Việt Nam có đơn vị xác nhận trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế

L. MỸ 11/03/2022 13:30

FiinGroup cho biết vừa chính thức được Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Initiative, viết tắt là “CBI”) chứng nhận là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh...

>>Trái phiếu xanh của BIM Land hay cơ hội vốn mới của doanh nghiệp Việt?

Theo đó, FiinGroup được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh được phát hành bởi các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chương trình của tổ chức này.

Fiin Group trở thành tổ chức đầu tiên được ủy quyền xác nhận

FiinGroup trở thành tổ chức đầu tiên được ủy quyền xác nhận các trái phiếu xanh ở Việt Nam

CBI là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế hướng tới các nhà đầu tư với mục tiêu huy động 100 ngìn tỷ USD trên thị trường trái phiếu phục vụ cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp cắt giảm chi phí vốn.

CBI thực hiện phân tích thị trường, nghiên cứu chính sách, phát triển thị trường; cố vấn cho các chính phủ và cơ quan quản lý; điều hành chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu xanh toàn cầu. Tổ chức này cũng sàng lọc các công cụ tài chính xanh theo Hệ thống Phân loại Trái phiếu Khí hậu để xác định mức phù hợp và sử dụng các tiêu chí đáp ứng điều kiện ngành để cấp chứng nhận, qua đó tăng cường các lợi ích tài chính cho không chỉ đơn vị phát hành mà cả các nhà đầu tư.

Để tiếp cận với nguồn vốn trái phiếu huy động từ các quỹ đầu tư trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt được giấy chứng nhận của CBI. Chứng nhận của CBI là tiêu chuẩn/ nhãn trái phiếu xanh duy nhất được sử dụng và có giá trị trên phạm vi toàn cầu.

“Lợi ích tham gia vào chương trình trái phiếu xanh của CBI là rất lớn. Đó là cơ hội tiếp cận nguồn vốn rộng lớn trên thế giới với chi phí vốn hợp lý hơn cũng như quảng bá hồ sơ năng lực của doanh nghiệp trên thị trường vốn. Chúng tôi đang làm việc với CBI để có những hướng dẫn và hỗ trợ tốt nhất cho nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam tham gia vào chương trình này” - ông Nguyễn Minh Tú – Giám đốc điều hành Khối Xếp hạng Tín nhiệm FiinRatings của FiinGroup cho biết.

Theo Fiin Group, tài chính xanh và trái phiếu xanh là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Quy mô phát hành trái phiếu xanh trên thế giới đạt quy mô 505 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến đạt 1000 tỷ USD vào năm 2022, theo các chuyên gia của Morgan Stanley. Riêng tại Việt Nam, trái phiếu xanh có quy mô phát hành ở mức 284 triệu USD đến đầu năm 2021 thông qua 4 đợt phát hành bao gồm bởi trái phiếu được một tổ chức được Chính phủ bảo lãnh (23,4 triệu USD), một chính quyền thành phố (3,6 triệu USD) và hai khoản vay xanh (tương ứng 71 triệu USD và 186 triệu USD).

>> Vinpearl phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu

Các ngành tại Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của CBI và các nhà đầu tư quốc tế bao gồm năng lượng tái tạo, tài nguyên nước, nông nghiệp xanh và xử lý chất thải.

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật về tài chính xanh ở Việt Nam đã được quan tâm và xây dựng ở giai đoạn sơ khai, Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 tại Châu Âu, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (zero carbon) vào năm 2050. 

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), thuật ngữ trái phiếu xanh, hay còn được gọi là TPCP xanh, lần đầu tiên xuất hiện chính thức tại Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ban hành ngày 30/6/2018. Điều khoản trong Nghị định này xếp trái phiếu xanh thuộc nhóm TPCP và được Chính phủ hay cơ quan của Chính phủ phát hành cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường và phải được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Các luật liên quan điều chỉnh việc phát hành trái phiếu xanh gồm Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư Công, và Luật NSNN. Văn bản này thực tế đã cho phép trái phiếu xanh của Chính phủ được thể chế hóa liên quan đến phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK). Vào tháng 01/2016, Bộ Tài chính đã thông qua chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu xanh với các nội dung chính gồm: trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian phát hành trong hai năm 2016 - 2017, kỳ hạn 3 năm và 5 năm, khối lượng phát hành từ 300 - 500 tỷ đồng, và trái phiếu được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Cho đến nay, Vin Group là doanh nghiệp phát hành trái phiếu bền vững

Cho đến nay, Vin Group là doanh nghiệp phát hành trái phiếu bền vững (cho các dự án xanh và dự án xã hội) thành công nhất ở Việt Nam

Cũng theo SSC, HNX đã tổ chức nhiều phiên đấu thầu TPCP để đầu tư cho các dự án xanh như dự án sản xuất pin mặt trời, điện gió, dự án thủy lợi hoặc các dự án đầu tư cho du lịch bền vững. HNX cũng đã phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) trợ giúp kỹ thuật cho các địa phương như Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện phát hành thí điểm trái phiếu chính quyền địa phương xanh. Cụ thể, trong năm 2016, Tp. Hồ Chí Minh đã phát hành được 3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương thông qua Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HIFC) trong đó có 500 tỷ đồng được dành để cấp vốn cho 11 dự án “xanh” về xử lý nước thải và phòng chống lụt bão. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã lên phương án cho đợt phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh đầu tiên vào năm 2018. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị quản lý số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu xanh này. Tuy nhiên, cũng giống như TP. Hồ Chí Minh, không có đơn vị thứ ba nào đứng ra xác nhận tiêu chuẩn “xanh” của những trái phiếu này.

"Mặc dù Bộ Tài chính, UBCKNN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực nâng cao năng lực và nhận thức của thành viên thị trường, nhưng vẫn có nhiều yếu tố khiến thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển và các thành viên thị trường chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường tiềm năng này", SSC cho biết.

Ở phía doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu xanh trên thị trường quốc tế gần đây. Tiêu biểu như BIM Land thuộc BIM Group đã huy động thành công trái phiếu xanh 200 triệu USD trên thị trường quốc tế năm 2021, hay VIN Group đã tiên phong phát hành trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu trị giá 425 triệu USD. Tuy nhiên, Green Bond - trái phiếu xanh, một trong những sản phẩm trụ cột của tài chính bền vững, vẫn đang được các doanh nghiệp chờ đợi sự hoàn thiện dần cả nhận thức lẫn thể chế, khung pháp lý, hạ tầng... trong nước để tạo đà phóng cho cho việc thực thi huy động vốn xanh ngày càng phổ biến, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh

    Triển vọng kinh tế năm 2022 và chính sách tài chính xanh

    17:00, 19/02/2022

  • Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh

    Việt Nam có cơ hội đón sóng tài chính xanh

    05:30, 21/01/2022

L. MỸ