Giá thép tăng vượt đỉnh, doanh nghiệp ngành thép làm ăn ra sao?

ĐÌNH ĐẠI 13/03/2022 12:45

Giá nguyên liệu thế giới đi lên, cùng với nhu cầu trong nước tăng cao do hoạt động xây dựng được nối lại và nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn khởi công, là những nguyên nhân khiến giá thép tăng cao.

>>>Ngược dòng ngành thép, VIS muốn hủy niêm yết để tìm cơ hội mới

Giá tăng do nhu cầu lớn

Trong thời gian qua, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi tăng mạnh, kéo theo giá thép thành phẩm trong nước cũng tăng cao. Chẳng hạn, giá phôi thép giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 39 - 40 USD/tấn lên mức 660 USD/tấn vào cuối tháng 1 thì đến cuối tháng 2 tiếp tục tăng lên khoảng 720 USD. Còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn, tăng 40 - 45 USD/tấn so tháng 1 và thậm chí còn cao hơn mức giá của 1 năm trước.

Nhu cầu tăng cao, khiến giá thép trong nước tăng vượt đỉnh.

Nhu cầu tăng cao, khiến giá thép trong nước tăng vượt đỉnh.

Giới chuyên gia cho rằng, giá thép liên tục tăng cao chủ yếu do nguyên liệu thế giới đi lên. Cộng thêm một phần chi phí vận chuyển tăng cao vì cước tàu tăng, giá xăng dầu tăng… đã khiến giá thành sản xuất tại các công ty đi lên. Nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp nên giá thép tại Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.

Ngoài ra, hiện nay nhiều dự án bất động sản trong nước đang trong quá trình triển khai sau một thời gian bị hoãn lại do ảnh hưởng dịch COVID-19, cùng với việc giãn cách xã hội kéo dài trong năm 2021, nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Bên cạnh đó, năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai... sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch COVID-19.

Dự báo trong nửa cuối năm 2022, mặt bằng giá thép có thể sẽ ổn định hơn khi tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép thấp hơn. Đồng thời, các nhà máy thép sẽ gia tăng sản lượng để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Ða cho rằng, Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngày 9/1/2022 với các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Việc huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm 2022.

“Các chính sách khuyến khích đầu tư nêu trên sẽ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm 2022, giúp các doanh nghiệp ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19”, Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp ngành thép lãi lớn

Việc giá thép liên tục tăng cao đã kéo theo lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép tăng đột biến. Cụ thể, Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG), kết thúc năm 2021 với doanh thu thuần đạt 28.173 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2020. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 68%, tương đương hơn 19.200 tỷ đồng, còn lại là doanh thu nội địa. Lãi gộp của Công ty ghi nhận gần 4.270 tỷ đồng, gấp gần 5 lần. Biên lãi gộp tăng từ 7,5% lên hơn 15%. Một điểm sáng khác của NKG là doanh thu tài chính tăng mạnh lên hơn 199 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm trước.

Thép Nam Kim lãi lớn nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm đến 68%.

Thép Nam Kim lãi lớn nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm đến 68%.

Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng của NKG đạt 2.225 tỷ đồng, gấp hơn 7,5 lần so với kết quả đạt được của năm 2020. Đây cũng là mức lãi cao nhất mà NKG đạt được kể từ trước đến nay. So với kế hoạch lãi sau thuế 600 tỷ đồng đề ra cho năm 2021, NKG đã vượt hơn 270%.

Tổng tài sản của NKG tại thời điểm 31/12/2021 đạt gần 15.383 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn một nửa tổng tài sản với gần 8.702 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cuối năm trước. Đáng chú ý, NKG đã lập dự phòng hơn 420 tỷ đồng cho nguyên, vật liệu tồn kho chỉ trong 2 quý cuối năm. Trước đó, NKG không ghi nhận bất kỳ khoản dự phòng nào liên quan đến khoản mục này. Việc tăng mạnh hàng tồn kho cũng như khoản phải thu đã khiến dòng tiền kinh doanh của Công ty bị âm gần 318 tỷ đồng.

