo lắng về khả năng thu thập dữ liệu của người tiêu dùng Ấn Độ và gần đây họ đã tuyên bố cấm 54 ứng dụng Trung Quốc khỏi cửa hàng ứng dụng của mình.
Theo Moneycontrol, trước những lo ngại về việc Shopee có thể là đối tượng tiếp theo bị cấm tại Ấn Độ, một số người bán hàng trên sàn thương mại điện tử này đang băn khoăn liệu có nên bán hàng tồn kho khỏi Shopee hay không. Họ lo ngại lệnh cấm đối với Shopee, tương tự như lệnh cấm đối với nhà máy sản xuất và bán lẻ của Trung Quốc Club Factory và Shein vào năm 2020. Tâm lý lo ngại leo thang sẽ khiến Shopee lung lay vị thế của mình ngay từ khi mới bắt đầu tham gia cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ, nới có nhiều đối thủ lớn như đã nói ở trên.
Đáng chú ý, theo quan điểm của The Motley Fool, nhà đầu tư có thể đang phản ứng thái quá. Theo đó, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Sea Limited, Shopee, là câu chuyện tăng trưởng thực sự trong tương lai của công ty. Đây là một trong những trang web thương mại điện tử phổ biến nhất ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh và hiện nó đang mở rộng thành công sang châu Âu. Công ty có doanh thu cao nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong số các mảng kinh doanh của mình, đạt doanh thu 1,5 tỷ USD trong quý 3, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan trọng hơn, công ty có những cơ hội phát triển lớn ở phía trước. Họ chỉ mới mở rộng sang Ba Lan, Tây Ban Nha và Pháp trong vài tháng qua, và nó đã thành công rực rỡ ở đó. Shopee là ứng dụng Google Play và IOS phổ biến nhất trong danh mục mua sắm ở Ba Lan và nó là ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trên Cửa hàng Google Play ở Tây Ban Nha. Hiện tại, Shopee đang hoạt động tại 16 quốc gia trên thế giới và nếu Sea tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình như trong vài tháng qua, Shopee được kì vọng có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng. Như vậy, xét đến sự đa dạng về địa lý của Shopee nếu không phát triển được ở thị trường Ấn Độ, Shopee vẫn còn nhiều dư địa để để mở rộng.
Có thể bạn quan tâm
“Lấy nông thôn vây thành thị” nhìn từ Shopee (Phần 1)
04:08, 05/02/2022
“Lấy nông thôn vây thành thị” nhìn từ Shopee (Phần 2)
04:08, 06/02/2022
Shopee "lấn sân" thử đồ ảo
03:08, 08/12/2021
Đằng sau động thái mở cửa hàng trên Shopee, Tiki của Thế giới di động
13:02, 14/09/2021