Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?
Đã đến lúc đặt lại vấn đề về chủ trương chính sách phát triển thị trường trái phiếu theo tư duy bền vững, chứ không phải khắc phục các lỗ hổng đơn thuần như nhiều người đề cập.
>>Để bảo vệ quyền lợi trên thị trường trái phiếu, trái chủ cần lưu ý gì?
Sự kiện tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng là một cú sốc đối với kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tạo áp lực lớn lên nhiều ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện gửi các cơ quan quản lý, yêu cầu về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Về vấn đề này, LS. Nguyễn Tiến Lập, văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, vụ việc của Tân Hoàng Minh có lẽ là một hồi chuông báo động đối với vấn đề có thể sẽ còn xảy đến tới đây khi các cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ thị trường trái phiếu.
Khi bàn về bản chất và nguyên nhân, vị LS chia sẻ góc nhìn hướng vào 4 đối tượng tham gia thị trường bao gồm: Thứ nhất, về phía cơ quan quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước, sự quan tâm để thúc đẩy quá trình đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp là chính đáng, đó là vấn đề của phát triển kinh tế, nhưng chúng ta phải chuyên nghiệp hóa, hình thành và tăng cường phát triển các thị trường. Khi nhìn vào quá trình lịch sử sẽ thấy, câu chuyện ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến cổ phiếu và trái phiếu từ năm 1994 đã có quy chế tạm thời. Đầu tiên là về phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước và cho đến năm 2020, chúng ta đã có 4 Nghị định tiếp theo, để thấy rằng Nhà nước rất quan tâm vấn đề này, nhưng quan điểm chủ trương về mặt chính sách lại thay đổi.
“Những văn bản đầu tiên từ năm 1994 – 2006, thậm chí đến năm 2011 vẫn có sự thận trọng trong việc hình thành phát triển thị trường tài chính nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Tuy nhiên từ năm 2018 đến nay thì đã có sự nới lỏng, đây được xem là một động thái chính sách mang tính chủ động cần cân nhắc.
Thị trường tài chính hiện có ba kênh huy động đó là ngân hàng, cổ phiếu và trái phiếu, trong đó, ngân hàng là kênh được giám sát chặt chẽ nhất, về lý thuyết là an toàn nhất, nhưng "núi" nợ xấu khổng lồ đã xuất hiện khiến Nhà nước phải giải quyết, khắc phục trong gần 10 năm nay chưa xong. Mà đến nay lại mở cửa cho thị trường trái phiếu một cách dễ dãi, thì đương nhiên dẫn đến hệ quả này và giới chuyên gia cũng đã tiên lượng từ trước. Chính vì vậy, phải có sự thay đổi chính sách, và từ chỗ cần xem lại động thái chính sách suốt thời gian qua. Hình thành một thị trường trái phiếu từ góc độ chính sách với quan điểm nhanh, mạnh là rất tốt, nhưng điều quan trọng với thị trường tài chính và kiểm soát nó là vấn đề an toàn phải được đặt lên hàng đầu”, LS. Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
Thứ hai, với các doanh nghiệp, họ phải chứng minh uy tín và bán uy tín của mình trên thị trường trái phiếu, nhưng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ, các tiêu chuẩn về quản trị vẫn rất thấp, kỉ cương, sự tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn về kế toán chưa cao. “Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp thành công, trở thành tỷ phú quá nhanh, quá sớm, dẫn đến không kiểm soát được lòng tham, cộng với trình độ quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, từ đó tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các tiêu cực xảy ra”.
Thứ ba, đối với nhà đầu tư có hai nhóm gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp, thì họ chỉ nhìn vào lợi ích ngắn hạn và cũng thiếu trách nhiệm, còn nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ thì rất nhẹ dạ cả tin, thiếu kiến thức đầu tư và ham lời.
Thứ tư, đối với nhóm trung gian là các công ty dịch vụ như ngân hàng, công ty chứng khoán, họ cũng bị cuốn theo những lợi nhuận ngắn hạn, bởi vì ngân hàng là một tổ chức chuyên nghiệp và người dân thì luôn luôn tin vào hệ thống ngân hàng - nơi giữ tiền của mình.
>>Góc khuất dòng tiền xoay vòng vào bất động sản
“Trong quy định ở những năm 2011, còn có những yếu tố như có sự tham gia bắt buộc của các công ty Luật trong việc tư vấn phát hành trái phiếu và phải có ý kiến pháp lý. Nhưng đến năm 2018 đã bỏ điều đó và thả nổi tất cả, những vấn đề như mục tiêu, phát hành loại trái phiếu nào, có bảo đảm không, có thế chấp, có bảo lãnh không, tất cả những điều đó đều do doanh nghiệp quyết định và nới lỏng ở chỗ là không có trách nhiệm phải thông qua các khâu kiểm định của Nhà nước mà chỉ có đăng ký và thông báo thôi...
Rõ ràng đây là một chủ trương có tính toán chủ động về mặt chính sách và đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề theo tư duy phát triển bền vững, chứ không phải khắc phục các lỗ hổng như nhiều người đề cập”, vị Luật sư khuyến nghị.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nào cũng cần vốn và kênh dẫn vốn nào cũng đều quan trọng. Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng chưa có những tập đoàn tài chính, tài phiệt lớn cho nên việc sử dụng đòn bẩy tài chính là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với bất động sản.
“Chúng tôi cho rằng, khi cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trở thành một kênh huy động vốn là một giải pháp rất phù hợp với thông lệ quốc tế, với sự vận động phát triển chung. Những doanh nghiệp huy động trái phiếu và thực hiện đúng như những gì họ nói, mang lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng thì việc huy động đó là thành công. Nhưng nếu các doanh nghiệp không huy động đúng mục đích, câu chuyện dòng vốn lại trở thành một thứ khác, bị coi như “treo đầu dê bán thịt chó”, mà khi chuyển hướng như vậy không ai kiểm soát, dễ xảy ra tình trạng mất vốn, mang đến rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Cho nên, vấn đề ở đây là đang thiếu những quy định về chuyển vốn sang lĩnh vực khác, là một kẽ hở rất lớn khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trả trái phiếu dễ chịu thiệt thòi khi doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Đặc biệt, khi niềm tin của nhà đầu mất đi sẽ là hệ lụy lớn, ảnh hưởng đến thị trường trong dài hạn, khiến công cụ này không trở thành một giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp chân chính sẽ là cực kỳ nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Đính băn khoăn.
Có thể bạn quan tâm
Để bảo vệ quyền lợi trên thị trường trái phiếu, trái chủ cần lưu ý gì?
05:30, 12/04/2022
"May đo” tư vấn cho các tổ chức phát hành trái phiếu ra sao?
04:40, 12/04/2022
Trái phiếu doanh nghiệp: “Lỗ hổng" trong giám sát mục đích sử dụng vốn
04:10, 12/04/2022
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
20:30, 11/04/2022