>>>Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (UPCoM: TVN) cũng có một năm kinh doanh bội thu. Theo đó, năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của TVN ước đạt trên 37.000 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch Đại hội cổ đông năm 2021 giao, tăng trưởng 16% so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 910 tỷ đồng, vượt 128% kế hoạch, tăng trưởng 35% so với năm 2020.

Tổng doanh thu thuần toàn hệ thống TVN ước đạt trên 95.600 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2020; Tổng lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống ước đạt trên 2.590 tỷ đồng, tăng trưởng 143%.

Một ông lớn khác trong ngành tôn, thép là Công ty CP Tôn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng có lãi kỷ lục 4.313 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2020-2021. Theo lý giải của ban lãnh đạo HSG, lãi sau thuế tăng mạnh 3.160 tỷ đồng tương ứng với tăng 274% so với năm 2020 do doanh thu thuần tăng dẫn đến lợi nhuận gộp tăng thêm 4.246 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 93 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 34 tỷ đồng.

HSG hiện chiếm 37% thị phần tôn trong nước và hơn 42% sản lượng xuất khẩu toàn ngành. Tính đến cuối năm 2021, HSG xuất khẩu đến hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu trung bình đạt trên 100.000 tấn/tháng trong năm 2021. Hiện, HSG có 575 chi nhánh cửa hàng bán lẻ và 10 nhà máy phân bổ gần các cảng quốc tế.

Cổ phiếu thép có hấp dẫn?

Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, các chuyên gia của VNDirect cho rằng, ngành thép Việt Nam đang có những điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn chu kỳ trước đó nhờ vào (1) Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn tại Việt Nam (2) Tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam còn thấp (3) Tiêu thụ thép bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang thấp hơn mức trung bình của châu Á (4) Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất thép mới của thế giới.

VNDirect nhận thấy sự tương quan lớn của diễn biến cổ phiếu thép với giá bán thép thời gian gần đây. Trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, giá cổ phiếu thép đã tăng trung bình 19,6% so với trước nghỉ lễ khi giá thép thế giới tăng mạnh 5% trong cùng thời kỳ.

Mặc dù đã hồi phục đáng kể từ sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, song công ty chứng khoán này cho rằng định giá các cổ phiếu thép hiện vẫn đang ở mức khá an toàn. VNDirect thống kê định giá P/E của các cổ phiếu thép đang ở vùng thấp nhất 4 năm. Trong đó, HPG và HSG đang giao dịch ở mức P/E 1 năm lần lượt là là 6,1x (-1,1x Std) và 4,3x (-0,87 Std), vùng thấp nhất kể từ đầu năm.

Với triển vọng nhu cầu thép nội địa lớn và "miếng bánh" thị phần đang được thép Trung Quốc để lại trên toàn cầu, VNDirect cho rằng, các cổ phiếu thép xứng đáng được đầu tư trong dài hạn. Mặc dù bối cảnh có nhiều thuận lợi hơn cũng như những bài học được doanh nghiệp rút ra từ những chu kỳ giá xuống trước đó, giá cổ phiếu thép Việt khó có thể đi ngược yếu tố chu kỳ ngành.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngược dòng ngành thép, VIS muốn hủy niêm yết để tìm cơ hội mới

    Ngược dòng ngành thép, VIS muốn hủy niêm yết để tìm cơ hội mới

    04:28, 07/01/2022

  • Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử

    Cổ phiếu ngành thép trên đà đến đỉnh lịch sử

    15:00, 05/10/2021

  • Ngành thép chủ động tiếp cận thị trường mới

    Ngành thép chủ động tiếp cận thị trường mới

    00:48, 17/04/2021

  • Triển vọng ngành thép năm 2021: Tiềm năng phục hồi từ nhu cầu nội địa

    Triển vọng ngành thép năm 2021: Tiềm năng phục hồi từ nhu cầu nội địa

    04:30, 02/02/2021

  • Tisco không kịp “thăng hoa” cùng ngành thép

    Tisco không kịp “thăng hoa” cùng ngành thép

    11:34, 20/01/2021

ĐÌNH ĐẠI