Vỡ nợ trái phiếu có nguy cơ xảy ra?

DIỄM NGỌC 19/04/2022 11:00

Theo chuyên gia, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là có thể xảy ra, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của doanh nghiệp.

>>Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu

Trước các thông tin nóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây, nhiều nhà đầu tư không khỏi đặt ra câu hỏi rằng, liệu có thể xảy ra khả năng vỡ nợ trái phiếu ở Việt Nam hay không? Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, trước hết, chúng ta phải hiểu vỡ nợ là gì, đó là tại một thời điểm, một cá nhân, doanh nghiệp thậm chí một quốc gia không thanh toán được những khoản nợ đến hạn, thì được xem là vỡ nợ.

vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là một nguy cơ lớn và hiển hiện

Vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là một nguy cơ lớn và hiển hiện

Dễ hình dung nhất là gần đây có vụ vỡ nợ quốc gia tại Sri Lanka, khi đất nước này  tuyên bố vỡ nợ để từ chối thanh toán các khoản nợ đến hạn trị giá hơn 50 tỷ USD, trong khi quỹ dự trữ ngoại hối đang không còn đồng nào. Hay một trường hợp khác, về mặt cá nhân ở Việt Nam thì chưa có luật về phá sản, vỡ nợ cá nhân, nhưng có những trường hợp tham gia hội, họ, lấy tiền sau trả cho người trước rồi chạy trốn, cũng là một dạng vỡ nợ. Như vậy để thấy rằng, cá nhân hay doanh nghiệp đều có nguy cơ vỡ nợ.

“Từ đó, chúng ta mới suy ra, trái phiếu là một khoản phát hành của doanh nghiệp, một cam kết để thanh toán các khoản nợ, khi trái chủ cầm trái phiếu thì họ chính là chủ nợ. Dù trái chủ là cá nhân, doanh nghiệp, hay ngân hàng, nhưng nếu đến hạn thanh toán, hoặc đến kỳ trả lãi mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thể thanh toán được, thì đó cũng chính là rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là câu chuyện rất bình thường trong nền kinh tế thị trường và câu trả lời rằng, liệu có xảy ra vỡ nợ trái phiếu ở Việt Nam hay không thì hoàn toàn có thể.

Đối với Việt Nam, khi nhìn vào tình hình kinh tế và tình hình sốt đất đang diễn ra, đến một lúc nào đó, dòng tiền của các doanh nghiệp không quay trở về, không thanh toán được theo các cam kết, vỡ nợ ắt sẽ xảy ra”, ông Phạm Xuân Hoè nói.

Cùng quan điểm này, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc công ty luật Basico cho rằng, vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là một nguy cơ lớn và hiển hiện. Phát hành trái phiếu vốn là một hình thức vay nợ, khi đã đưa tiền cho người vay rồi và họ có trả được hay không phụ thuộc vào việc họ sử dụng và phương án gì, có hiệu quả đến đâu, khả năng tài chính ra sao...

Hiện nay, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có hai hiện tượng nổi bật như: Một là thuộc nhóm trái phiếu nhưng do các ngân hàng tài trợ, ngân hàng đóng vai trò là trái chủ, họ coi trái phiếu là hình thức cấp tín dụng như cho vay và thẩm định rất kỹ lưỡng, từ phương án kính doanh đến tình hình tài chính của công ty phát hành. Vì thế, khả năng trả nợ cho ngân hàng rất khả thi, chuyện vỡ nợ cũng khó xảy ra. Tuy nhiên với nhóm thứ hai, có thể ước tính khoảng vài trăm nghìn tỷ đồng, phát hành dưới hình thức đẩy qua ngân hàng, công ty chứng khoán và xé lẻ phân phối đến trái chủ sau cùng là các nhà đầu tư cá nhân.

>>Để bảo vệ quyền lợi trên thị trường trái phiếu, trái chủ cần lưu ý gì?

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng

“Rất nhiều nhà đầu tư cá nhân thấy rằng, họ đã mua lại của ngân hàng nên rất yên tâm mà không biết rằng, ngân hàng đã không thẩm định chặt như cái kênh mà ngân hàng đóng vai trò là trái chủ. Rõ ràng với trái phiếu phát hành riêng lẻ, phương án không được kiểm soát chặt chẽ, không thẩm định nghiêm ngặt, giá trị bảo đảm không cao, bất cứ lúc nào cũng có khả năng sử dụng vốn sai mục đích, dẫn đến hiện thực là công ty phát hành không hoàn tất được tiền về cho trái chủ gây ra nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Chỉ có điều, nguy cơ vỡ nợ đó hiển hiện với khối nào và có tác động ra sao, nhưng dù rơi vào đâu thì cũng đều ảnh hưởng rất xấu đến thị trường tài chính nói chung”, LS. Trần Minh Hải phân tích.

Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu hiển hiện với khối nào và có tác động ra sao, thì dù rơi vào đâu cũng đều ảnh hưởng rất xấu đến thị trường tài chính nói chung

Vị LS cũng phân tích thêm, tín dụng trên thị trường một là giữa các ngân hàng với dân cư, khi có thể huy động vốn ào ạt thì các ngân hàng sẽ đẩy vốn lên thị trường hai, đến khi dồi dào nguồn vốn, ngân hàng nào cũng có thể cung ứng được cho doanh nghiệp, vậy có thể hiểu là nền kinh tế đang khơi thông và doanh nghiệp rất tốt. Nhưng cái tốt đó đến từ đâu, nó đến từ nguồn vốn huy động mà trong suốt một chặng thời gian qua khoảng 10 - 20 năm trước, khi người dân có tiền nhàn rỗi thì thường mang đến ngân hàng gửi, nhưng bây giờ người dân mang đến ngân hàng gửi thì họ nhận ngay một tư vấn là gửi ở ngân hàng chỉ được 5% thôi, còn mua trái phiếu sẽ được mười mấy phần trăm, khi đó, người dân thấy hứng thú hơn, nhưng lại dẫn đến hậu quả một ngày nào đó, cả trăm nghìn tỷ vỡ nợ, dẫn đến việc ngân hàng không chết ngay nhưng sẽ có sự méo mó về cấu trúc tài chính.

“Hiện nay, điểm mẫu chốt trong câu chuyện về vỡ nợ trái phiếu là có nguy cơ, nhưng cái tôi cho rằng tất cả các chuyên gia đang nhìn thẳng vào và thấy một điểm rất giật mình đó là, để lẫn lộn khái niệm, hình ảnh trong thương hiệu của các nhà đầu tư cá nhân qua sự liên can của giới ngân hàng. Vì khi ngân hàng đầu tư trái phiếu, thì cục rủi ro chỉ trong nội bộ ngân hàng, đó là điều tốt cho thị trường, dù sao đây cũng là tổ chức cho vay chuyên nghiệp, kiểm soát tốt thị trường. Nhưng khi họ mang cục rủi ro đó quẳng ra ngoài thị trường, quẳng cho những người dân không biết, thì chưa nói về chuẩn mực kinh doanh mà rõ ràng là đã đẩy nguy cơ rất lớn ra thị trường. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp”, LS. Hải nhấn mạnh.

Theo thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, tổng cộng trong quý 1/2022, có 48 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỉ đồng và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỉ đồng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỉ đồng.

Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỉ đồng, chiếm 43,36%. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 10.004 tỉ đồng, tương đương 58,12%.  Nhóm xây dựng đứng ở vị trí thứ hai với 8.280 tỉ đồng, chiếm 20,86% tổng giá trị phát hành. Một số đợt phát hành trái phiếu có trị giá cao như Công ty CP Tập đoàn R&H 2 đợt phát hành huy động tổng cộng 5.000 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side phát hành 3.930 tỉ đồng hay Công ty CP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải và Công ty CP Xây Dựng Minh Trường Phú là hai doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong nhóm xây dựng với khối lượng phát hành lần lượt là 2.990 tỉ đồng và 2.950 tỉ đồng...

Trong thời gian tới, có 3 doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu  bao gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, đã phê duyệt phương án phát hành riêng lẻ tối đa 10.000 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn không quá 5 năm. Công ty CP Chứng khoán DNSE cũng phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 150 tỉ đồng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không có tài sản đảm bảo...

Có thể bạn quan tâm

  • Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:30, 17/04/2022

  • Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu phát sinh trong BOT, trái phiếu, ngân hàng...

    16:45, 14/04/2022

  • Siết lại để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng nào?

    12:00, 13/04/2022

  • Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần thêm nguồn lực để giám sát trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 13/04/2022

  • Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tránh rủi ro đổ vỡ “domino”

    20:37, 12/04/2022

DIỄM NGỌC